Báo Đồng Nai điện tử
En

Đặt mục tiêu trong tầm tay

09:03, 14/03/2008

"Có một nghề trong tay sẽ không lo đói" - Đinh Vũ Giang, một thợ làm tóc trẻ ở phường Tam Hòa (TP. Biên Hòa) tâm sự. Giang đã làm thợ cho các tiệm khoảng 3 năm, khi tay nghề vững vàng và có một số vốn kha khá thì về mở tiệm tại nhà, rồi nhận dạy kèm thêm cho thợ. Và Giang đã thành công...

"Có một nghề trong tay sẽ không lo đói" - Đinh Vũ Giang, một thợ làm tóc trẻ ở phường Tam Hòa (TP. Biên Hòa) tâm sự. Giang đã làm thợ cho các tiệm khoảng 3 năm, khi tay nghề vững vàng và có một số vốn kha khá thì về mở tiệm tại nhà, rồi nhận dạy kèm thêm cho thợ. Và Giang đã thành công...

 

* Đại học có phải là con đường duy nhất?

 

Mỗi khi đề cập đến vấn đề thi cử của các thí sinh thì đây luôn là câu mở đầu và hầu như học sinh cuối cấp còn rất phân vân,  chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng... Một chuyên gia tư vấn tuyển sinh cho biết:  "Lần nào tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, tôi đều gợi câu hỏi đó và hầu như các bạn rất lúng túng. Trong quan niệm của rất nhiều bạn trẻ, hình như chỉ có học đại học mới được coi là sang trọng. Thế nên, bất chấp "đầu vào" đã khó, "đầu ra" còn khó hơn, thí sinh vẫn đổ xô thi vào đại học. Cứ nhìn vào con số gần  1,5 triệu thí sinh đăng ký dự thi, 1 triệu thí sinh có mặt để thi và chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm vào các trường đại học chỉ  200 ngàn thì thấy, có rất nhiều học sinh đã lựa chọn đại học là lối đi. Tôi không nói rằng các bạn chọn sai nhưng tôi khuyên các bạn  trước một quyết định hãy thận trọng cân nhắc giữa ước mơ, năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình".  

Chia sẻ của Tổng giám đốc Trần Chí Tài, Công ty Navaras, dành cho các thí sinh trước mùa thi: "Hồi bằng các bạn, tôi cũng chọn thi đại học và đã thi rớt. Tôi cũng buồn và mất mấy tháng trời sống trong tâm trạng chán chường. Người quen giới thiệu tôi đi học nghề thợ tiện tại một xưởng cơ khí. Thật lòng tôi không thích lắm nhưng vì cần một nghề để kiếm sống nên không có lựa chọn khác. Thế mà nghề tiện đã giúp tôi dành dụm được tiền, tiếp tục học thêm kinh doanh và mở được công ty như ngày nay". Anh nhấn mạnh, bằng cấp chỉ là điều kiện cần thôi, chứ chưa đủ. Xã hội nào cũng cần người có tri thức thật sự, mảnh bằng đại học cũng chỉ là hình thức ban đầu, như "miếng trầu đầu câu chuyện" thôi. Công ty anh tuyển chọn nhân sự căn cứ trên năng lực chuyên môn trong quá trình thử việc chứ không chỉ xác định trên bằng cấp.

Theo thống kê chung của Bộ GD-ĐT về thị trường cung cầu, số sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng chuyên ngành được đào tạo chỉ chiếm 30%. Số còn lại phải trầy trật tìm việc với đủ các nghề dạy kèm, bán sách dạo, tiếp thị, bán hàng... để kiếm sống, dù không ít người có ít nhất 1 tấm bằng đại học chính quy và 3-4 chứng chỉ đi kèm.

 

* Đừng từ bỏ ước mơ...

 

Học nghề hay học đại học, lựa chọn tùy thuộc chính mỗi bạn trẻ. Tuy nhiên, nếu không thể học lên đại học, hãy nhớ, bạn còn có một con đường khác: học nghề. Bỏ qua quan niệm không đúng đắn về nghề sang, nghề hèn, bỏ qua chút "sĩ diện" và áp lực gia đình, bạn sẽ thấy hoàn toàn thoải mái, tự tin với quyết định học nghề. Tuy nhiên, dù là học chữ hay học nghề cũng phải học cho tốt, mới mong trụ vững trước sự gạn lọc khắt khe của cuộc sống.

Anh Phan Chí Dũng, giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Petech nói rằng, học gì cũng có cái hay của nó, quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ khát khao tìm kiếm tri thức. Thi rớt đại học, anh từng làm đủ nghề để nuôi thân: từ hàn bửng xe máy, sửa điện rồi mới học và theo nghề điện tử. 27 tuổi, anh được cấp chứng nhận thợ bậc 7/7 và làm xưởng trưởng xưởng truyền hình (thuộc Công ty kỹ thuật phát thanh truyền hình 2). Rồi anh thành cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật bưu điện, đi học đại học và thành công với rất nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị trong ngành bưu chính, viễn thông.

Anh Dũng tâm sự: "Đừng bao giờ đặt ra mục tiêu xa vời quá so với mình. Lúc rớt đại học, tôi chỉ đặt ra một mục tiêu duy nhất là kiếm sống và tôi đi làm nuôi thân từ năm 18 tuổi. Tôi không chịu đựng được cảnh cha mẹ phải còng lưng, dầm mưa dãi nắng nuôi con học đại học. Nếu thi không đậu đại học,  tôi khuyên các bạn cứ mạnh dạn học nghề nhưng đừng bao giờ từ bỏ khát khao tri thức của mình".

Thuận An

Tin xem nhiều