Báo Đồng Nai điện tử
En

Thử lý giải sức hấp dẫn của Haruki Murakami

10:02, 29/02/2008

Trong một thời gian ngắn, một loạt tiểu thuyết của Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản) đã được dịch và ra mắt độc giả Việt Nam: Rừng Nauy, Đom đóm, Phía Nam biên giới - phía Tây mặt trời, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển... Thật lạ lùng, các quyển sách đều khá dày, nhưng vẫn được bạn đọc hoan nghênh nồng nhiệt. Sức hấp dẫn của nhà văn Haruki Murakami là từ đâu?

Tác phẩm Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami.

Trong một thời gian ngắn, một loạt tiểu thuyết của Haruki Murakami (nhà văn Nhật Bản) đã được dịch và ra mắt độc giả Việt Nam: Rừng Nauy, Đom đóm, Phía Nam biên giới - phía Tây mặt trời, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển... Thật lạ lùng, các quyển sách đều khá dày, nhưng vẫn được bạn đọc hoan nghênh nồng nhiệt. Sức hấp dẫn của nhà văn Haruki Murakami là từ đâu?

 

* Một chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo mới

 

Điều đầu tiên làm người đọc chú ý là những tình tiết lạ. Trong tiểu thuyết Rừng Nauy, sẽ khó lòng quên được cảnh tượng một đêm trăng, trong đó Naoko - cô gái hai mươi tuổi đang phải điều trị một chứng trầm cảm - lõa thể. Cả hành động và vẻ đẹp được biểu lộ đều không thể giải thích. Tác giả thử giải thích điều đó, nhưng cái chính là lại càng làm cho câu chuyện bí hiểm thêm. Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời đưa đến thế giới hiện thực hẳn một con người kỳ bí: Shimamoto - San. Nàng là ai, nàng từ đâu đến, và nàng sẽ đi về dâu? Tất cả đều bỏ ngỏ...

Hẳn các nhà phê bình đều thận trọng khi viết về "hiện tượng văn chương" này. Tuy nhiên, đứng ở góc độ là độc giả thuần túy, có lẽ chúng ta khó lòng cưỡng lại sự cuốn hút của những câu chuyện mang màu sắc kỳ ảo, hoang đường, lạ lùng của Haruki Murakami. Đa phần tác phẩm của ông (có lẽ thế), đều lấy bối cảnh hiện tại, từ những con người rất bình thường trong cuộc sống. Tác giả miêu tả rất tỉ mỉ việc họ ăn gì, mặc gì, sở thích thế nào... Nhưng ông đã đưa họ chạm đến những điều phi thường, siêu tưởng, tưởng như quái đản. Những giấc mơ đồng hiện, linh hồn thoát xác, những cuộc phiêu du vào thế giới cổ tích, những con vật nói tiếng người, những cuộc tình siêu vật lý. Cảnh lột da Yamamoto (Biên niên ký chim vặn dây cót), chi tiết về cây sáo thần làm từ những linh hồn có thể "lớn ngang tầm vũ trụ", hay sự xuất hiện của Miss Saeki trong diện mạo năm 15 tuổi, có thể làm người đọc rùng mình.

Song, cái đích của nhà văn không chỉ như thế. Các chi tiết càng nối kết, câu hỏi về cuộc đời và con người càng được mở rộng. Không phải ngẫu nhiên mà Haruki Murakami kể lại câu chuyện một người đàn ông bị lột da sống; bởi vì sau đó Okada mơ thấy toàn bộ lớp da ấy trườn lên, ôm chặt lấy người mình, không thể trút bỏ được. Đó có phải là sự trói buộc của cái ác mà con người không cách gì tránh được không? Nếu không mơ thấy điều đó, liệu anh ta có tiếp tục đi tìm người vợ đột nhiên mất tích của mình không, hay sẽ đầu hàng số phận và đi theo sự rù quyến của thế giới tà thuật? Truyện kể về cuộc chiến đấu, khi Okada ngồi trong giếng cạn, mê man trong giấc mơ xuyên tường và thấy kẻ thù của mình bị tiêu diệt. Thực ra thì ý chí của anh có thể tiêu diệt được kẻ thù hay không, hay đó chỉ là sự "không may" của kẻ ác? Tất cả đều được tác giả nêu ra, nhưng không có câu trả lời thỏa đáng...

Có lẽ đó chính là chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo mới của Haruki Murakami. Ông đã xây dựng cho mình một thế giới nghệ thuật phong phú và độc đáo qua những câu chuyện dài của mình, kể về cuộc sống, cái thiện và cái ác, hiện thực và khát vọng, tình yêu và dục vọng. Như một nhà văn đã viết: "Hãy đi đến cái tận cùng của ta, ta sẽ gặp được nhân loại". Ông đến được với đông đảo người đọc là vì vậy.

 

* Haruki Murakami và lời nguyền của văn chương Nhật

 

Haruki Murakami trước hết là một nhà văn Nhật Bản. Đất nước của hoa anh đào, của thơ Tanka, Haiku đẹp và buồn (như nhiều nhà phân tích gọi là "cái đẹp bi cảm"). Đất nước của truyện tình Genji đầy mộng tưởng, và của những nhà văn có số phận kỳ lạ: Mishima Yukio chọn cái chết bạo liệt của một anh hùng Samurai (tự mổ bụng), hay Kawabata Yasunari đã tự chấm dứt cuộc đời mình ở tuổi 72... Dường như có một lời nguyền của văn chương Nhật Bản về cái đẹp và cái chết (hiểu theo nghĩa trừu tượng của từ này). Vậy Haruki Murakami có thuộc về dòng chảy ấy không?

Có và không. Tiểu thuyết của ông gợi lại tất cả cái đẹp mong manh và bạo tàn của cuộc sống, con người trong tác phẩm của ông luôn đứng trước những ngã rẽ nghiệt ngã: Watanabe bất lực trước cái chết của người mình yêu, Toru Okada bé nhỏ, đơn độc trước sự mơ hồ độc ác, Kafka Tomura phải khuất phục định mệnh làm người hay là chà đạp lên nó?... Các nhân vật của Haruki Murakami đều ở vị trí "tôi" để kể về cuộc hành trình của mình, những cuộc hành trình cô đơn, tiền định. Những người phụ nữ (người yêu) cũng vẫn là những hiện thân cho cái đẹp và sự hư vô, khiến ta rơi lệ.

Tuy nhiên, Haruki Murakami không chỉ tập trung vào bản thân những câu chuyện để lôi kéo trí tưởng tượng của người đọc. Ông muốn lập ra "định đề" mới cho cuộc sống - "một thế giới mới toanh" - và con người phải là bộ phận của thế giới ấy. Rất táo bạo, song cũng thật thận trọng, ông hướng người đọc ra khỏi thế giới rối rắm, bi lụy với ước vọng con người cần phải tự mình xây dựng tương lai. Đó không phải là cách giải quyết khiên cưỡng, duy ý chí của nhà văn, mà ngay từ đầu mỗi tác phẩm, ông đều xác định về một cuộc đấu tranh mới. Tính phát hiện và sự dũng cảm đã giúp tác giả không đi vào đường mòn của những nhà văn trước đó, những cuộc đâu tranh không còn mang màu sắc hiện thực khách quan nữa, nó là những cuộc đấu tranh đi tìm bản thể con người, đi tìm một cuộc sống mới cho tinh thần. "Lời nguyền" đau thương của văn chương Nhật Bản có lẽ sẽ thay đổi với màu sắc thẩm mỹ mới mang tên ông: tâm thế nhập thế của Haruki Murakami...

Trần Thu Hằng

 

Tin xem nhiều