Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ xã Phú Vinh:
Khi người dân biết vận dụng kiến thức vào sản xuất...

09:03, 05/03/2008

Hơn 3 năm qua, Điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ xã Phú Vinh (huyện Định Quán) đã cung cấp khoảng 550 đĩa phim khoa học - công nghệ cho bà con nông dân xem, học tập và cung cấp hàng trăm tin tức về công nghệ, nông nghiệp phục vụ sản xuất của bà con. Bên cạnh đó, cán bộ của điểm này còn chủ động thu thập thông tin, biên soạn và đưa lên gần 200 tin, bài trong website của xã.

Hơn 3 năm qua, Điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ xã Phú Vinh (huyện Định Quán) đã cung cấp khoảng 550 đĩa phim khoa học - công nghệ cho bà con nông dân xem, học tập và cung cấp hàng trăm tin tức về công nghệ, nông nghiệp phục vụ sản xuất của bà con. Bên cạnh đó, cán bộ của điểm này còn chủ động thu thập thông tin, biên soạn và đưa lên gần 200 tin, bài trong website của xã.

 

Chị Ùng Sy Mùi giới thiệu đĩa phim khoa học cho bà con nông dân xã.

Trong những ngày Điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ Phú Vinh mới đi vào hoạt động, nhiều người không khỏi thắc mắc về hoạt động của điểm này. Thế nhưng chỉ sau một thời gian tuyên truyền thông qua những cuộc họp tổ nhân dân, khóm, ấp, nhiều người dân đã tìm đến để xin được cung cấp những thông tin liên quan đến lao động - sản xuất, mà cụ thể là những quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới có hiệu quả, năng suất, chất lượng. Từ những yêu cầu của người dân, cán bộ phụ trách điểm đã không ngần ngại tìm kiếm, in những tài liệu mà bà con nông dân cần đem về nhà nghiên cứu, làm theo hướng dẫn. Để cụ thể hóa những vấn đề thuộc về lý thuyết, cán bộ phụ trách điểm đã chủ động kết hợp tổ chức những buổi chiếu phim khoa học - kỹ thuật trong những buổi họp dân, từ đó đã thu hút được sự quan tâm của bà con nông dân. Trong trường hợp xem phim thấy hữu ích và cần thiết cho sản xuất, bà con nông dân còn được cán bộ phụ trách cho mượn đĩa phim về nhà xem và học tập.

Để làm rõ những gì mà Điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ xã Phú Vinh đem lại, chúng tôi đã đến nhà anh Nguyễn Văn Thiện, trưởng công an ấp Ba Tầng, để tham quan mô hình trồng cây lâu năm của gia đình anh. Đến và tận mắt chứng kiến vườn điều nhà anh đang trong thời kỳ ra hoa kết trái và được nghe anh trình bày về quá trình học tập tại điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ của xã và tổ chức ứng dụng tại vườn cây gia đình, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn hiệu quả mà điểm cung cấp thông tin mang lại. Anh Thiện cho biết, trước đây khi về lập nghiệp tại xã Phú Vinh, chủ cũ của khu đất này đã trồng vườn điều nên anh vẫn tiếp tục duy trì và phát triển thêm vườn điều từ 1 hécta lên 3,5 hécta. Nhưng năng suất thu được từ vườn điều thường đạt thấp. Sau này nhờ thường lên điểm cung cấp thông tin tìm kiếm tài liệu về chăm sóc cây điều, anh Thiện nhận ra rằng vườn điều nhà mình quá rậm rạp khiến cho việc đậu quả khó khăn. Thế là anh tiến hành tỉa tán, bỏ bớt những cành cây không cho trái. Và kết quả mang lại khá rõ nét khi năng suất liên tục tăng từ 2,3 tấn/hécta lên 2,7 tấn/hécta. Cũng từ những mô hình học được, anh Thiện mạnh dạn trồng mới diện tích cây điều bằng giống điều cao sản - giống mà các nhà khuyến nông đang khuyến khích bà con trồng. Rồi cũng nhờ thường xuyên ra điểm tìm kiếm thông tin, anh Thiện mạnh dạn đăng ký tham gia lớp tin học trình độ A thuộc chương trình do Sở Khoa học - công nghệ triển khai. Anh Thiện cho biết: "Việc học tin học sẽ giúp tôi rất nhiều trong quá trình tìm kiếm thông tin trên mạng".

Còn tại gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở ấp Suối Son 2, khi chúng tôi hỏi về những kết quả mà anh học tập được từ điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ của xã, anh chỉ tay ngay vào đàn bò đang gặm cỏ và bảo: "Đó là bò dự án huyện giao cho mình chăm sóc. Lúc đầu mình lo lắm vì chưa bao giờ chăm sóc bò và không biết khi được giao có chăm sóc nổi không. Song mình vẫn mạnh dạn nhận vì nghĩ bây giờ thời buổi thông tin bùng nổ, thiếu gì tư liệu tham khảo về cách chăm sóc bò trên các phương tiện truyền thông và gần nhất là điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ của xã nhà". Anh cho biết, sau khi nhận bò về, hàng tuần hay khi có dịp ra UBND xã là anh lại ghé vào điểm cung cấp thông tin để tìm kiếm những thông tin liên quan đến chăm sóc bò mẹ, bò con... Sau khi xem qua các mô hình nuôi bò hiệu quả, anh Thành thấy các mô hình đều chủ động trồng cỏ nuôi bò. Thế là anh xúc tiến ngay việc trồng cỏ trên phần đất bờ ao để tiết kiệm diện tích canh tác của gia đình. Chính nhờ những kiến thức học được từ điểm cung cấp thông tin mà đàn bò của dự án ngày một béo tròn, bê con ra đời khỏe mạnh, tạo niềm vui và động lực cho anh phấn đấu học tập, nghiên cứu và ứng dụng những kiến thức học được vào chăn nuôi, sản xuất. Không chỉ thành công từ chăm sóc đàn bò, ngay cả vườn điều ở nhà anh Thành, sau khi được chăm sóc theo chỉ dẫn của tài liệu truy cập được, cũng đã cho năng suất cao hơn 20-30% so với trước.

Chị Ùng Sy Mùi, cán bộ phụ trách Điểm cung cấp thông tin khoa học - công nghệ xã Phú Vinh cho chúng tôi biết: "Để người dân biết đến điểm thì không khó nhưng để họ biết cách ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mới khó. Chính vì thế mà khi người dân quan tâm đến vấn đề gì, chúng tôi thường in ra và sẵn sàng cho mượn những đĩa phim liên quan để bà con về nhà xem và chép lại. Khi đến đây, người dân luôn mong muốn tìm được những thông tin như ý muốn nên người phụ trách phải có trách nhiệm tìm và cung cấp thông tin cho họ, qua đó giúp người dân thỏa mãn nhu cầu, có như vậy họ mới nhiệt tình giới thiệu những người khác trong gia đình hoặc bạn bè tìm đến để được học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, để cho điểm hoạt động một cách hiệu quả, cán bộ phụ trách cần năng động, sáng tạo trong quá trình hoạt động, nhất là phải thường xuyên cập nhật những thông tin hoạt động liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương lên trang web của xã".

Thu Dung

 

Tin xem nhiều