Báo Đồng Nai điện tử
En

Người phụ nữ vượt lên chính mình

11:03, 07/03/2008

Với chị em phụ nữ trong ngành bưu điện Đồng Nai, chị Võ Thị Tuyết, kế toán trưởng Công ty điện báo - điện thoại Đồng Nai là niềm tự hào của mọi người.

Với chị em phụ nữ trong ngành bưu điện Đồng Nai, chị Võ Thị Tuyết, kế toán trưởng Công ty điện báo - điện thoại Đồng Nai là niềm tự hào của mọi người.

 

Xuất thân từ một gia đình nghèo nên chị Tuyết sớm có tính chịu thương chịu khó. Nhưng nếu chỉ có thế, có lẽ chị cũng khó vượt qua được những rào cản, trở ngại trên đường đời. Cánh cổng trường đại học ngày ấy xa vời vợi đối với cô học sinh nghèo vừa đi học, vừa phải đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình như chị, nhưng không vì thế mà chị nản chí. Không bước thẳng được vào đời trên đường rộng thênh thang, năm 1982, chị Tuyết chọn Trường công nhân bưu điện III ở Tiền Giang làm bước đi đầu tiên cho mình. 2 năm sau, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, chị về nhận công tác tại Bưu điện Đồng Nai. Công việc ở cơ quan lúc ấy rất bộn bề khiến chị thường xuyên phải làm việc quá giờ, nhưng điều đó vẫn không ngăn cản được khao khát học hỏi thêm kiến thức mới ở chị. Càng đi sâu vào chuyên môn, chị càng nhận ra rằng phải có trình độ cao hơn mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Năm 1987, chị được lãnh đạo Bưu điện tỉnh tạo điều kiện và chị dành hết quỹ thời gian ít ỏi của mình cho việc học tại Trung tâm đào tạo bưu chính - viễn thông 2 (TP. Hồ Chí Minh).

 Có lẽ số phận cũng muốn thử thách ý chí và nghị lực của chị, nên năm 1992, lúc cô con gái đầu lòng Phan Duy Đại Ngọc chỉ mới tròn 3 tháng tuổi, còn chị chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp đại học thì chồng chị - anh Phan Thành Dũng - không may bị tai nạn. Một mình nuôi con nhỏ, chăm sóc chồng, lại còn chu toàn việc cơ quan, ai cũng nghĩ chị khó mà gượng nổi, nói gì đến chuyện học hành thi cử. Ấy vậy mà chị Tuyết vẫn quyết không chịu bỏ cuộc. Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi khiến ai nấy đều ngạc nhiên chính là kết quả nghị lực vô bờ của chị. Nhớ lại những ngày khó khăn vất vả đã qua ấy, chị Tuyết vẫn còn bồi hồi: "Tôi cũng là một con người bình thường như bao người khác, nào có phải là thần thánh hay tài giỏi gì hơn đâu, cũng có lúc cảm thấy mệt mỏi không sao chịu nổi, chỉ muốn khóc lên, muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi quay nhìn lại chặng đường mình đã đi qua với bao nhiêu công sức, tôi cứ tự nhủ thôi hãy ráng lên, ráng lên tí nữa, ráng thêm chút nữa. Và thêm một may mắn nữa là bên cạnh tôi bao giờ cũng có cơ quan, bạn bè đồng nghiệp cùng người thân động viên, hỗ trợ tôi vượt qua khó khăn".

Có một điều chị Tuyết không nói ra, nhưng mọi người đều nhận thấy và nể phục, đó là tinh thần ham học hỏi của chị. Dường như việc thu thập kiến thức với chị là vô tận. Cứ có chút thời gian rảnh hiếm hoi nào đó là chị lại tranh thủ học, hết học Anh văn, vi tính, lại xoay sang lớp cao cấp lý luận chính trị; vừa xong tấm bằng cử nhân quản trị kinh doanh, chị lại đăng ký tiếp lớp đào tạo từ xa ngành luật của Trường đại học Huế. Chị tâm sự: "Không biết sao tôi luôn cảm thấy thiếu kiến thức, thấy cái gì cũng cần thiết cho công tác chuyên môn, vậy là tôi đi học". Ngoài nhu cầu học để phục vụ công tác tốt hơn, việc học của chị Tuyết còn có một "tác dụng" âm thầm nữa, đó là để làm gương cho con. Thấy mẹ lúc nào cũng chuyên cần học tập, tranh thủ từng phút rảnh trong lúc nấu ăn hay lúc các con đã đi ngủ, thế là không ai bảo ai, 2 cô con gái đều tự giác học tập, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Nói về sự thành đạt của mình trong xã hội, chị Tuyết đều nhắc đến chồng. Chị bảo chính nhờ sự thấu hiểu và giúp đỡ của anh Dũng, chị mới có điều kiện hoàn thành tốt công tác của cơ quan. Những buổi chị phải ở lại làm thêm giờ, hay phải đi học về muộn, anh lo đón con về rồi mấy cha con cùng nhau làm việc nhà thay mẹ, không hề nệ hà "việc đàn ông, việc đàn bà". Công việc không ổn định, thu nhập vì thế cũng kém nhưng anh Dũng luôn biết tiết kiệm, hạn chế chi tiêu để lo cho vợ con khiến chị Tuyết cảm thấy rất ấm lòng vì sự quan tâm của người bạn đời. Dù gia đình không dư dả, nhưng khi chị Tuyết ngỏ ý muốn phụ giúp cha mẹ lo cho các em mình ăn học, anh Dũng không những vui vẻ đồng ý mà còn động viên và khuyến khích chị.

24 năm công tác trong ngành bưu điện, những bằng khen, giấy khen và các danh hiệu mà chị Tuyết đạt được không sao đếm xuể. Thế nhưng chị Tuyết vẫn cho rằng: "Giới trẻ bây giờ năng động và giỏi giang lắm, mình không chịu khó học hành, nắm bắt kiến thức mới sẽ bị tụt hậu ngay so với các em. Làm lãnh đạo, đảng viên mà "lính" không phục thì sao mà làm gương cho các em được". Vì thế, chị Tuyết lại lên kế hoạch chuẩn bị "lộ trình mới" cho mình sau khi tốt nghiệp đại học luật. "Để tạo sự hài hòa, cân bằng giữa việc cơ quan và gia đình, theo tôi điều quan trọng là biết sắp xếp thời gian khoa học và hợp lý", đó là kinh nghiệm mà chị Tuyết muốn truyền đạt. Tuy nhiên, còn một điều chị Tuyết vẫn chưa nói ra, đó cần phải có một nghị lực không ngại khó thì người phụ nữ mới có thể "vượt lên chính mình" để trở thành người phụ nữ hai giỏi như chị.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều