Không thụ động, trông chờ vào ngân sách nhà nước, những năm gần đây việc xã hội hóa trong công tác bảo quản, trùng tu các di tích ngày càng phát huy sức mạnh tiềm ẩn của mình. Dòng chảy âm thầm được khơi gợi từ nguồn lực xã hội đã tạo ra diện mạo mới cho nhiều di tích trên địa bàn Đồng Nai...
Đình Phú Mỹ sau khi được trùng tu tôn tạo. |
* Khôi phục lại phố xưa nhà cổ
Tính riêng trong 2 năm 2006-2007 đã có khoảng 10 di tích ở Đồng Nai được trùng tu bằng sự vận động đóng góp của nhân dân với số tiền lên đến khoảng gần 4 tỷ đồng. Di tích đầu tiên được tu bổ bằng ngân sách kết hợp với vận động xã hội hóa là đình Phú Mỹ ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Đây là ngôi đình được xây dựng dưới thời Gia Long, có tuổi đời trên 200 năm nên nhiều nơi đã bị xuống cấp trầm trọng. Đầu năm 2006, đình đã được gia cố lại như thay mái ngói, xử lý mối mọt các bộ cột, thanh rường, xà ngang cùng các bức hoành phi, câu đối bằng gỗ quý. Tổng kinh phí sửa chữa khoảng 150 triệu đồng được lấy từ ngân sách của UBND tỉnh, huyện cùng với đóng góp của người dân. Nhưng quan trọng hơn, từ đó đã mở ra một hướng mới, cũng như rút ra được những kinh nghiệm trong việc vận động sức dân trùng tu, sửa chữa các di tích.
Nổi bật lên trong số các di tích đã được trùng tu, sửa chữa bằng hình thức xã hội hóa sau đó, có thể đến việc xây dựng lại Quan Âm các tại chùa Quan Đế, hay còn gọi là chùa Ông tại xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa). Đây là ngôi chùa ra đời khoảng năm 1684 vào thời kỳ Nông Nại đại phố "trên thuyền dưới bến", đóng vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Hoa lẫn người Việt ở địa phương. Trải qua bao biến động, ngôi chùa cũng lâm vào tình trạng xuống cấp. Bằng vào sự đóng góp của nhân dân, năm vừa qua Quan Âm các đã được xây dựng lại với kinh phí lên đến 1,8 tỷ đồng, trả lại cho chùa Ông vẻ tôn nghiêm, hoành tráng ngày nào.
Một ngôi chùa cùng thời với chùa Ông, gắn liền với lịch sử hơn 300 năm hình thành của vùng đất Biên Hòa là chùa Đại Giác cũng vừa được chỉnh trang với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 2 di vật gồm tượng Phật A di đà và bức hoành phi do công chúa Nguyễn Thị Ngọc Ánh phụng tặng dưới thời Gia Long đã được tu bổ chu đáo. Ngoài ra, một số di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh khác như chùa Long Thiền, di tích Nhà Xanh, đền thờ Quốc công Đoàn Văn Cự, đình Bình Quan, nhà cổ Trần Ngọc Du... cũng được sửa chữa, trùng tu với kinh phí từ vài chục cho đến vài trăm triệu đồng cho mỗi di tích, hoàn toàn do người dân và các mạnh thường quân đóng góp.
* Xã hội hóa: hướng đi đúng
Ông Đặng Diệp Hùng, thành viên Ban Quản trị chùa Ông cho biết, việc huy động kinh phí không phải là việc khó. Người dân, nhất là phật tử hầu hết đều là những người có tâm trong việc trùng tu, tôn tạo lại các di tích, công trình kiến trúc tôn giáo của tiền nhân. Trong quá trình vận động tôn tạo lại Quan Âm các, người dân khắp nơi từ cộng đồng người Hoa lẫn người Việt, kể cả một số bà con kiều bào ở nước ngoài đều nhiệt tình đóng góp. Vấn đề là khoản tiền đóng góp này phải được sử dụng công khai, rõ ràng để tạo niềm tin cho mọi người. Cách làm của Ban quản trị chùa Ông là mời các bô lão đứng ra quản lý tài chính và kiểm soát quá trình xây dựng. Nhờ cách làm minh bạch trên, người dân tỏ ra rất hài lòng. Vì thế, sau này khi tiến hành vận động kinh phí trùng tu lại chính điện với kinh phí dự trù lên đến hơn 3 tỷ đồng, bà con vẫn nhiệt tình đóng góp.
Theo nhận định của ông Lê Trí Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Đồng Nai, công tác vận động xã hội hóa trong việc trùng tru, tôn tạo và bảo quản các di tích trên địa bàn tỉnh là một trong những mặt thành công của đơn vị trong những năm qua. Tuy nhiên, nếu chỉ đề cập đến khía cạnh tiền bạc thì sẽ chưa đúng với bản chất của việc xã hội hóa. Ý nghĩa của công tác này, theo ông Dũng, là đã huy động được sức mạnh tổng lực của toàn xã hội, từ các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương cho đến người dân. Bên cạnh đó, qua quá trình thực hiện cũng rút thêm được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Để tránh tình trạng trùng tu vô tình thành "hiện đại hóa" di tích, công tác tu bổ, sửa chữa di tích trên địa bàn đã được tiến hành rất cẩn thận. Tất cả các phương án sửa chữa đều được các chuyên viên của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh xem xét thông qua trên tinh thần giữ lại nguyên vẹn cái gốc, nét truyền thống của kiến trúc. Như ở Quan Âm các, việc xây dựng và trang trí đều được sử dụng đúng chất liệu như trước kia (đá Bửu Long, ngói, gỗ, gốm) và tuân theo nguyện dạng lối kiến trúc của người Minh Hương. Còn ở đình Phú Mỹ, để bảo vệ phần kết cấu gỗ phải tiến hành nạo, tẩy hết phần gỗ mục, làm sạch bề mặt rồi phun thuốc chống nấm mốc, sau đó quét hóa chất bảo quản. Những phần gỗ bị hư hỏng hoàn toàn thì được thay thế theo nguyên tắc tái tạo theo nguyên bản gốc. Có như thế mới giữ được nguyên vẹn hồn xưa nét cổ của di tích và hòa quyện được với toàn cảnh, tránh được tình trạng "bê tông hóa, xi măng hóa" di tích như đã từng xảy ra tại một số địa phương.
Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả tại các nước phát triển, Nhà nước cũng không thể bao cấp hoàn toàn cho hoạt động bảo quản, sửa chữa các di tích mà vẫn dựa vào sự đóng góp của người dân hay các tổ chức. Từ những hoạt động trong công tác vận động xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng nguồn lực đóng góp từ người dân là rất lớn, và cách làm của cơ quan quản lý di tích danh thắng đã tỏ ra khơi đúng nguồn, bắt đúng mạch, đi đúng hướng. Nhưng quan trọng hơn nữa, là việc vận động xã hội hóa này sẽ dần tạo cho người dân ý thức quan tâm và giữ gìn các di sản văn hóa trong cộng đồng, đồng thời đưa hoạt động bảo vệ, trùng tu tôn tạo từ chỗ tự phát đi dần vào nề nếp.
Thanh Thúy