Báo Đồng Nai điện tử
En

Liệt phụ Nguyễn Thị Tồn

08:03, 04/03/2008

Một số sử viết về đất Biên Hòa xưa nhắc đến nhiều gương phụ nữ, trong đó có bà Nguyễn Thị Tồn. Bà còn có tên là Diệu, ở làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng (nay thuộc phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa). Bà là trưởng nữ của hộ trưởng Nguyễn Văn Lý và là chánh thất của Bùi Hữu Nghĩa.

Một số sử viết về đất Biên Hòa xưa nhắc đến nhiều gương phụ nữ, trong đó có bà Nguyễn Thị Tồn. Bà còn có tên là Diệu, ở làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng (nay thuộc phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa). Bà là trưởng nữ của hộ trưởng Nguyễn Văn Lý và là chánh thất của Bùi Hữu Nghĩa.

 

Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807 và mất năm 1872, hiệu là Chi Nghi, sinh ở thôn Long Tuyền, tổng Định Thới, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Long Tuyền, huyện Ô Môn, tỉnh Hậu Giang). Ông có thời gian lên Biên Hòa trọ tại nhà hộ trưởng Nguyễn Văn Lý, thọ giáo thầy Nguyễn Phạm Hàm (mà người dân địa phương quen gọi là cụ đồ Hoành). Năm 1835, Bùi Hữu Nghĩa đỗ đạt kỳ thi tại Gia Định và sau đó được bổ làm tri huyện Phước Long. Lúc này, Bùi Hữu Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tồn nên duyên chồng vợ. Bùi Hữu Nghĩa còn là một nhà thơ của vùng đất phương Nam, từng được truyền tụng trong câu ca:

Đồng Nai có bốn rồng vàng

Lộc họa, Nghĩa phú, Sang đàn, Nghĩa thi

Khi Bùi Hữu Nghĩa làm quan tri huyện Trà Vang (Trà Vinh), vì cương trực nên ông bị một số quan chức ganh ghét. Nhân sự kiện dân chúng nổi dậy tranh chấp rạch Láng Thé, số quan chức trên ghép tội ông xúi giục, bắt giam rồi giải ông về Gia Định chờ xử tử. Trước sự oan ức của chồng, bà Nguyễn Thị Tồn từ Trà Vang lên Mỹ Tho rồi quá giang ghe bầu ra Huế để kêu oan cho chồng. Tại kinh thành Huế, bà gặp được Thượng thư Bộ Lại Phan Thanh Giản bày tỏ nỗi niềm của chồng và được giúp đỡ. Vị minh quan viết tờ trạng và chỉ vẽ cho bà cách trình tấu nơi công đường để kêu oan.

Bà Nguyễn Thị Tồn đến Tam pháp ty mạnh dạn đánh ba hồi trống làm kinh động nơi tam cung lục viện. Vua Tự Đức cho đòi người đánh trống vào chầu. Trước mặt vua và quan triều đình, bà trình bày nỗi oan khiên của chồng là Bùi Hữu Nghĩa đang gánh chịu. Vua Tự Đức nghe xong, giao cho Bộ Hình xem xét. Sau khi thẩm định minh bạch, nhà vua chung thẩm bản án: "Tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tội tử hình nhưng phải quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội".

Sau đó, bà Nguyễn Thị Tồn được vua Tự Đức ban võng điều có bốn lọng, nơi đầu võng có gông nhỏ sơn son, ngầm ý khen bà là người trung trinh, gan dạ song cũng thầm trách bà đã làm kinh động đế đô. Hoàng thái hậu Từ Dũ nghe tin, cho bà vào gặp mặt. Cảm kích trước một người phụ nữ dân dã từ xứ Đồng Nai không ngại khó từ nan, thân gái dặm trường đến chốn kinh thành minh oan cho chồng nên hoàng thái hậu tỏ lời khen gương tiết nghĩa, đáng mặt nữ lưu. Khi bà Nguyễn Thị Tồn về đến quê thì Bùi Hữu Nghĩa khâm mệnh đi trấn đồn Vĩnh Thông (thuộc Châu Đốc - An Giang). Tại Biên Hòa, bà Nguyễn Thị Tồn lâm trọng bệnh qua đời. Bùi Hữu Nghĩa vì xa xôi cách trở không về lo đám tang được cho vợ. Những mất mát chốn quan trường không làm Bùi Hữu Nghĩa than vãn nhưng ông đau đớn tột cùng trước sự ra đi của người vợ hiền, vì ông mà lao tâm khổ tứ. Bùi Hữu Nghĩa đã viết văn tế cho vợ với nỗi niềm:

"Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ.

Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng...".

Nhớ vợ và nhắc đến hành động đánh trống kêu oan nơi kinh thành, Bùi Hữu Nghĩa tỏ lòng mến phục: "...Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng. Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ băng đăng tai nghe đà khiếp vía".

Trong thời phong kiến bấy giờ, hành động của bà Nguyễn Thị Tồn đáng khâm phục thay. Đất Biên Hòa xưa tự hào về một người phụ nữ như thế.

Duyên Tâm

Tin xem nhiều