Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển lãm mỹ thuật dân gian truyền thống: Kiệt tác từ những bàn tay tài hoa...

08:01, 29/01/2008

Sáng nay 29-1, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Bảo tàng mỹ thuật Trung ương mở cuộc triển lãm trưng bày khoảng 80 hiện vật gồm những di vật điêu khắc, hội họa và trang trí dân gian từ thế kỷ 11 đến 19. Người dân Đồng Nai sẽ được tận mắt chứng kiến những kiệt tác từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân dân gian xứ Bắc.

Sáng nay 29-1, Bảo tàng Đồng Nai phối hợp với Bảo tàng mỹ thuật Trung ương mở cuộc triển lãm trưng bày khoảng 80 hiện vật gồm những di vật điêu khắc, hội họa và trang trí dân gian từ thế kỷ 11 đến 19. Người dân Đồng Nai sẽ được tận mắt chứng kiến những kiệt tác từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân dân gian xứ Bắc.

 

Tượng vị La Hán chùa Tây Phương.

* Độc đáo nghệ thuật điêu khắc

 

Nổi bật trong số các hiện vật trưng bày là pho tượng Phật A di Đà tạc bằng chất liệu đá, cao đến 2,7m. Pho tượng Phật này xuất phát từ chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh), là một tác phẩm tiêu biểu về nghệ thuật điêu khắc tượng cổ của thế kỷ 11. Được tạo tác trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, tượng toát lên vẻ từ bi, độ lượng, thanh thoát của Đức Phật. Phần đài sen ngoài 15 cánh sen to nở rộ viên mãn, mỗi mặt còn chạm đôi rồng với hình dáng hiền lành đặc trưng của rồng đời Lý. Pho tượng Kim Cang ở chùa Long Đọi (tỉnh Hà Nam) tạc vào thế kỷ thứ 12, hay tượng sư tử ở chùa Bà Tấm (Hà Nội) tạc vào năm 1115 tuy không hoành tráng, bề thế bằng nhưng vẻ tinh xảo thì không hề thua kém. Ngoài vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc, các hiện vật này còn mang giá trị lịch sử to lớn bởi những huyền tích xung quanh sự ra đời và ngôi chùa lưu giữ chúng.

Những ai đã từng biết qua bài Các vị La Hán chùa Tây Phương của nhà thơ Huy Cận, hẳn ít nhất cũng một lần ao ước được tận mắt chứng kiến "Đây vị xương trần chân với tay/ Có chi thiêu đốt tấm thân gầy/ Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt/ Tự bấy ngồi y cho đến nay". Các pho tượng La Hán của chùa Tây Phương (tỉnh Hà Tây) quả thật là những kiệt tác sống động của những nghệ nhân dân gian thời hậu Lê - Tây Sơn. Theo ông Trần Quang Toại, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, tượng La Hán thì nơi nào cũng có nhưng mỗi quốc gia, vùng miền đều có những nét riêng mang dấu ấn của dân tộc. Tượng La Hán chùa Tây Phương mang hình ảnh của cụ già Việt Nam, mặt dài, gò má cao, thân hình gầy gò thấy rõ từng đốt xương. Đặc biệt, mỗi vị La Hán là một dáng điệu, nét mặt, tâm trạng khác nhau: vui, buồn, thanh thản, ưu tư. Vị đứng, vị ngồi, có vị thì ngước mặt lên trời cao suy tư, vị thì hững hờ tì cằm vào đầu gối nhếch môi cười, vị lại hân hoan tươi tắn hoặc đăm chiêu suy nghĩ...

Bên cạnh những điêu khắc tôn giáo ấy, các điêu khắc gỗ trang trí lại mô tả được phần nào sinh hoạt, lễ hội của người dân xưa như Hội làng, Điều voi đuổi hổ, Quan quân cướp bóc, Quan chủ và quân hầu... Hầu hết các điêu khắc gỗ này đều xuất phát từ các đình như đình Ngọc Canh, Thổ Tang (tỉnh Vĩnh Phúc), đình Chảy (tỉnh Hà Nam), đình Diềm (tỉnh Bắc Ninh), đình Liên Hiệp (Hà Nội)... chứng tỏ tập quán từ bao đời của người dân Việt thường xem đình làng là nơi sinh hoạt cộng đồng và có vị trí quan trọng gắn liền với đời sống của người dân.

 

* Ngộ nghĩnh với tranh Đông Hồ

 

Ở lần triển lãm này, cả 5 thể loại tranh Đông Hồ gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh chúc tụng đều có mặt. Dù ở thể loại nào, đặc điểm chung của tranh Đông Hồ cũng là những hình ảnh sung túc và vui tươi. Vì thế ngày Tết người dân xưa thường chọn tranh Đông Hồ để treo trong nhà. Sinh động nhất vẫn là những bộ tranh chủ đề sinh hoạt như 2 người đá cầu, đấu vật, đánh cờ... được các họa sĩ khuyết danh thể hiện vừa hồn nhiên vừa chân thực. Các bộ tranh thờ như tranh ngũ sự, bộ tranh về Thập điện Diêm vương, tranh Nguyên Thủy thiên tôn hay bộ tranh Quan Âm nhị thánh... qua nét vẽ của các nghệ nhân dân gian, các hình tượng tuy đơn giản nhưng vẫn toát lên sắc thái uy vũ. Các bộ tranh truyện Kim Vân Kiều dựng lại các cảnh nhấn trong cuộc đời gian truân của nàng Kiều như đi chơi xuân gặp gỡ Kim Trọng, Kiều và Từ Hải; các bộ tranh Chim công, Tiên nữ, Phượng đàn, Lý ngư vọng nguyệt, thất đồng tam phủ, Dâng hoa... tất cả đều toát lên nét đơn giản và thuần phác thể hiện sự mộc mạc trong đời sống sinh hoạt làng quê xưa.

Không chỉ là thưởng thức hội họa dân gian xưa, người xem triển lãm tranh còn được biết thế nào là giấy điệp để sản xuất tranh, cách in tranh trên bản khắc gỗ của người xưa, cách tạo màu tự nhiên từ cây cỏ cũng như quy trình để cho ra đời bức tranh Đông Hồ. Xem, để hiểu vì sao nhà thơ Hoàng Cầm đã trìu mến thốt lên "Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Bên kia sông Đuống).

 

* Trông người lại ngẫm đến ta

 

Theo đánh giá của ông Trần Quang Toại, các tượng được trưng bày tại triển lãm tuy là phiên bản nhưng độ giống so với các bản gốc có thể nói là 1-1. Ngay cả những vết sơn do thời gian lâu ngày bị bong tróc, những vết ám khói hương cũng được thể hiện lại nguyên vẹn thật hoàn hảo. Để có những phiên bản như "anh em sinh đôi" này, Công ty Mỹ thuật trung ương - đơn vị được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam "đặt hàng" đã phải nhờ đến bàn tay khéo léo của những nghệ nhân ngay tại các địa phương Hà Tây và Bắc Ninh.

Ngộ nghĩnh với tranh Đông Hồ.

Ông Toại nhận định, nếu nói về những chế tác mỹ thuật dân gian truyền thống, Đồng Nai không thiếu những hiện vật có giá trị. Những chiếc  rìu đồng khai quật tại mộ cổ Hàng Gòn và Long Giao, bộ sưu tập đồ trang sức đá, sưu tập gốm cổ... đang được lưu giữ ở bảo tàng đều là những di vật của cư dân cổ ở Đồng Nai xưa, không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà cả về góc độ mỹ thuật. Cách làm của Bảo tàng Mỹ thuật trung ương đã gợi lên ý tưởng sẽ chế tác phiên bản của những hiện vật trên thành một số bộ sưu tập, trong tương lai sẽ gửi đi triển lãm lưu động tại các nơi để giới thiệu về những di sản văn hóa của Đồng Nai. Bên cạnh đó, có thể mô phỏng những hiện vật ấy thành những vật lưu niệm bán cho du khách có nhu cầu - một cách làm du lịch văn hóa mà nhiều nơi đã áp dụng thành công...

Thanh Thúy

 

 

Tin xem nhiều