Nghe cô kể chuyện, cả hội trường im phăng phắc. Câu chuyện càng lúc càng dâng trào cảm xúc. Nhiều người dự khán không kiềm được nước mắt. Khi câu chuyện kể kết thúc, tiếng vỗ tay kéo dài như không dứt. Và âm hưởng của câu chuyện ấy còn được nhiều người kể lại nhiều ngày sau đó...
Nghe cô kể chuyện, cả hội trường im phăng phắc. Câu chuyện càng lúc càng dâng trào cảm xúc. Nhiều người dự khán không kiềm được nước mắt. Khi câu chuyện kể kết thúc, tiếng vỗ tay kéo dài như không dứt. Và âm hưởng của câu chuyện ấy còn được nhiều người kể lại nhiều ngày sau đó...
Cô giáo kể câu chuyện cảm động ấy là Nguyễn Thị Hằng, giáo viên văn của Trường THPT Tôn Đức Thắng - ngôi trường vùng sâu của huyện miền núi Tân Phú. Trường mới xây dựng cách đây 2 năm và đó cũng là khoảng thời gian cô Hằng gắn bó với nghề giáo. Cô cho rằng mình may mắn khi được tiếp cận với rất nhiều sách vừa được trang bị ở trường. Khi nhà trường phát động đợt học tập, rồi tổ chức hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô đã tìm đọc hầu hết sách viết về Bác trong thư viện. Cô Hằng tâm sự: "Đọc sách viết về Bác, gặp câu chuyện nào hay thì tôi chép vào sổ tay và nhiều câu chuyện cảm động đã được tôi đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc nằm lòng". Nhờ vậy, cô đã đoạt giải nhất hội thi do nhà trường tổ chức. Cuối năm 2007, Sở GD-ĐT tổ chức hội thi kể chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành, cô Hằng được chọn tham dự. Ngay từ đầu cô đã "thua điểm" các thí sinh khác khi không quan tâm chăm chút cho tài liệu, đề cương bài dự thi. Cô định bỏ cuộc. Chính lúc đó, các em học sinh lớp 12A4 mà cô làm chủ nhiệm đã động viên, ủng hộ rất nhiệt tình. Ngày cô lên tỉnh thi, cả lớp đã đi theo để ủng hộ.
Cô Hằng cho biết, sau khi đọc hàng trăm câu chuyện kể, qua nhiều lần sàng lọc cô quyết định chọn câu chuyện "Bác Hồ hiển hiện trong tôi" để dự thi. Điều cảm động nhất ở câu chuyện này chính là Bác Hồ hầu như không xuất hiện nhưng luôn hiển hiện mọi nơi, trong mọi người và mọi thế hệ với tấm lòng nhân ái như biển cả mênh mông, giản dị như hạt muối, hạt gạo. Và cô đã sống, đã hóa thân vào câu chuyện. Câu chuyện cho thấy Bác đọc báo rất kỹ. Sau khi báo đăng về cậu bé Hoa Xuân Tứ dù bị cụt cả hai tay (do bom Mỹ) nhưng vẫn học giỏi, viết chữ rất đẹp, siêng năng giúp mẹ làm nhiều việc trong nhà và đặc biệt bơi rất giỏi, Bác Hồ cho gọi tác giả bài báo ấy đến. Người hỏi rất kỹ về tính chính xác, độ trung thực của bài báo, rồi khen nhà báo bằng câu nói hết sức bình dị nhưng đã làm lay động lòng người: "Chú đã chọn được nhân vật rất hay để viết. Cậu bé ấy mất đi một bộ phận trên cơ thể đã là mất mát lớn, nó không thể mọc lại được, chỉ có ý chí mới khắc phục phần nào sự mất mát ấy". Sau đó, toàn miền Bắc phát động phong trào học tập tấm gương thiếu niên Hoa Xuân Tứ. Riêng với nhà báo ấy, sau này chẳng may bị thương ở chiến trường chống Mỹ, có lúc anh thấy cuộc đời mình đã khép lại. Nhưng chính câu chuyện của cậu bé Tứ, chính lời dạy của Bác đã thôi thúc anh "hồi sinh" mãnh liệt. Trở về miền Bắc, anh có dịp được viết báo, thông tin về nhiều hội nghị có Bác tham dự. Và nhà báo ấy đã chép lại câu chuyện rất cảm động về Bác mà cô Hằng và nhiều người đều cho là rất cảm động: Hôm ấy diễn ra lễ Quốc khánh tại Hội trường Ba Đình, người thương binh Vương Nhị Chi được mời đến dự. Lễ kết thúc, người thương binh ấy đi về phía nhà vệ sinh. Ông còn đang loay hoay không biết mở khuy quần thế nào khi hai cánh tay đã cụt thì có tiếng gọi từ phía sau. Bác đã xuất hiện và giúp người thương binh ấy với lời trách nhẹ nhàng: "Có lẽ ban tổ chức lễ đã sơ suất không bố trí người giúp đỡ các thương binh như chú"...
Câu chuyện ấy cô Hằng đã kể lại đến hàng chục lần, nhưng mỗi lần như thế cô luôn xúc động không cầm được nước mắt. Với cô, ý nghĩa rút ra từ câu chuyện chính là Bác Hồ hiển hiện như một thánh nhân giữa đời thường, một lãnh tụ mà gần gũi, thân thiện. Bác không dùng lý lẽ cao siêu, chỉ nói những lời bình dị nhưng có tác động, làm lay động đến nhiều người, nhiều thế hệ. Cô đã rút ra được bài học cho mình là, ở đâu có ý chí ở đó có con đường. Có ý chí sẽ có niềm tin tất thắng, đó là nền tảng vững bền xây dựng nên hạnh phúc, cuộc sống tươi đẹp. Cô Hằng tâm sự rằng, cô đã cảm nhận thêm rất nhiều điều ý nghĩa trong cuộc sống. Cô luôn cố rèn luyện ý chí vượt qua khó khăn, sống chan hòa, thân ái với đồng nghiệp, mọi người xung quanh. Với nghề, cô luôn rèn luyện là một nhà giáo giản dị, gần gũi, yêu thương, truyền đạt mọi kiến thức hiểu biết và tận tình giúp đỡ học trò. Ý thức rõ điều đó, cô càng cố gắng rèn luyện hơn trong cuộc sống và đối với nghề nghiệp.
Cô Hằng cho biết: "Nhờ cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi có dịp mở rộng kiến thức để giúp học sinh hiểu thêm về Bác, nhất là những câu chuyện đạo đức, lối sống cảm động của Người"...
Phong Vũ