Huỳnh Văn Nghệ thường được biết đến là chiến sĩ - thi sĩ tay gươm tay bút với nhiều chiến công vang dội và vần thơ "cháy bỏng". Đọc kỹ, càng hiểu thêm, Huỳnh Văn Nghệ còn là người chép sử quê hương: chép bằng tác phẩm, bằng cả nhân cách và sự nghiệp của mình.
Huỳnh Văn Nghệ thường được biết đến là chiến sĩ - thi sĩ tay gươm tay bút với nhiều chiến công vang dội và vần thơ "cháy bỏng". Đọc kỹ, càng hiểu thêm, Huỳnh Văn Nghệ còn là người chép sử quê hương: chép bằng tác phẩm, bằng cả nhân cách và sự nghiệp của mình.
Nghệ thuật là tấm gương phản ảnh cuộc sống qua lăng kính cảm xúc và sáng tạo của nghệ sĩ. Đương nhiên, qua tác phẩm của mỗi nghệ sĩ, có thể nhận thấy hiện thực cuộc sống mang tính lịch sử mà tác giả muốn thổi hồn mình vào đấy. Với Huỳnh Văn Nghệ, tác phẩm của ông đã thể hiện rõ nét hiện thực của cuộc sống kháng chiến gắn liền với lịch sử chiến khu Đ hào hùng.
Qua những bài thơ "nóng hổi" hơi thở của cuộc sống kháng chiến, người đọc bắt gặp những hình ảnh, nhân vật, sự kiện rất thật của đời thực: Bà bán cau, đám ma nghèo, cuộc phẫu thuật bằng cưa thợ mộc, một trận chống càn, chiến khu chống bão, mấy mãnh khoai mì và sự hy sinh của anh du kích... Đấy là những "thi liệu" rất sử và những "sử liệu" rất thơ. Có thể nói, Huỳnh Văn Nghệ đã chép sử bằng thơ và làm thơ bằng lịch sử. Và ông có ý nghĩ viết sử bằng thơ thật. "Lịch sử quê hương" 300 năm đã được chép lại bằng 29 câu thơ bay bổng và cô đọng:
Ngày xưa có đoàn người từ miền Bắc
Chán ghét vua quan áp bức
Họ đạp núi rừng vượt sóng biển khơi
Đi vào
Tìm đất mới gieo mầm hạnh phúc.
...
Bao ngày gian khổ
Hàng trăm năm tranh đấu với núi rừng
Mồ hôi, nước mắt, tay sưng
Mới có được góc trời
Đồng lúa thơm, vườn bưởi đường, cam, mật
Tiếng trẻ thơ cười hát sân trường
Hồi chuông chùa êm gõ sườn non
Mái tranh vàng khói lam chiều quyến luyến
Thuyền dưới bến dập dìu cánh én
Xe trên đường lẻng kẻng nhạc ngựa vang.
Ôi! Tân Uyên quê mẹ đẹp vô vàn.
Thơ của Huỳnh Văn Nghệ là những trang sử quí giá cho những người viết sử, từ đó mà hiểu rõ hơn sự việc cụ thể từng có ở cuộc sống kháng chiến. Đó cũng từng là nhân chứng lịch sử cho việc xử lý những tồn đọng theo yêu cầu của lịch sử. Còn nhớ, năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, có một bài báo nhắc đến Nguyễn Văn Xiểng (Điểu Xiểng) - người dân tộc Châu Ro, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, trên đường đi họp, bị bắt, bị tra tấn, dũng cảm hy sinh tại Xuân Lộc. Lúc ấy mới biết, Điểu Xiểng chưa được và cần được công nhận liệt sĩ. Nhưng việc xảy ra đã hơn 50 năm, không nhiều người nhớ, không đủ nhân chứng; bài thơ "Cái chết của anh Xiểng" viết từ năm 1956 của Huỳnh Văn Nghệ trở thành "nhân chứng ngoại lệ" để làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho Nguyễn Văn Xiểng. Sự việc đồng chí Nguyễn Văn Xiểng bị bắt, bị dụ dỗ, bị tra tấn rồi bị cột vào xe kéo lê trên đường và ông lẫm liệt hy sinh đã được mô tả chân thực như thể chính tác giả đã chứng kiến:
Anh vẫn đứng lặng im
Hiên ngang như ngọn núi
Máu căm thù dâng lên trong mắt đỏ
Nhìn lũ giặc như hùm thiêng nhìn chó
Bỗng gầm lên mấy tiếng vang trời:
"Không, không đầu Tây
Tao thề chết tại đây!".
Chiếc xe hốt hoảng rồ ga
Phóng tới như điên khiến anh ngã gục.
Từ cao xa ngọn Chứa Chan còn thấy
Thấy một anh hùng dân tộc,
Đuổi theo xe như một khối căm hờn.
Máu anh đỏ mãi ruộng vườn
Núi rừng Xuân Lộc nhớ thương đời đời.
Đương nhiên, những người thật, việc thật trong thơ Huỳnh Văn Nghệ được "chép" lại không phải chỉ bằng "chất liệu" như nó vốn có mà bằng ngôn ngữ hình tượng của thơ ca dệt nên từ cảm xúc của một nhà thơ trực tiếp chiến đấu, khiến "cái được phản ảnh" vừa có vẻ đẹp lung linh của nghệ thuật, vừa mang tính tư tưởng cao.
Thơ ca chỉ mới là một phần của trang sử quê hương. Hình ảnh của quê hương đậm nét nhất được thể hiện trong những trang văn "khó phân thể loại" của Huỳnh Văn Nghệ: Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió, Anh Chín Quì, Mất đồn Mỹ Lộc, Tiếng hát trên sông Đồng Nai, Trận Mãng Xà, Sấu đỏ mũi, Chùa Ông Mõ... Nói khó phân thể loại bởi vì những tác phẩm này khó thể xếp vào thể loại nào, dường như tác giả không nhằm để xuất bản, chỉ ghi chép lại những điều mình nghe kể, mình nhớ, mình hiểu bằng ký ức của người con trung hiếu luôn nghĩ về quê hương. Nhưng đây là những trang viết quí báu, có ý nghĩa văn sử rõ nét bởi văn chương giàu hình tượng, sự việc đầy chân thực, phong cách đậm chất Nam bộ, giúp người đọc hiểu thêm - hiểu rõ về cái nôi gia đình và quê hương rừng thẳm sông dài đã thêu dệt tuổi thơ Huỳnh Văn Nghệ; về những ngày sóng gió mà Huỳnh Văn Nghệ đã trải qua, về những con người, vùng đất mà Huỳnh Văn Nghệ từng yêu thương.
Biên Hòa - Đồng Nai - Tân Uyên, quê hương "nhau rún" của những: Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc, xa hơn nữa là Trịnh Hoài Đức... từ đâu mà có? Hình thành như thế nào? Sinh sống ra sao? Quả ít có tài liệu ghi chép đầy đủ, rõ nét. Các tập Địa chí Sông Bé, Địa chí Đồng Nai có viết về địa phương, nhưng đa phần là sự kiện và con số nhiều hơn là con người. Những nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Bình Nguyên Lộc cũng viết nhiều về đất nước - con người Tân Uyên - Biên Hòa - Đồng Nai, nhưng những trang viết ấy thuộc thế giới của văn chương giàu hư cấu.
Với Huỳnh Văn Nghệ, dường như tác giả là "thư ký trung thành" của dân gian, chép thành văn những truyện kể truyền khẩu của mẹ, viết thành sử những sự việc đã diễn ra ở quê hương, sưu tập thành tài liệu những điều mình nghe thấy và trải nghiệm. Muốn hiểu về những địa danh: Đồng Nai, Gò Đồn, Xóm Đèn, Núi Bà Én, Miếu Bà Cô, Gò Trăm Quân, Chùa Ông Mõ...đọc "Quê hương rừng thẳm sông dài" sẽ được giải thích tường tận về nguồn gốc, ý nghĩa và câu chuyện gắn liền với địa danh ấy. Muốn hiểu tiếng Việt của dân gian Nam bộ, đọc Huỳnh Văn Nghệ sẽ thấy nhiều phương ngữ "ngộ nghĩnh" khó tìm trong tự điển: Đứng cà rà, đòi nợ chèo chẹo, rách teng beng, sợ điếng người...
Cũng qua trang viết của Huỳnh Văn Nghệ, người đời sau có thể tìm hiểu những tập quán gắn liền với đời sống của cha ông mà đời nay hiếm thấy: Đếm tiếng tắc kè kêu chẵn lẻ đoán rủi may, vấn thuốc điếu bằng lá cò ke, tục cúng Thần nông, cách uống trà Huế, những thứ bánh cúng rằm, những trò chơi dân gian ngày hội... Đặc biệt là tục đua ghe cổ truyền. Chưa thấy tài liệu nào mô tả chi tiết sinh động như Huỳnh Văn Nghệ. Đó là một cuộc đua ghe do "Tây" tổ chức ở sông Đồng Nai trước 1935; đội ghe thắng trận đã tạo chiến thắng bằng kỹ thuật cùng tinh thần dân tộc; không xuất phát theo hiệu lệnh "un, deux, trois..." của "Tây" mà theo hiệu lệnh của chính mình, khi thắng trận cũng không dự thưởng bằng sâm banh mà bằng những ngụm nước sông Đồng Nai mát lành. Như thế, không đơn thuần là một cuộc đua ghe nữa mà là một cơ hội để chiến thắng của những người đang khát khao làm nên chiến thắng nào đó trước "giặc Tây".
Khi giải thích thế nào là Việt gian, người mẹ nói đến chó: Việt gian do chó chết đầu thai mà thành. Con chó đang lim dim mở mắt ngóc đầu nhìn. Người nghe liên tưởng: Vì sao dân làng không giết chó vì sợ chó chết nhiều thành nhiều Việt gian. Lối kể chuyện của Huỳnh Văn Nghệ là vậy, lôi cuốn người đọc ở chỗ cốt truyện được diễn đạt khách quan nhưng ẩn chứa trong đó tình cảm, khí phách của con người: Những con người sắp sửa bùng nổ!
Rõ ràng, mục đích của Huỳnh Văn Nghệ không dừng ở việc kể chuyện, mà để dẫn dắt người ta và chính mình tìm đến con đường nào đó, cách thức nào đó giải thoát quê hương. Quê hương Tân Uyên được mô tả tỉ mỉ từ tiếng cò gáy, cọp gầm, tiếng thác Trị An nỉ non, chiếc cầu gỗ ván, con đường đá đỏ pha son, vườn bưởi, đám mía, bờ tre... cho đến dòng sông Đồng Nai đầy nhân tính: "Dòng sông rộng lớn luôn biến đổi. Nước lớn thì chảy lên, nước ròng thì chảy xuống. Hôm nào mưa to gió lớn hay vào mùa lũ, dòng sông chảy cuồn cuộn như lòng người sôi sục căm thù, lúc yên tĩnh nó lại phẳng lặng như một mặt hồ trầm ngâm suy nghĩ". Và, rừng cũng vậy: "Rừng nhìn xa như một vành móng ngựa khổng lồ màu ngọc biếc bao quanh hết hướng Đông - Đông Bắc của xóm làng, đồng ruộng vùng này. Màu xanh của rừng giáp với chân mây, mỗi ngày mặt trời từ cánh đồng xa nhô lên chầm chậm, khó nhọc, đỏ mặt tía tai". Quê hương rừng thẳm sông dài đẹp vậy, thiêng liêng vậy, nhưng cực khổ quá, uất ức quá! Cần phải làm một cái gì đó, tìm cách nào đó!
Trước khi tìm được Đảng, tuổi thơ của Huỳnh Văn Nghệ được ba má và dân làng dệt mộng bằng những truyện kể vọng tưởng về hình bóng của nghĩa quân Hoàng Lễ - Hoàng Hồ. Vì vậy mà Huỳnh Văn Nghệ có những tác phẩm mang màu sắc truyền thuyết dân gian: Mất đồn Mỹ Lộc, Tiếng hát trên sông Đồng Nai... Không thể tìm thấy trong các bộ chính sử hình ảnh của nghĩa quân Đồng Nai anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược sau khi thành Biên Hòa thất thủ năm 1861. Nhờ những trang viết của Huỳnh Văn Nghệ mới thấy được sự bất lực của triều đình Nguyễn, bộ mặt hèn nhát của trọng thần Nguyễn Bá Nghi, mâu thuẫn giữa trung quân và ái quốc của lão thần Hoàng Lễ, khí phách trẻ trung của Hoàng Hồ, giọng hò Huế lay động lòng người của Huyền Cơ, tinh thần xả thân cứu nước, "chẳng nghe thiên tử chiếu" của người Biên Hòa - Đồng Nai những năm 1861 - 1870.
Những truyện kể: Trận Mãng Xà, Sấu đỏ mũi, Chùa Ông Mõ... cũng vậy. Tác giả Huỳnh Văn Nghệ ghi lại chuyện được nghe kể bằng ngòi bút trân trọng đối với những người nghĩa khí, quyết hy sinh trừ bạo ngược, như: Cha con Bảy Túc diệt mãng xà, Năm Hải giết sấu dữ trả thù cho vợ, ông Mõ lao vào đầu giặc trước khi hy sinh... Đó là những hình tượng đẹp đẽ chắp cánh cho trí tưởng tượng của Huỳnh Văn Nghệ bay đến chân trời mơ ước.
Quá trình ghi chép truyện kể dân gian cũng là quá trình trải nghiệm của Huỳnh Văn Nghệ tìm đến cái đẹp, cái đúng, cái cần thiết. Huỳnh Văn Nghệ tâm đắc, thuộc nằm lòng câu hò của tướng quân Hoàng Lễ:
Gần xa nào bởi tại trời
Xa gần là bởi lòng người mà ra
Sông Hương soi bóng Ngân hà
Đồng Nai soi thấu lòng ta trung thành.
Chữ "trung thành" theo kiểu "ngu trung" của Hoàng Lễ có nhiều trăn trở, đặt trong thử thách qua lòng dân hướng theo cờ nghĩa. Rồi cờ nghĩa chỉ còn trong tâm tưởng. Quá khứ lùi xa, hiện thực thôi thúc sự đổi thay. Từ một cậu bé đẻ ngược, tinh nghịch, nổi tiếng trốn học, hay chọc phá xóm làng, Huỳnh Văn Nghệ trở thành học trò giỏi nhất Tổng Chánh Mỹ Hạ, bơi giỏi nhất trong đám trẻ giỏi bơi, chèo đò qua sông Đồng Nai không kém ai trong làng, được học bổng tại trường Petrus Ký và thổn thức vì lá cờ Đảng xuất hiện trong nhà vệ sinh của trường.
Bước ngoặc mở ra từ đấy. Đảng ở đâu? Chưa tìm được, nhưng Đảng có thật, niềm tin sẽ thấy, không như người làng: "Tin tưởng, mong nghĩa quân mà không bao giờ gặp"; cũng không như người mẹ: Yêu nước thù Tây mà chỉ biết cầu trời khẩn Phật, van vái nghĩa quân. Rồi Huỳnh Văn Nghệ tìm được Đảng thật, về được với chi bộ Mỹ Lộc, từ đó, khai phóng một con đường mới, một phong cách mới, thơ ca là phương tiện chủ yếu diễn đạt ý tưởng và tâm hồn được giải phóng của nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ.
Lễ giỗ lần thứ 30 của Nhà thơ - chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ được tổ chức tại nhà tưởng niệm ông ở xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.(Ảnh : H.T) |
Rõ là, ngoài thiên chức của nhà thơ - chiến sĩ, Huỳnh Văn Nghệ còn là người chép sử quê hương - sử từ lòng dân, sử của dân gian. Những trang sử "không chuyên" của Huỳnh Văn Nghệ là nhân chứng lịch sử, không phải chỉ để "học bài", mà để hành động, để định hướng cho chính tác giả. Nhờ vậy mà ta hiểu thêm một Huỳnh Văn Nghệ với những điều không ghi trong lý lịch: Một nhân cách được "gieo trồng" trong nền giáo dục của gia đình nền nếp, nhân nghĩa, kết tinh truyền thống của quê hương, nghĩa khí của cha, đức bao dung của mẹ, bản lĩnh của các anh chị em, sự hồn nhiên của bạn bè và nguồn mạch của văn hóa dân gian.
Đó cũng là lời đáp của câu hỏi: Vì sao hơn ba mươi năm Huỳnh Văn Nghệ đã yên nghỉ với tổ tiên mà những điều thuộc về ông vẫn không phai nhạt trong lòng người? Phải chăng cái gì còn lại sau khi những cái khác đã mất đi, đó là văn hóa?
Huỳnh Văn Tới