Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguyễn Văn Nguyễn - Một học giả uyên bác, một nhà báo tài hoa...

09:03, 21/03/2008

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1953, tin đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn - nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn hóa tài năng của Đảng mất trên đường đi công tác đã làm quân dân Nam bộ sửng sốt. Các phương tiện truyền thông khi ấy đã đưa tin với những lời tốt đẹp nhất về ông.

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1953, tin đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn - nhà cách mạng, nhà báo, nhà văn hóa tài năng của Đảng mất trên đường đi công tác đã làm quân dân Nam bộ sửng sốt. Các phương tiện truyền thông khi ấy đã đưa tin với những lời tốt đẹp nhất về ông. Báo Nhân dân miền Nam số ra ngày 20-4-1953, đã dành cả một trang để bày tỏ lòng thương tiếc một tài năng lớn đã mất. Tạp chí Nghiên cứu (cơ quan lý luận của Trung ương Cục miền Nam) số 6, tháng 4-1953 đã viết về ông với nhận định: Nguyễn Văn Nguyễn "đã hiến dâng trọn đời mình cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc,... nêu tấm gương rực rỡ của một chiến sĩ cách mạng trung kiên; một đảng viên lao động chiến đấu không ngừng cho nhân dân, cho Tổ quốc; một cây viết tiền phong, đanh thép trong giới báo chí cách mạng miền Nam".

Nguyễn Văn Nguyễn sinh năm 1910 tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Ông từng là học sinh của Trường Chasseloup Laubat tại Sài Gòn nhưng sau đó bị đuổi học do tham gia phong trào để tang chí sĩ Phan Chu Trinh. Phải rời ghế nhà trường và bị đẩy vào chốn lao tù, song ông đã ngay lập tức hòa mình vào môi trường xã hội cực kỳ sôi động khi ấy. Đó là thời kỳ tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông là người đầu tiên ở Mỹ Tho gia nhập An Nam Cộng sản Đảng năm 1929; là Trưởng ban Cán sự và Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Bến tre vào năm 1931 khi ở tuổi 21. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ông đã từng nhiều lần bị địch bắt, trong đó có hai lần bị đày ra Côn Đảo.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), trước tình thế cách mạng có nhiều biến chuyển, Nguyễn Văn Nguyễn cùng một số đồng chí vượt ngục Côn Đảo về Sài Gòn, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Năm 1945, ông được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 25-8-1945, trước hàng triệu đồng bào dự mít tinh chào mừng ngày thành công của Tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, trên ban công tòa thị sảnh Sài Gòn vang lên lời tuyên bố của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương do Nguyễn Văn Nguyễn tuyên đọc. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Nguyễn Văn Nguyễn lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng: Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ; Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ và Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ; trực tiếp chỉ đạo xây dựng và làm Giám đốc Đài Phát thanh tiếng nói Nam bộ vào năm 1946 tại Quảng Ngãi - sau này đổi thành Đài Phát thanh tiếng nói Nam bộ kháng chiến; giảng viên chuyên nghiệp Trường Đảng "Trường Chinh" của Xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam. Ông là người sáng lập Hội Văn nghệ Nam bộ, lãnh đạo văn học nghệ thuật Nam bộ, là chủ bút của các báo và tạp chí: Cứu quốc, Nghiên cứu, Nhân dân miền Nam, Lá lúa, Kinh nghiệm tuyên truyền...; là người cộng tác thường xuyên với các báo của Xứ ủy như: Mác-xít, Thống nhứt.

Là người phụ trách công tác tuyên huấn của Đảng trên toàn Nam bộ lúc ấy, Nguyễn Văn Nguyễn không chỉ nắm vững tư tưởng, chỉ đạo của Trung ương về chủ trương, đường lối, mà còn am hiểu rất sâu về nhiều lĩnh vực của công tác báo chí, văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn kháng chiến. Với quan điểm xem văn hóa, báo chí, văn nghệ là một vũ khí quan trọng, là một mặt trận trong sự nghiệp cách mạng; với nguyên tắc "hoạt động cách mạng thông qua mặt trận văn hóa", Nguyễn Văn Nguyễn đã để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị vượt thời gian thuộc nhiều thể loại, từ các bài báo, bài giảng, sáng tác văn học đến kịch bản sân khấu, cải lương... Ông am hiểu sâu sắc các vấn đề văn hóa văn nghệ trong sự nghiệp kháng chiến. Những thành quả đạt được trên mặt trận văn hóa nói chung và văn nghệ nói riêng của thời kỳ 9 năm chống Pháp ở Nam bộ có phần đóng góp to lớn của ông, từ việc chỉ đạo về đường hướng cũng như về tổ chức và trực tiếp tham gia.

Là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng, Nguyễn Văn Nguyễn có nhiều lập luận, kiến giải sâu sắc về nhiều vấn đề của cuộc sống, của kháng chiến. Ông là một thuyết trình viên đầy hấp dẫn trong các buổi sinh hoạt thời sự lý luận cho cán bộ ở các cơ quan tại chiến khu. Nhiều ý kiến của ông mang tính chất chỉ đạo sâu sắc, có tác dụng hướng dẫn lớp cán bộ trẻ trong việc tiếp thu quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những quan điểm về tuyên truyền nhân dân, tuyên truyền miệng ông chỉ ra đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Rất nhiều những kiến giải ông đưa ra từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn không khỏi làm những nhà lý luận hiện nay phải khâm phục về trình độ uyên bác. Hơn nửa thế kỷ trước, Nguyễn Văn Nguyễn đã dùng những lập luận rất khoa học phanh phui con người nhà văn tư sản chao đảo André Gide khi có một cây bút troskits viết bài hoan hô văn sĩ này để đả kích Quốc tế thứ Ba của Lênin.

Là một người làm báo rất sớm, ngay từ khi mãn hạn tù lần thứ nhất vào năm 1934, ông đã trở về Sài Gòn cộng tác với báo La Lutte. Chính trên tờ báo này, chế độ tù nhân dã man và hà khắc của thực dân Pháp đã bị vạch trần. Ông là thư ký tòa soạn đầu tiên của báo LAvant Garde - tờ báo tiếng Pháp của Đảng công khai tại Sài Gòn. Sau này, dù cương vị lãnh đạo nào ông đều lấy ngòi bút và báo chí làm vũ khí tranh đấu. Với quan điểm "Nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng"; bằng kiến thức uyên bác và tài hoa thể hiện trên nhiều lĩnh vực, bằng văn phong lịch duyệt; sắc sảo, có sức lay động lòng người, Nguyễn Văn Nguyễn đã tạo nên uy tín rất cao trong giới báo chí Nam bộ.

Nguyễn Văn Nguyễn đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho Tổ quốc, nhân dân. Cuộc đời Nguyễn Văn Nguyễn là cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản cao đẹp; một nhà báo, nhà văn hóa tài năng, uyên bác, như nhận xét của nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng: "Anh Năm Nguyễn là một học giả uyên bác, là một người cộng sản, một nhà văn, một nhà báo tài hoa".

Chu Văn - Trung Kiên

 

Tin xem nhiều