5 năm về trước, Mai Thị Ngọc Dung tốt nghiệp ngành dược, theo cái nghề đã được mẹ định hướng sẵn cho mình. Nhưng đến bây giờ, Ngọc Dung lại là một phát thanh viên nổi tiếng của một chương trình khá đặc biệt: chương trình truyền hình phát bằng tiếng dân tộc Chơ Ro.
5 năm về trước, Mai Thị Ngọc Dung tốt nghiệp ngành dược, theo cái nghề đã được mẹ định hướng sẵn cho mình. Nhưng đến bây giờ, Ngọc Dung lại là một phát thanh viên nổi tiếng của một chương trình khá đặc biệt: chương trình truyền hình phát bằng tiếng dân tộc Chơ Ro.
Nói về bước ngoặt nghề nghiệp của mình, Ngọc Dung bảo "nghề chọn em, chứ em không chọn nghề". Sau khi học xong trung cấp dược, Ngọc Dung đã đi làm ở một bệnh viện, yên tâm với công việc khá ổn định của mình cho đến ngày gặp... nhà báo Mai Sông Bé, Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai. Lúc ấy, đài chuẩn bị phát hình chương trình tiếng Chơ Ro nhưng vẫn "bí" người có thể biên dịch và đọc bằng tiếng dân tộc. Ngọc Dung lọt vào "mắt xanh" của giám đốc đài vì những lợi thế mà không phải ai cũng có được: cha là người Chơ Ro, mẹ người Kinh nên cô bé thuộc thế hệ "Chơ Ro 8X" này có thể nói rành cả 2 thứ tiếng, có trình độ lại có sắc vóc nên có thể đảm nhiệm được nhiều vai trò của chương trình. Hơn nữa, Ngọc Dung lại có chị ruột là Ngọc Linh - phát thanh viên tiếng Chơ Ro của Đài Phát thành - truyền hình Bình Phước nên ít nhiều chị em có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Thế là năm 2004, Ngọc Dung đầu quân về Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai, bắt đầu công việc vô cùng mới mẻ và lạ lẫm: biên tập và làm phát thanh viên chương trình truyền hình tiếng Chơ Ro.
Bước chân vào nghề rồi, Ngọc Dung mới nhận thấy hết khó khăn của nghề. Không giống như cô hình dung ban đầu: ăn mặc, trang điểm thật đẹp rồi ngồi trước máy quay mà đọc, thực tế công việc của Dung vất vả hơn nhiều. Phần lớn chương trình Dung và các đồng nghiệp phải đi xuống tận các làng, để tìm đề tài, nắm thông tin, ghi hình, xong về phải viết tin bài, dựng hình và dịch sang tiếng Chơ Ro. Khó khăn nhất với Ngọc Dung là biên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Chơ Ro. Dung tâm sự: "Em thuộc thế hệ trẻ người Chơ Ro, dù gì ngôn ngữ cũng đã bị pha trộn ít nhiều. Dân tộc Chơ Ro lại chưa có chữ viết, nói gì đến từ điển để mình tra cứu như tiếng Anh hay các thứ tiếng khác. Vì vậy, có nhiều lúc dịch mà gặp từ khó, từ mới em cũng bí, phải gọi điện thoại về hỏi những người lớn tuổi". Thế là tranh thủ những buổi đi viết bài, ghi hình, Ngọc Dung cố gắng nắm bắt, học hỏi thêm được càng nhiều càng tốt để làm giàu hơn vốn kiến thức, từ ngữ của mình.
Vất vả với nghề, nhưng càng ngày Ngọc Dung càng cảm thấy yêu thích, gắn bó hơn với nghề. Từ một cô bé nhút nhát, Dung dần trở nên mạnh dạn, tự tin. Dung nhận ra, càng làm nhiều chương trình, mình càng có cơ hội giới thiệu về văn hóa, đời sống của người Chơ Ro với mọi người. Và với nghề, Dung được đi sâu đi sát hơn với bà con dân tộc mình. Dung kể, cũng là người Chơ Ro nhưng trước kia sống ở xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh), một vùng không có nhiều người Chơ Ro, nên Dung cũng không có dịp tìm hiểu kỹ về phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Giờ thì không chỉ gần gũi, Ngọc Dung còn được bà con yêu quý hơn, bộc bạch tâm sự nhiều hơn. Càng vui hơn khi Dung biết cứ tối thứ sáu hàng tuần, không chỉ bà con người dân tộc Chơ Ro ở Đồng Nai mà cả ở các vùng lân cận như Ngãi Giao (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... cũng chờ đón xem chương trình trên kênh ĐN1. Nhiều người còn "phân bì" rằng, sao trên đài chỉ có chương trình tiếng Chơ Ro mà chưa có tiếng Châu Mạ, STiêng, Dung chỉ biết cười mà trong lòng cảm thấy thật hạnh phúc.
Hiện nay, cô phát thanh viên tiếng Chơ Ro Ngọc Dung vẫn vừa làm, vừa lo hoàn tất chương trình đại học luật. Mục tiêu sắp tới của Dung là theo học ngành báo chí để được đào tạo bài bản hơn, phục vụ tốt hơn cho công việc mà Dung yêu thích, bởi vì tuy "nghề chọn mình", nhưng Dung lại cảm thấy khó mà xa được công việc yêu thích này...
Thanh Thúy