Báo Đồng Nai điện tử
En

Rơm rớm nước mắt với Mẹ Điên

09:02, 26/02/2008

Độc giả biết nhiều về Trang Hạ không chỉ với vai trò là một nhà báo mà còn là một dịch giả chuyên nghiệp. Đọc những truyện dịch của Trang Hạ, người đọc có thể cảm nhận được nỗi đam mê và trăn trở của người dịch qua từng câu chuyện. Trang Hạ đã chọn nhiều tác phẩm hay để dịch và giới thiệu đến cho độc giả Việt Nam. Gần đây nhất, Trang Hạ cho “trình làng" một tập truyện chứa đầy hơi thở cuộc sống toát ra từ một hiện thực của xã hội Trung Quốc.

Độc giả biết nhiều về Trang Hạ không chỉ với vai trò là một nhà báo mà còn là một dịch giả chuyên nghiệp. Đọc những truyện dịch của Trang Hạ, người đọc có thể cảm nhận được nỗi đam mê và trăn trở của người dịch qua từng câu chuyện. Trang Hạ đã chọn nhiều tác phẩm hay để dịch và giới thiệu đến cho độc giả Việt Nam. Gần đây nhất, Trang Hạ cho “trình làng" một tập truyện chứa đầy hơi thở cuộc sống toát ra từ một hiện thực của xã hội Trung Quốc.

Tập truyện do Trang Hạ chọn dịch lấy tựa đề của truyện ngắn tiêu biểu cùng tên: Mẹ điên. Tập sách dày chỉ 184 trang nhưng đã hội tụ rất nhiều truyện ngắn với những tiêu đề là lạ, hấp dẫn như: Bài bút ký đầy nước mắt - Liên Lục Hương; Cõi luân hồi - Thần Long; Nụ hôn khắc trên mặt bàn cũ, Mảnh vá - Trăn Sinh; Vườn thất lạc - Diệp Quan Triều; Trôi dạt về đâu - Nhất Kiểm Hương; Nắm tay và làm tình - Nữ Vương; Viết trên tường nhà lao - Thùy Khởi. Khi nghe qua, người đọc khó có thể hình dung được nhiều về những nội dung ẩn chứa trong từng câu chuyện, những câu chuyện như một dòng hồi ký về những người thực việc thực. Lạ là khi đọc, những tình thương yêu, những hiện thực của xã hội trình bày trong các truyện ngắn khiến người đọc không khỏi rơm rớm nước mắt xót thương cho từng số phận nhân vật. Không chỉ ở Mẹ điên mà qua những câu chuyện trong tập sách đều chứa đựng rất nhiều thông điệp, những cá tính riêng.

9 câu chuyện trong tập sách gần như ghi lại những sự kiện có thật, được xếp vào dạng tiểu thuyết ghi chép thật (ký thực tiểu thuyết). Đặc biệt, trong Mẹ điên của Vương Hằng Tích, nhân vật chính là gia đình người cậu của tác giả. Người Mẹ điên trong truyện đã lưu lạc khắp nơi, làm vợ cho một thanh niên nghèo, tật nguyền quá tuổi không lấy được vợ, khi sinh ra được một thằng con trai xong thì bị nhà chồng xua đuổi. Sau 6 năm trôi nổi, “Mẹ điên” muốn gặp lại đứa con mình đã sinh ra. Với chút tình le lói còn lại ở người mẹ chồng, lần đầu tiên "Mẹ điên" mới được nhen nhóm cái quyền làm mẹ. "...Tôi hiểu ra đây là tình yêu của mẹ, dù đầu óc mẹ không tỉnh táo, thì tình yêu của mẹ vẫn tỉnh táo, vì con trai của mẹ bị người ta bắt nạt. Lúc đó tôi không kìm được kêu lên: "Mẹ!" đây là tiếng gọi đầu tiên kể từ khi tôi biết nói. Mẹ sững sờ cả người, nhìn tôi rất lâu, rồi y hệt như một đứa trẻ con, mặt mẹ đỏ hồng lên, cười ngớ ngẩn. Hôm đó, lần đầu tiên hai mẹ con tôi cùng che một cái ô về nhà...”. Câu chuyện vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa mang ý nghĩa hiện thực điển hình của xã hội Trung Quốc, một câu chuyện mà đọc nó, người ta sẽ cảm thấy xốn xang. Người điên đâu phải bị tước quyền làm mẹ, tước đi cái tình yêu thương. Trang Hạ đã làm nhịp cầu bắt nhịp giữa độc giả với chính tác giả của nó.

Cảm xúc không những chỉ dừng lại ở Mẹ điên mà còn len lỏi qua nhiều tác phẩm khác trong tập truyện, với nhiều thứ tình trải qua nhiều cung bậc, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Tập sách đã hội tụ một nét chung, đó là tình thương, tình người.

9 tác phẩm trong tập truyện với giọng văn độc đáo, nổi bật, lôi cuốn đến từng câu chữ. Những câu chuyện được hiện ra trong từng trang viết dung dị nhưng cũng không kém phần hấp dẫn đã đưa người đọc cuốn vào cuộc sống của cõi nhân sinh, suốt đời xoay xở trong xã hội với những ước mơ, dù đó là những ước mơ nhỏ nhoi nhất của một kiếp người...

 Nam Hà

Tin xem nhiều