Chúng ta hay thường gặp cách gọi, cách viết Biên Hòa - Đồng Nai đi kèm nhau. Cách gọi này ít nhiều cho thấy danh xưng Biên Hòa - Đồng Nai gắn kết nhau, chỉ về một vùng đất rộng lớn hơn trước đây trong sự phát triển của Biên Hòa xưa, Đồng Nai ngày nay.
Chúng ta hay thường gặp cách gọi, cách viết Biên Hòa - Đồng Nai đi kèm nhau. Cách gọi này ít nhiều cho thấy danh xưng Biên Hòa - Đồng Nai gắn kết nhau, chỉ về một vùng đất rộng lớn hơn trước đây trong sự phát triển của Biên Hòa xưa, Đồng Nai ngày nay.
Sử liệu cho biết, Biên Hòa là tên gọi hành chính cấp tỉnh có phạm vi địa giới rất rộng ở
Danh xưng Đồng Nai cũng được nhắc đến để chỉ về một vùng đất (thường đi kèm với Gia Định). Một trong những câu ca quen thuộc là: "Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về". Đồng Nai cũng là tên gọi của một con sông. Danh xưng Đồng Nai có nhiều cách lý giải khác nhau.
Năm 1698 được đánh giá là mốc thời gian quan trọng khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược Nam bộ, chính thức hóa vùng đất này vào hành chính quốc gia. Biên Hòa - Đồng Nai hiện nay được định vị trong cơ cấu hành chính đầu tiên là dinh Trấn Biên, huyện Phước Long, phủ Gia Định.
Năm 1776, sau khi đánh bại chúa Nguyễn, Đông Định Vương Nguyễn Lữ (một trong ba anh em nhà Tây Sơn) đổi dinh Trấn Biên thành Biên Trấn. Năm 1808, vua Gia Long sắp đặt lại hành chính Nam bộ với cách thay đổi tên gọi: các dinh trước đây đổi thành trấn và dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa thuộc phủ Phước Long, thành Gia Định. Năm 1832, vua Minh Mạng thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Nam bộ. Trấn Biên Hòa được nâng lên thành tỉnh Biên Hòa. Toàn Nam bộ lúc bấy giờ có 6 tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) nên được gọi là: Nam Kỳ lục tỉnh.
Tên gọi Biên Hòa gắn liền với thiết chế hành chính vào các thời kỳ lịch sử tiếp theo với sự phân chia địa giới tùy thuộc vào các thể chế quản lý liên quan. Năm 1862, với việc ký Hòa ước (Nhâm Tuất) giữa triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp, tỉnh Biên Hòa (cùng Gia Định, Định Tường) trở thành thuộc địa của Pháp. Dưới sự cai trị của Pháp, tỉnh Biên Hòa được chia thành Tiểu khu (Biên Hòa, Bà Rịa - năm 1864), thành Sở Tham biện (Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bà Rịa, Bảo Chánh - năm 1865), thành địa hạt (Biên Hòa, Bà Rịa, Long Thành, Thủ Đức, Bình An, Bảo Chánh - năm 1866) rồi sau đó đổi lại là Sở tham biện (năm 1867). Năm 1899, nhà cầm quyền Pháp ra Nghị định đổi tên các Sở Tham biện thành tỉnh.
Tỉnh Biên Hòa tồn tại cho đến năm 1945. Từ năm 1945 đến 1975, Biên Hòa có nhiều thay đổi do hoàn cảnh lịch sử với địa giới có nhiều biến động. Về phía chính quyền cách mạng, địa bàn Biên Hòa - Đồng Nai hiện nay được tách, chia, sáp nhập nhiều lần theo yêu cầu phân chia chiến trường để thực hiện chiến tranh giải phóng: trực thuộc tỉnh Thủ Biên (năm 1951), hay tách thành các tỉnh Biên Hòa, Long Khánh (năm 1960), tỉnh Bà Biên (năm 1963), Biên Hòa U1 và Biên Hòa nông thôn (1965), thành lập thêm tỉnh Tân Phú. Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn phân chia, thay đổi địa giới nhưng cơ bản vẫn ổn định trong cơ cấu của ba tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy.
Năm 1976, đất nước thống nhất, tỉnh Đồng Nai được thành lập trên cơ sở của 3 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và Tân Phú. Từ đó cho đến nay đã có nhiều sự điều chỉnh, thay đổi địa giới như: cắt huyện Duyên Hải (sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh - năm 1978), cắt 3 huyện: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc nhập vào Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo để thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 1991) hay việc hình thành, nâng cấp các đơn vị hành chính cơ sở trong nội bộ tỉnh. Một điều đáng chú ý là quần đảo Trường Sa thuộc huyện Long Đất (năm 1976), nâng lên cấp huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai (năm 1982) và cuối năm 1982, huyện đảo Trường Sa tách ra để nhập vào tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa sau này).
Đất Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay đã có những thay đổi về tên gọi, địa giới do những biến động của lịch sử. Với tên gọi qua bao thời kỳ để định hình như hôm nay là cả một diễn trình phản ánh những chiều kích lịch sử của một vùng đất với những gì liên quan đến nó. Và trong từng tên gọi qua các thời kỳ lịch sử ấy đều ghi những dấu ấn, sự kiện, con người... của vùng đất này đã góp phần làm nên một Trấn Biên cổ kính, một Biên Hùng oai dũng và một Đồng Nai trong lòng miền Đông Nam bộ "gian lao mà anh dũng" để tự hào với một Văn hóa Đồng Nai, Hào khí Đồng Nai lưu danh sử sách.
Phan Đình Dũng