Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng La Ngà (1-3-1948 - 1-3-2008)
... Thắng lợi về chính trị còn lớn hơn
Gần 3 tháng chuẩn bị cho trận đánh trong 55 phút

10:02, 29/02/2008

Chưa đầy một tháng sau trận phục kích La Ngà, trong cuộc họp quân sự toàn khu 7, Bộ Tư lệnh khu đã đánh giá thắng lợi lớn lao này và nhận định: "Đánh trận La Ngà đã thắng lợi cả về quân sự lẫn chính trị, thắng lợi về quân sự là lớn, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn. Các chiến sĩ La Ngà không những đã anh dũng đánh giặc mà còn biết làm công tác tuyên truyền rất khéo léo. Bằng những hành động thực tế của mình đã làm cho nhân dân tin tưởng, quý mến, kẻ thù phải khiếp sợ và khâm phục".

Chưa đầy một tháng sau trận phục kích La Ngà, trong cuộc họp quân sự toàn khu 7, Bộ Tư lệnh khu đã đánh giá thắng lợi lớn lao này và nhận định: "Đánh trận La Ngà đã thắng lợi cả về quân sự lẫn chính trị, thắng lợi về quân sự là lớn, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn. Các chiến sĩ La Ngà không những đã anh dũng đánh giặc mà còn biết làm công tác tuyên truyền rất khéo léo. Bằng những hành động thực tế của mình đã làm cho nhân dân tin tưởng, quý mến, kẻ thù phải khiếp sợ và khâm phục".

 

Đồng chí Nguyễn Văn Lung và đồng chí Võ Cương

23 năm sau, nhắc tới trận La Ngà, Raoul Salan - viên tướng Pháp thâm niên nhất ở chiến trường Đông Dương đã phải thừa nhận: "Đây là một trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức, chỉ huy và nắm thời cơ nổ súng, là... "trận đánh bất hạnh" đối với quân viễn chinh Pháp".

Sau thất bại nặng nề của cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc, quân Pháp đã phải chuyển hướng chiến lược từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "bình định lâu dài" bằng phương thức "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt giết người Việt".

Trong tổng kết chiến dịch Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra nhận định: "Sang đầu năm 1948, lợi dụng mùa khô ở Nam bộ, địch sẽ "càn quét" Nam bộ, củng cố chính phủ Xuân - Bảo Đại". Đó là mục tiêu trước mắt của địch, chúng định tâm cố gắng, nhanh chóng bình định Nam bộ, để rồi sẽ rút bớt quân đưa ra Bắc mở chiến dịch vào thu - đông 1948". Quả thật, ngay từ đầu năm 1948, Pháp liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân, càn quét vào các vùng kháng chiến. Ở Chiến khu Đ, Pháp mở nhiều cuộc càn quét lớn với quy mô từ 1.000 đến 2.000 quân nhằm tiêu diệt... " Chi đội 10 của Việt Minh". Cùng lúc chúng chặn hết cửa ngõ vào Chiến khu Đ nhằm phong tỏa kinh tế. Bộ máy tuyên truyền tâm lý chiến của địch mở hết công suất huênh hoang là đã bình định xong Nam bộ, Việt Minh bị tiêu diệt gần hết, còn chăng chỉ là "đám giặc cỏ" trốn chui trốn nhủi trong rừng sâu, ăn đói, mặc rách và đã trở nên tàn ác, khát máu, chỉ biết chém, giết...

Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi: "Thi đua giết giặc lập công" của Hồ Chủ tịch vang dội vào miền Nam, làm nức lòng quân dân Chiến khu Đ. Lúc này chi đội trưởng Chi đội 10 Huỳnh Văn Nghệ được đề bạt làm khu phó khu 7 và đảm nhiệm một công tác vô cùng quan trọng ở Rừng Sác. Để hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, chi đội phó Nguyễn Văn Lung được phân công phụ trách chỉ huy tác chiến cùng chính trị viên Võ Cương, chi đội phó phụ trách quản trị Đào Văn Quang bàn nhau mở cuộc họp liên tịch giữa Đảng ủy và Ban chỉ huy chi đội hạ quyết tâm thi đua đánh giặc lập thành tích. Cuộc họp đã dễ dàng thống nhất địa điểm chiến trận mà từ cuối năm trước trong khi nghiên cứu địa hình đánh trận Đồng Xoài, Huyện đội trưởng huyện đội Xuân Lộc đã gợi ý với chi đội trưởng Huỳnh Văn Nghệ: "Trên quốc lộ 20 có nhiều địa điểm phục kích rất tốt, tôi nhớ quãng La Ngà, địa hình của nó cũng có nhiều điểm tương tự như ở Đồng Xoài này".

La Ngà hay còn gọi là La Nhà, La Nha do đọc theo tên Lagna mà người Pháp ghi trên bản đồ là một phụ lưu của sông Đồng Nai nằm cách Sài Gòn 101 cây số, ở quãng sông La Ngà chảy qua quốc lộ 20 nối lên cao nguyên Đà Lạt. Đây là con đường chiến lược quan trọng, một mặt nối liền Sài Gòn với Tây Nguyên, sang Hạ Lào và Trung Lào; mặt khác thông ra quốc lộ 1 và các cửa biển. Mọi người bàn với nhau: Đánh phục kích ở đây có thể ăn lớn vì xe địch đi đông thành hàng đoàn đến vài mươi chiếc. Nhưng muốn ăn to phải đánh lớn, điều động nhiều quân rất khó khăn. Do phải vận động cách xa căn cứ ở Chiến khu Đ đến hàng trăm cây số toàn đường rừng... Và vấn đề gay go, nan giải nhất là làm sao có đủ gạo dự trữ cho hàng ngàn chiến sĩ ăn trong 7 đến 10 ngày. Vì lâu nay bộ đội sống phân tán trong dân, cùng với dân tăng gia sản xuất, ở nhà nào ăn ở nhà nấy. Đã vậy do bị phong tỏa gắt gao nên dân trong căn cứ cũng thiếu lương thực, mỗi lần xuất trận, bộ đội đi đến đâu phải nhờ dân nơi đó tiếp tế. Đó là trường hợp đánh ở nơi gần dân, đông dân. Còn bây giờ muốn vận động lên đánh ở La Ngà, vừa xa căn cứ lại vừa ở giữa nơi đất rộng người thưa này lấy đâu ra lương thực. Đồng chí Nguyễn Văn Lung nhớ lại: "Vấn đề gạo là hóc búa nhất. Trận đánh huy động đến cả 1.000 người kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Không lẽ không có gạo đành bỏ dở trận đánh?... Ban chỉ huy Đại đội B hoạt động tại địa phương và các đồng chí Huyện đội Xuân Lộc đã quả quyết huy động đủ gạo phục vụ cho chiến đấu. Dù bị địch kiểm soát gắt gao nhưng nhân dân vẫn hướng về kháng chiến, đồng bào các dân tộc, công nhân các đồn điền cao su tìm mọi cách ủng hộ, mua giùm, bí mật chuyển ra được 7 tấn gạo, đủ phục vụ trận đánh".

Giải quyết được vấn đề lương thực, chi đội phó Nguyễn Văn Lung liền xây dựng kế hoạch tổ chức, chỉ huy, chiến thuật và kỹ thuật cho trận đánh. Theo báo cáo của Trưởng ban quân báo Bùi Trọng Nghĩa thì vào đầu tháng 3 bọn Pháp sẽ tổ chức một hội nghị quân chính ở Đà Lạt. Chúng sẽ tổ chức một đoàn Công - voa để đưa các sĩ quan và công chức cao cấp Pháp - Việt gian từ Sài Gòn đi Đà Lạt dự hội nghị. Sau khi đã thẩm tra nguồn tin này và cử cả cơ sở mật thâm nhập vào giới tài xế để xác định tin, Ban chỉ huy chi đội 10 cho ban hình sát do đồng chí Lâm Văn chỉ huy liên tục bám quốc lộ 20 để nắm chắc quy luật tổ chức đội hình các đoàn xe cũng như tốc độ xe, thời gian và khoảng cách từng xe. Qua đó Ban chỉ huy quyết định tổ chức trận địa chung dài 9km (từ cây số 104 đến 113 là đoạn rất khúc khuỷu thuộc quãng La Ngà - Định Quán trên quốc lộ 20) thành 3 trận địa A, B,C  đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ chận đầu, khóa đuôi cả đoàn xe. Một trận địa nghi binh được bố trí cách đấy 3km nằm về phía Đông quốc lộ 20 với những đống lửa lớn để thu hút máy bay địch từ Biên Hòa lên tiếp viện. Mỗi đại đội được giao phụ trách một trận địa. Chỉ huy sở đặt ở sau trận địa B. Trạm y tế và quân y đặt ở tả ngạn sông Đồng Nai, cách đó 7km...

Để bảo đảm phương châm "đánh chắc thắng nhanh, khôn khéo" ban chỉ huy triển khai thực hiện kế hoạch "chỉ huy địch" là làm cho địch đến trận địa phục kích của ta vào thời gian theo ý ta. Thông thường các đoàn xe qua La Ngà vào khoảng từ 12 đến 13 giờ. Đánh lúc này bất lợi vì máy bay địch có thể lên ứng cứu và có cả một khoảng thời gian từ trưa đến chiều để bắn phá, tăng viện binh. Vùng này về chiều có sương mù, địch khó điều quân tiếp viện nên du kích quận Châu Thành, Xuân Lộc được giao "chỉ huy địch" bằng cách chặt cây chặn đường đánh tỉa... từ đoạn Hố Nai đến Dầu Giây để đoàn xe đến La Ngà vào khoảng 15 đến 16 giờ chiều.

Bùi Thuận (còn tiếp)

Kỳ tới:  NHỮNG CHUYÊN KỲ THÚ... "HẬU LA NGÀ"

 

Tin xem nhiều