Báo Đồng Nai điện tử
En

Trẻ kiếm sống - Chạnh lòng trong cuộc mưu sinh...

10:01, 21/01/2008

"Để thằng nhỏ bị liệt chân phải đi bán vé số, tôi rất đau lòng. Nhưng thực tế, hàng ngày số tiền do cháu kiếm được đã giúp gia đình trang trải một phần nỗi lo cơm áo gạo tiền...". Chị K.D, ở trọ tại phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, cho biết như thế.

"Để thằng nhỏ bị liệt chân phải đi bán vé số, tôi rất đau lòng. Nhưng thực tế, hàng ngày số tiền do cháu kiếm được đã giúp gia đình trang trải một phần nỗi lo cơm áo gạo tiền...". Chị K.D, ở trọ tại phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, cho biết như thế.

 

Trẻ nhặt rác ở bãi rác Trảng Dài

* Thực tế buồn

 

Em Trần Duy Anh, 12 tuổi, con chị K.D., bị liệt hai chân từ nhỏ. Mỗi ngày em đẩy xe lăn rong ruổi đây đó để bán vài chục tờ vé số. Cứ nhìn Duy Anh với thân hình đen đủi, gầy gò, đôi chân tật nguyền teo tóp, nhiều người thấy thương lại mua giúp cho thằng bé vài tờ vé số. Làm từ sáng đến trưa, Duy Anh đưa về cho mẹ được chừng 16 ngàn đồng. Số tiến ấy có thể mua thức ăn cho cả nhà trong ngày. Chị K.D. tâm sự, mỗi lần đẩy con đi công viên chơi, nhìn các trẻ lành lặn, có đầy đủ điều kiện ăn học, vui chơi..., chị lại ứa nước mắt xót xa khi con mình chỉ dừng lại ở biết đọc, biết viết và phải dầm mưa dải nắng trong cuộc mưu sinh.

Còn em Vũ Thị Hoa, ở phường Long Bình, lại mưu sinh bằng nghề bán cá nục hấp. Cả gia đình Hoa dắt díu nhau từ miền Bắc vào Đồng Nai hơn 3 năm nay và đang ở trọ trong một căn phòng nhỏ hẹp. Cha em chạy xe ôm còn mẹ bán rau ở chợ tạm. Mỗi ngày mẹ lấy cho Hoa ít giỏ cá nục hấp để bán. Mỗi giỏ cá lời được 1 ngàn đồng, mỗi ngày em kiếm hơn chục ngàn. Những người ở chợ này đều quen cảnh Hoa vừa bán hàng vừa tranh thủ học bài. Mẹ của em cho biết: "Cho cháu đi bán cũng tội, nhưng phải làm như thế để thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời dạy cháu sống có trách nhiệm với gia đình và quen dần việc lao động để lớn lên không chây lười!".

Với em Nguyễn Công Nam, ở phường Trảng Dài, thì bãi rác Trảng Dài là nơi  kiếm sống duy nhất của gia đình em. Cùng với nhiều người khác, cha mẹ em đi lượm rác và cuộc đời Nam cũng gắn liền với rác. Không phải bới rác vào ban đêm như cha mình, Nam chỉ đến ban ngày để phụ phân loại và phơi bọc ny-lông. Công việc tuy không nặng nhọc, nhưng môi trường bãi rác hôi thối và ô nhiễm khiến cho Nam và những người làm việc ở đây ai cũng xanh xao vàng vọt. Chị L., mẹ Nam nói cho con đi nhặt rác còn hơn phải đi xin ăn!

 

* Còn đó những nỗi lo

 

Theo cha đi cắt cỏ.

 Qua gặp gỡ một số em nhỏ đang phải kiếm sống phụ gia đình, chúng tôi chạnh lòng khi chứng kiến điều kiện ăn ở, môi trường làm việc của các em rất tệ. Có thể thấy ngay nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là gia đình nghèo đói, đông con và cuộc sống không ổn định. Trẻ em trong những gia đình này hầu như không được đi học, hoặc bỏ học sớm để kiếm tiền phụ cha mẹ. Nhiều em đã phải làm việc vất vả và làm đủ mọi thứ việc: từ bán vé số đến đi móc bọc ny-lông, phụ đẩy hàng...

Cũng qua tiếp xúc với một số trường hợp trẻ phải kiếm sống phụ gia đình, chúng tôi ghi nhận: nguồn thu nhập từ lao động của các em phụ giúp gia đình cũng đáng kể. Nhưng để có được khoản thu nhập này, các em thường phải đối đầu với nhiều khó khăn, phức tạp. Có những em làm việc quá 8 tiếng mỗi ngày, sức lao động bị trả rẻ hơn, đôi khi bị lạm dụng, thậm chí bị lợi dụng, dẫn dắt vào con đường phạm pháp. Điều đáng quan tâm nhất là điều kiện sống và làm việc của nhiều trẻ còn rất tệ. Tại Đồng Nai, tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tình trạng trẻ phải lao động kiếm sống phụ giúp gia đình hoặc bị người lớn buộc đi xin ăn vẫn đang tồn tại. 

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều