Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Việt có mê đọc sách không?

09:03, 14/03/2008

Đó là chủ đề hội thảo thú vị trong khuôn khổ hội sách TP.Hồ Chí Minh, diễn ra vào sáng qua 14-3, thu hút rất đông các đối tượng tham dự. Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề và nhiều chiều hướng bất ngờ về văn hóa đọc trong đời sống người Việt hôm nay...

Đó là chủ đề hội thảo thú vị trong khuôn khổ hội sách TP.Hồ Chí Minh, diễn ra vào sáng qua 14-3, thu hút rất đông các đối tượng tham dự. Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề và nhiều chiều hướng bất ngờ về văn hóa đọc trong đời sống người Việt hôm nay...

 

* Không dễ trả lời

 

Nhà văn Nguyên Ngọc, người dẫn chuyện, mở đầu cho buổi hội thảo bằng một gợi mở về câu chuyện đọc sách của người Việt với hàng loạt vấn đề: sách có còn đóng vai trò không thể thay thế trong thời đại các phương tiện truyền thông hiện đại bùng nổ như hiện nay, tình hình đọc của người Việt hiện nay đang như thế nào, phải chăng người Việt đã từng có truyền thống trọng sách, mê sách, đối tượng nào trong xã hội đang đọc nhiều, những ai đang đọc ít và không hề đọc...

TS Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam băn khoăn: "Phải trả lời cho được người Việt đọc sách - họ là ai? Họ đọc với động cơ nào, bằng năng lực gì? Bởi người Việt không chỉ là nhóm 5-7% dân số bao gồm trí thức chăm đọc sách và số công chức văn phòng thích đọc báo và hay lên mạng mà gần 80% người Việt là nông dân. Vậy câu hỏi nông dân Việt Nam hiện nay đọc cái gì, để làm gì và họ đọc như thế nào - là câu hỏi không khó trả lời. Song, số người Việt đọc sách hiện nay chủ yếu theo đúng nghĩa là lực lượng đã từng là học sinh, nay là công chức nhà nước và làm việc phi nông nghiệp. Cộng thêm vào đó là số học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Lực lượng này do điều kiện và "địa vị" xã hội khác nên đọc nhiều hơn, biết đọc hơn gần 80% nông dân".

Trong khi đó, Phạm Xuân Thạch, giảng viên Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội nhìn nhận: "Việc thanh niên bị các phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình giải trí khác lôi cuốn, việc đa phần sinh viên - kể cả sinh viên thuộc các ngành khoa học xã hội và nhân văn quay lưng lại với sách, việc họ đến thư viện chỉ để tham khảo do giảng viên bắt buộc và ngay cả việc một số giảng viên đại học không có thói quen đọc sách là chuyện không quá xa lạ và được đề cập rất nhiều. Phải thừa nhận gần đây chúng ta xuất bản nhiều nhưng cứ thử xem số liệu do Cục Xuất bản cung cấp sẽ thấy, có đến 80% sách xuất bản thuộc thể loại sách giáo khoa - thứ sách mà nhà trường bắt đọc thì mới đọc. 20% còn lại là đủ thứ loại khó lòng mà kể cho hết được. Dong dài như thế để thấy rằng, lấy đâu ra sách để đọc chứ đừng nói đến sách hay, sách đáng để đọc".

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay văn hóa đọc ở Việt Nam đang xuống cấp, người dân không còn mê sách nữa? Ông Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS nói: "Cứ như thời chúng ta trở về trước đã có văn hóa đọc ở mức cao, cứ như người dân chúng ta đã rất mê đọc sách, đã có sách hay để đọc hay đã có sách "đáng để đọc", và ngày nay có sự xuống cấp nghiêm trọng. Nói như vậy  để thấy rằng, đành rằng hiện nay lượng sách xuất bản nhiều, ấn phẩm nhiều, nhiều điểm bán sách nhưng cũng đừng quá lạc quan bởi điều đó không có nghĩa là chúng ta đã có một văn hóa đọc cao".

Nguyễn Thị Thanh Vân, sinh viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh ví sinh viên mà không có sách giống như cây bút chì chưa gọt, không thể viết dù chỉ một chữ. Nhưng Vân cũng thừa nhận, mỗi lần cần tìm kiếm thông tin, chỉ cần lên Google, gõ và nhấn enter, thông tin quá dễ dàng và đầy đủ. Chính sự tiện ích này cũng phần nào làm giảm khả năng đọc sách trong mỗi bạn trẻ. Nhưng Vân cho rằng, nói đọc sách chưa là thói quen của sinh viên cũng không đúng vì đã có những Rừng Nauy, Cánh đồng bất tận, Dạy con làm giàu... từng tạo nên cơn sốt trong giới sinh viên.

 

* Để mọi người mê đọc sách...

 

Mục đích của hội thảo này không nằm ngoài mong muốn thúc đẩy mọi tầng lớp công chúng hôm nay đọc sách. Chính vì thế, hầu hết các đại diện tham dự đều đề xuất giải pháp lâu dài. Đó là phải tạo dựng thói quen đọc sách từ trẻ thơ. "Nếu cứ để cho trẻ em những cuốn truyện tranh đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay thì có thể nói trẻ em ngày nay không đọc gì. Đó là xem sách chứ không phải đọc sách" - ông Tâm Hiếu, trưởng ban biên tập tạp chí Khoa học và tổ quốc nói. Bên cạnh đó, đã có rất nhiều ý kiến đồng tình với việc chưa tìm được nguồn sách hay để kích thích người đọc.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thì thẳng thắn: "Lấy đâu ra sách mà ham đọc?". Sách nói ở đây không phải là một vài tác phẩm văn chương mùi mẫn gây cười, du dương êm ái dễ đọc mà bao gồm cả các công trình nghiên cứu, các loại chuyên khảo... Một điều không thể thiếu trong việc làm thay đổi tư duy đọc sách, đó chính là cải cách nền giáo dục, thay đổi phương pháp giảng dạy để kích thích sự tìm tòi, tra cứu kiến thức. Muốn mọi người mê sách, trước hết cần có những cuốn sách hay, sách phải thỏa mãn nhu cầu người đọc. Nhưng muốn có sách hay, cần phải có những "bà đỡ" giỏi - đó là vai trò của nhà xuất bản. Đội ngũ những người làm công tác xuất bản phải là những người giỏi nghề, nắm bắt nhu cầu từng loại đối tượng, tìm kiếm lựa chọn và đặt hàng tác giả, dịch giả. Và một điều không thể thiếu là muốn tạo thói quen đọc sách, cần hình thành hệ thống thư viện từ các cơ sở, cung cấp thư viện cộng đồng một cách rộng rãi. Và điều cuối cùng là hạ giá sách, hạ thật sát với túi tiền của người dân - bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, người cùng dẫn câu chuyện này đúc kết như thế.

Bùi Trang

Tin xem nhiều