Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Sở KH-CN Phạm Văn Sáng làm giám khảo cuộc thi quốc tế Apicta:
Đi một ngày đàng...

10:01, 04/01/2008

Trở về từ Singapore sau 4 ngày làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Apicta) lần thứ 7, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: "Qua cuộc thi, tôi được nhiều gợi mở ý tưởng rất hay. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai những ý tưởng ấy thành những sản phẩm ứng dụng cụ thể để phục vụ cộng đồng".

Ông Phạm Văn Sáng nhận quà lưu niệm từ Ban tổ chức cuộc thi Apicta.

Trở về từ Singapore sau 4 ngày làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi công nghệ thông tin và truyền thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Apicta) lần thứ 7, ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: "Qua cuộc thi, tôi được nhiều gợi mở ý tưởng rất hay. Chúng tôi sẽ cố gắng triển khai những ý tưởng ấy thành những sản phẩm ứng dụng cụ thể để phục vụ cộng đồng".

 

Vốn là tiến sĩ kinh tế nhưng dường như ông Sáng có "duyên" với lĩnh vực công nghệ thông tin khi đến với Giải thưởng Apicta - một giải thưởng được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2001, theo sáng kiến của cựu Thủ  tướng Malaysia - bằng thành tích giành cúp vàng năm 2006 trong lĩnh vực bảo mật và an toàn thông tin. Từ đó, ông đã được Ban tổ chức giải "để mắt" tới và lần này được mời làm thành viên Ban giám khảo.

Cuộc thi Apicta năm nay có 171 sản phẩm dự thi của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ (có 3 sản phẩm của Việt Nam). Ông Sáng được phân công chấm giải ở 2 lĩnh vực chính phủ điện tử và các giải pháp ứng dụng trong công nghiệp với 22 sản phẩm của 10 quốc gia. Theo ông, đây là cuộc thi quốc tế được tổ chức rất chuyên nghiệp, từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến việc phân công các thành viên ban giám khảo. Trước khi cuộc thi diễn ra, Ban tổ chức đã điều tra, khảo sát kỹ về năng lực và lĩnh vực ưu thế của từng người để từ đó phân công chấm giải ở các lĩnh vực phù hợp.

"Cuộc thi đã diễn ra hết sức tập trung và căng thẳng trong việc lựa chọn sản phẩm đoạt giải. Những sản phẩm tham dự cuộc thi đều là  sản phẩm ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến hàng đầu của các quốc gia. Đặc biệt, chính phủ điện tử và ứng dụng công nghiệp luôn là 2 lĩnh vực nóng, thường xuyên được các nước phát triển đầu tư kỹ. Cho nên, để làm tốt công tác chấm giải, những thành viên trong Ban giám khảo không chỉ là người am tường các lĩnh vực này mà còn phải chuẩn bị kỹ, nghiên cứu sâu về những vấn đề liên quan mới có thể đưa ra những đánh giá chính xác, khách quan" - ông Sáng cho biết. Cuộc thi lần này không đi sâu vào giải pháp công nghệ mà đi vào những cái mới của công nghệ và tính đặc trưng của sản phẩm. Nghĩa là sản phẩm đó ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả như thế nào so với những sản phẩm công nghệ hiện có; yếu tố phục vụ cộng đồng ra sao; tiềm năng thị trường thế nào; giá cả đầu tư tại thị trường các nước ra sao...

Song, cái "được" lớn nhất mà ông Sáng "thu lượm" từ ghế thành viên ban giám khảo chính là học hỏi được tính chuyên nghiệp của cuộc thi. Ông cho rằng mình đã học cách "làm thí sinh" với phong cách thuyết trình rất khoa học và tự tin  mà những thí sinh đoạt giải cao đã làm. Rồi từ hàng ghế giám khảo, ông có dịp "chất vấn" các thí sinh, qua đó tìm hiểu sâu hơn về ý tưởng, tính ưu việt của những sản phẩm đó, mà trước đó trong quá trình đọc hồ sơ dự thi ông chưa hiểu hết.

Những ngày tham gia làm giám khảo cuộc thi, trong quá trình đọc hồ sơ dự thi, phát hiện những ý tưởng mới mẻ, ông đều tranh thủ online trao đổi với anh em đồng nghiệp,  để vừa tạo điều kiện cho anh em tiếp cận với cái mới của các nước bạn, vừa nhận được thông tin trao đổi, bổ sung cho những đánh giá của mình về sản phẩm tại cuộc thi...

Nguyễn Nguyễn

 

Tin xem nhiều