Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa... quảng cáo

08:01, 18/01/2008

Khoảng 10 giờ đêm, thấy một thanh niên đứng lấp ló dưới cột đèn bên đường Cách mạng tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, anh Hoàng Long đứng trong nhà liền theo dõi. Nghĩ không ai để ý đến mình, người thanh niên đảo mắt nhìn quanh rồi leo lên cột đèn, dán thật nhanh miếng đề-can ghi số điện thoại của một cơ sở... hút hầm cầu.

Khoảng 10 giờ đêm, thấy một thanh niên đứng lấp ló dưới cột đèn bên đường Cách mạng tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, anh Hoàng Long đứng trong nhà liền theo dõi. Nghĩ không ai để ý đến mình, người thanh niên đảo mắt nhìn quanh rồi leo lên cột đèn, dán thật nhanh miếng đề-can ghi số điện thoại của một cơ sở... hút hầm cầu.

 

Quảng cáo kiểu ... "thách thức".

* Quảng cáo... chui

 

Anh Hoàng Long xuất hiện, đúng lúc người thanh niên này đang tuột xuống đất. "Anh dán vậy coi được không?" - anh Long gằn giọng. Người thanh niên ấp úng: "Dạ em dán..., nhưng cột đèn này đâu phải chỉ có mình em?" Qua tìm hiểu, anh Long được biết anh thanh niên này quê ở miền Trung, vào Đồng Nai chưa tìm được việc nên đành nhận dán quảng cáo cho cơ sở hút hầm cầu. Trong nhóm có 3 thanh niên nữa. Cứ dán xong 100 tờ đề - can như vậy ở bất cứ nơi đâu, mỗi người nhận được 50 ngàn đồng. Tất nhiên, sáng hôm sau chủ cơ sở rút hầm cầu sẽ cho người đi kiểm tra.

Một lần người viết dự tiệc tân gia của người bạn ngụ phường Tân Mai. Anh bạn bức xúc: "Anh coi, xây nhà xong, tường rào chưa kịp ráo sơn vậy mà sáng hôm sau tôi đã phát hiện bức tường bị dán không phải một mà đến hai mẫu khoan cắt bê-tông in "chần dần", nghĩ có tức không?". Tôi hỏi lại: "Sao anh không gọi ngay số điện thoại in trên tường rào, mắng cho họ một trận?". "Có chứ, nhưng từ đầu dây bên kia, một giọng đàn ông nói: Đúng là số điện thoại của cơ sở khoan cắt bê-tông chỗ tôi, nhưng người "xịt sơn" số điện thoại không phải là tôi! Anh thông cảm nhé! Nghe thế tôi đành chịu!".

Lần khác, khi đang dừng xe tại giao lộ Võ Thị Sáu - Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng), người viết thấy một thanh niên ôm trên tay chồng tờ rơi quảng cáo. Anh ta luồn lách trong dòng xe để phân phát tờ rơi cho các chủ phương tiện. Ai không nhận, anh nhét đại vào giỏ, vào yên xe. Và khi đèn xanh bật lên, các phương tiện đi rồi, dưới mặt đường lại... lả tả những tờ rơi! Những tờ rơi quảng cáo kiểu này cũng xuất hiện ở ngách cửa ngõ, mái hiên, hàng rào hay trên sân nhà nếu các gia chủ chịu khó chú ý!

Trao đổi về hình thức quảng cáo "búa xua" này, ông Thi Văn Dũng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin - thể thao TP. Biên Hòa cho biết: "Vấn đề quảng cáo trên... cột đèn, trên tường nhà dân, phải bắt tận tay mới xử lý được! Phòng có hướng dẫn cho các phường, xã theo dõi những người dán quảng cáo "lén" để bắt quả tang, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được ai!"

 

* Mọi lúc mọi nơi!

 

Không kể các loại hình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, không thể phủ nhận "công nghệ quảng cáo" nơi công cộng ngày nay đã làm tăng mỹ quan cho đường phố. Quảng cáo không chỉ đơn thuần là giới thiệu, quảng bá sản phẩm mà đã trở thành một loại hình "nghệ thuật vị... kinh tế thị trường". Đã là kinh tế thị trường thì không thể thiếu quảng cáo. Và, đã quảng cáo phải có... thị trường! Anh T.R. ngụ phường Bửu Hòa khoe: "Mặt ngoài bức tường nhà cao tầng của tôi coi vậy mà hái ra tiền: vừa chống được thấm nước vừa có được 10 triệu đồng mỗi năm. Tôi cho nhà quảng cáo vẽ pa-nô giới thiệu sản phẩm trên tường!". Còn anh L.G.A, nhà mặt tiền tại chợ Tân Phong, tuy chẳng được cắc nào, nhưng anh phấn khởi: "Thấy nhà tôi và các nhà bên cạnh vào buổi trưa thường bị hắt nắng, các nhân viên quảng cáo đến liên hệ, tặng không cho chúng tôi các tấm sáo có in tên các sản phẩm sữa. Họ đề nghị chúng tôi treo trước hiên nhà để... che mưa nắng. Tất nhiên chẳng ai từ chối!".

Theo qui định, hình ảnh, nội dung quảng cáo đều phải thông qua ngành văn hóa thông tin. Việc treo dựng các pa-nô quảng cáo thuộc cơ quan quản lý trật tự đô thị. Đã có không ít trường hợp nhiều pa-nô, băng-rôn quảng cáo sai quy định đã được ngành chức năng buộc phải tháo bỏ. Quảng cáo ngày nay hầu như "thâm nhập" vào mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Tùy theo lĩnh vực, các "chuyên gia quảng cáo" áp dụng các hình thức "lồng ghép" cho phù hợp như tài trợ, hỗ trợ v.v... Một nhà quảng cáo (xin được giấu tên) cho rằng: "Hình thức quảng cáo lồng ghép hay  đặt các pa-nô cố định nơi công cộng ít tốn kém, có hiệu quả và ấn tượng hơn các hình thức khác. Điều quan trọng là cả hai đối tác đều có lợi".

 

* "Thương ngữ" trong quảng cáo

 

 "Sao không là thương hiệu mà là "thương ngữ"? Thuật ngữ kinh tế hình như không có cụm từ này!" - anh Quí, giám đốc Công ty Sam Thông, đại lý cho Tập đoàn viễn thông S-Phone, thắc mắc với người viết. Tôi nêu lên ý mình: "Qua tìm hiểu và nhận xét, cho thấy  những năm gần đây, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp có qui mô, khi quảng bá thương hiệu thường kèm thêm các "khẩu ngữ" mà tôi cho là... "thương ngữ". Chính "thương ngữ" - nhất là những "thương ngữ"có chiều sâu về mặt văn hóa, văn học - thường dễ đi vào lòng người tiêu dùng. Như "thương ngữ" của S-phone "Nghe là Thấy" chẳng hạn!". Có lẽ đã đồng thuận với người viết về "thuật ngữ" này, nên anh tâm sự: "Thương ngữ "Nghe là Thấy" có từ khi tập đoàn S-Phone mới đầu tư vào Việt Nam. Tuy có ba từ, nhưng phải huy động tư duy cả một ê-kíp tiếp thị, quảng cáo".

Người viết đã thử làm một cuộc điều tra "bỏ túi" với một số người tiêu dùng, thực tế cho thấy, đa số người tiêu dùng nhớ "thương ngữ" nhiều hơn là thương hiệu! "Giày dép Bitis - Nâng niu bàn chân Việt! Nước khoáng La Vie - Một phần tất yếu của cuộc sống! Vinaphone - Mọi lúc mọi nơi!..."

 Có thể nói,  "thương ngữ"càng xúc tích, ngắn gọn, hàm ý thì càng dễ ăn sâu vào tâm trí của người tiêu dùng. Trái lại, những "thương ngữ" vô duyên, kém tế nhị, dài dòng văn tự, có khi lại phản tác dụng. Và, đã có không ít "thương ngữ" có duyên, gợi cảm, do "quen miệng", vô tình lại trở thành những "thành ngữ" mới trong quần chúng. Như nhà sản xuất đối với khách hàng thì phải... "Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu". Hoặc gặp những tình huống ngại ngùng trong giao tiếp thì... "Hãy nói theo cách của bạn"... Các nhà quảng cáo có trình độ đã biết cách "in" vào tâm trí người tiêu dùng bằng những "thương ngữ" gợi cả ý lẫn tình. Họ chẳng cần dán trên cột đèn hay treo chằng chịt, rối rắm trên phố! Họ đã quảng cáo bằng... cái đầu!          

Lê Hoàng

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích