Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân ngày lễ Valentine (14-2): Trò chuyện với các bậc cha mẹ

09:02, 14/02/2008

Đối với người Việt, hôn nhân là một trong những "việc đại sự" của đời người. Vì vậy mà thời phong kiến, chuyện yêu đương, kết hôn không phải do trai gái định đoạt mà được "đặt lên bàn nghị sự" của các "bậc tiền bối", bao gồm ông bà, cha mẹ và những người có vai vế trong dòng tộc. Quan điểm của người Việt xưa về hôn nhân là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".

Đối với người Việt, hôn nhân là một trong những "việc đại sự" của đời người. Vì vậy mà thời phong kiến, chuyện yêu đương, kết hôn không phải do trai gái định đoạt mà được "đặt lên bàn nghị sự" của các "bậc tiền bối", bao gồm ông bà, cha mẹ và những người có vai vế trong dòng tộc. Quan điểm của người Việt xưa về hôn nhân là "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Trong hoàn cảnh hai bên không được tìm hiểu trước thì muốn "đặt" con đúng chỗ, để nó sung sướng suốt đời, hai đấng sinh thành buộc phải có nhiều sự trợ giúp: nào "ông mai bà mối", nào thầy tử vi... Nếu thầy phán: hai trẻ không "hạp tuổi", lấy nhau sẽ gặp vận hạn thì bất cứ giá nào hôn ước cũng phải phá bỏ. Chính lễ giáo gò bó, hà khắc đã "chia loan rẽ thúy", làm cho nhiều cặp trai gái yêu nhau phải xa lìa, từ đó thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng mạnh mẽ của giới trẻ. Con cái thường năn nỉ cha mẹ "ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên", gặp phải cha mẹ quá quắt thì họ tuyên bố thẳng thừng "Xưa kia ai cấm duyên bà. Bây giờ bà già bà cấm duyên tôi"? (ca dao VN).

Trong thời đại mới, luật pháp Việt Nam cho phép và bảo vệ quyền tự do kết hôn. Chỉ cần "đừng chốn có vợ đừng nơi có chồng", còn thì chẳng có bậc phụ huynh hoặc thế lực nào được quyền ép buộc hay ngăn cản đôi lứa đến với nhau. Ở thành thị cũng như ở nông thôn, chuyện hôn nhân bây giờ hầu hết là "con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đấy". Nhưng khách quan mà nói, trong xã hội ta hiện nay vẫn còn nhiều bậc cha mẹ không thông tỏ hoặc phớt lờ luật pháp, can thiệp hoặc sắp đặt hôn nhân của con theo ý mình. Không phải vô cớ mà đôi trai gái lại hồi hộp nhất trong lần ra mắt cha mẹ đôi bên, bởi không ít bậc phụ huynh đã cật vấn, xoi mói, dè bỉu... người yêu của con, để rồi ra mặt hoặc ngấm ngầm cấm đoán, ngăn cản. Lý do mà cha mẹ đưa ra thường là không hợp số hợp tuổi nhưng ẩn đằng sau nó là nhiều lý do khác: nghèo, xấu, già, quê quán xa xôi, khác tôn giáo, không môn đăng hộ đối, thậm chí chỉ đơn giản là nhìn thằng đó (con đó) thấy... ghét! Từ chỗ bị người lớn cấm cản mà biết bao thảm cảnh đã xảy ra như ghen tuông, tự tử, bỏ trốn, bạo hành... Phổ biến hơn cả là vì "chữ hiếu" mà không ít người trẻ phải ngậm ngùi đoạn tình với người yêu để "lên xe hoa" với người mà mình không yêu nhưng ông bà cha mẹ đã chọn, thường là Việt kiều, người nước ngoài hoặc con nhà giàu... Đám cưới linh đình, mọi người hả hê sung sướng, mấy ai quan tâm đến số phận cô dâu (chú rể) bị ép duyên sau này sẽ ra sao...

Là cha mẹ, cố nhiên ai cũng lo cho con, ai cũng muốn con được hạnh phúc. Nhưng để con cái không vấp ngã trong tình yêu, chọn được người vợ (chồng) tốt thì cha mẹ nên dẫn dắt con mình ngay từ khi nó vừa trưởng thành. Tuổi trẻ thời nay có tri thức, đa số biết chọn người yêu dựa trên cơ sở phù hợp về trình độ, sở thích, có công ăn việc làm, có khả năng đáp ứng nhu cầu của bản thân. Nhưng người trẻ thường thiếu kinh nghiệm và háo thắng nên cũng hay sai lầm trong tình yêu. Thông qua những chuyện "mắt thấy tai nghe", những kinh nghiệm từ bản thân, từ bạn bè, người lớn phải giúp con em nhận thức đúng đắn về quan hệ nam nữ, hạnh phúc vợ chồng, trách nhiệm làm cha mẹ, nhằm giảm thiểu tình trạng "yêu cuồng sống vội", dẫn đến ly dị, ly thân sau này. Cha mẹ không nên lấy quyền sinh thành mà khăng khăng áp đặt con theo quan điểm của mình, chỉ nên định hướng cho con tìm bạn gái, bạn trai tốt, cân nhắc kỹ trước những đối tượng có nhân thân không rõ ràng, nhiều tật xấu như nghiện ngập, có tiền án tiền sự, vô nghề nghiệp... Phụ huynh cũng không nên vì muốn cho xong phận sự của mình, nhất là sợ con gái "quá lứa lỡ thì" mà thúc hối con "lấy đại" ai đó. Tình yêu thường cắc cớ, đôi khi "Gần thì chẳng hợp duyên cho. Xa xôi cách mấy lần đò cũng đi" (ca dao VN) nên cha mẹ phải thông cảm với con, đừng quá câu nệ, cầu toàn, ham danh vị tiền tài mà bắt con phải lấy người kia người nọ, bỏ qua khát vọng yêu đương của giới trẻ. Rất nhiều bậc cha mẹ chỉ vì những động cơ sai lạc, vì độc đoán gia trưởng, thậm chí vì những nỗi sợ vu vơ như trai gái tuổi "tứ hành xung" lấy nhau sẽ xui xẻo mà ngăn cản hôn nhân của con, để rồi ôm hận, vì đã vô tình đẩy con đến chỗ bất hạnh. Xét cho cùng, yêu và kết hôn với ai, tổ chức cưới hỏi vào lúc nào phải do chính đôi trai gái quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm, như dân gian thường nói "may nhờ rủi chịu". Ép duyên con vừa trái pháp luật, vừa phi đạo lý và trái lẽ tự nhiên. Nhân ngày lễ tình nhân, mong các bậc phụ huynh hãy là người bạn lớn đáng tin cậy của con em trên hành trình tìm kiếm và xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích