Cuối thế kỷ 19 và hai thập niên đầu thế kỷ 20, vùng Biên Hòa có một số tổ chức yêu nước hoạt động dưới hình thức hội kín. Các tổ chức hội kín này tổ chức chặt chẽ, liên lạc và nhận biết nhau bằng dấu hiệu, mật hiệu riêng để tránh sự phát hiện. Các tổ chức hội kín này có nhiều tư tưởng pha tạp, có màu sắc thần bí nhưng tựu trung là phương tiện để những người yêu nước tập họp, tương thân, tương ái, đoàn kết với nhau để mưu sự đánh kẻ thù xâm lược.
Ở vùng Long Thành, hội kín do nhà sư Trần Văn Tấn (pháp hiệu Huyền Vi) tổ chức, đánh vào bọn tay sai cho giặc. Tháng 2-1885, nghĩa quân hội kín Long Thành tổ chức tiêu diệt tri phủ Trần Bá Hựu. Nhà cầm quyền Biên Hoà lùng bắt, đàn áp tổ chức này. Những nhân vật chủ chốt của hội kín này bị bắt và xử án: nhà sư Huyền Vi bị kết án tử hình và 3 án khổ sai chung thân cho nhà sư Phạm Trung Báo (Huỳnh Tấn Thanh), Nguyễn Văn Thượng, Lâm Văn Tôn và nhiều án khổ sai khác... Phong trào hội kín Long Thành còn dai dẳng đến năm 1908 và ngầm phát triển ở các cụm địa bàn. Ngày 12 tháng Giêng năm 1916, nghĩa quân hội kín Long Thành tập trung về Sài Gòn tham gia phá khám với phong trào tại đây. Sau sự kiện này, tổ chức hội kín Long Thành bị địch phát hiện, truy tầm những người cầm đầu. Hội đi vào tan rã.
Ở địa bàn Tam Hiệp, Vĩnh Cửu (nay thuộc địa phận Biên Hòa) có tổ chức hội kín do Đoàn Văn Cự, một nhà nho yêu nước, lãnh đạo. Tổ chức này lấy khu rừng Bưng Kiệu, Suối Linh làm căn cứ. Hội viên tham gia hội kín này rất đông đảo. Tháng 5-1905, hội kín tổ chức lễ tế cờ, luyện quân để mưu sự đánh Pháp. Hoạt động của hội không giữ được bí mật nên giặc Pháp nắm bắt tin tức, tổ chức đánh úp. Ngày
Ở núi Gò Mọi, vùng Thiện Tân, Vĩnh Cửu có tổ chức hội kín với tên gọi Lâm Trung Trại. Trại Lâm Trung là một hình thức tổ chức hội kín yêu nước hoạt động ở Biên Hòa - Đồng Nai vào thập niên thứ nhất của thế kỷ 20. Nghĩa quân tham gia trại phần lớn là thanh niên các tổng thuộc địa phận của vùng Biên Hòa, Vĩnh Cửu. Trại chiêu tập người, tổ chức luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí, tích trữ lương thực... chờ thời cơ đánh Pháp.
Những ngày cuối tháng 1-1916, nghĩa quân trại Lâm Trung chia làm nhiều toán tấn công vào các nhà hội (trụ sở hội tề) ở Tân Trạch, Tân Khánh, Tân Lương... và khám đường Biên Hòa, chợ Tân Uyên (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Biên Hòa). Cuộc tấn công làm cho quân Pháp và chính quyền tay sai ở Biên Hòa bất ngờ. Thế nhưng, sau đó, quân Pháp tập trung lực lượng đàn áp, lùng bắt các trại viên. Nhờ có tay sai chỉ điểm, vào tháng 3-1916, giặc Pháp bắt được các trại viên chủ chốt trại Lâm Trung. Tháng 6-1916, thực dân Pháp lập tòa án xử các trại viên Lâm Trung và tuyên án tử hình chín người tại Dốc Sỏi (xóm Bình Thành). Trước khi bị xử bắn, một số trại viên đã tỏ rõ khí tiết hiên ngang chấp nhận cái chết một cách gan dạ. Nhân dân địa phương lập miếu thờ các trại viên nghĩa liệt tại Dốc Sỏi (gọi là miếu Cô Hồn, nay là chùa Cô Hồn - tên chữ là Bửu Hưng tự).
Các hội kín lần lượt tan rã nhưng tinh thần yêu nước, vì đại nghĩa, gương bất khuất của hội viên luôn được người dân ghi nhớ. Di tích chùa Cô Hồn và đền thờ, mộ của anh hùng kháng Pháp Đoàn Văn Cự được liệt hạng di tích lịch sử - văn hóa.
Đinh Huyền Dũng