Báo Đồng Nai điện tử
En

Chùa Đại Giác và những chuyện tích

08:01, 29/01/2008

Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa có nhiều ngôi chùa vốn được tạo dựng khá sớm, trong đó có chùa Đại Giác tọa lạc ở vùng Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa). Đây là một trong những cơ sở tín ngưỡng được liệt hạng vào danh mục di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hiện nay, trên địa bàn Biên Hòa có nhiều ngôi chùa vốn được tạo dựng khá sớm, trong đó có chùa Đại Giác tọa lạc ở vùng Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa). Đây là một trong những cơ sở tín ngưỡng được liệt hạng vào danh mục di tích lịch sử cấp quốc gia.

 

Kiến trúc chính hiện tồn của di tích theo lối chữ nhị và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Kiểu thức kiến trúc mặt tiền với lầu trống, lầu chuông nhô cao. Phần chánh điện có không gian thoáng rộng với sự bài trí của một tập hợp tượng thờ đa dạng. Đặc biệt, ở điện thờ chính có tượng Phật lớn so với các chùa trên địa bàn Đồng Nai. Nội thất kiến trúc có nhiều bức hoành phi, câu đối. Nhà sư Thành Đẳng phái Lâm Tê đời 34 được xem là người khai sơn ngôi chùa này.

Trong lịch sử của vùng Biên Hòa, chùa Đại Giác gắn với những sự kiện được sử sách ghi chép: Vào năm 1779, trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn, người con gái của Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) đến nương náu và thoát nạn. Khi Nguyễn Ánh lập nên thanh thế, xưng vương đã nhớ đến và ban chỉ cho trùng tu chùa. Vua đã sai cho binh thợ đến giúp việc xây cất, cho tượng binh đến dặm nền vì thế chùa còn có tên là chùa Tượng. Trong dịp trùng tu, vua cúng chùa một pho tượng Phật bằng gỗ mít lớn nên chùa còn có tên là chùa Phật lớn. Đời vua Minh Mạng cũng quan tâm và tiếp tục cho tu sửa chùa. Một công chúa của nhà Nguyễn cúng chùa tấm biển "Đại Giác tự" sơn son thếp vàng, bên phải có khắc: "Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh". Tiếc thay, tấm biển này không còn nữa bởi những kẻ coi trọng sự tham lam hơn lòng thành chốn cửa thiền lấy mất. Ngày nay, một tấm biển với nội dung của công chúa tặng ngày trước treo ở di tích chỉ là "bản sao" như gợi nhớ về một người thuộc dòng Hoàng gia công đức cho chùa.

Tương truyền, di tích chùa Đại Giác còn gắn với chuyện tình cảm đầy sắc thái của một phụ nữ xuất thân từ Hoàng gia nhà Nguyễn. Chuyện kể thì dài nhưng chung quy ở cái cách xử sự đầy cảm động của những người trong cuộc. Nhà sư Thiệt Thành là người tài đức từng được vua Gia Long triệu ra kinh đô làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Một phụ nữ hoàng gia cảm phục rồi đem lòng yêu mến nhà sư. Dù chính thân đã đạt được sự uyên thâm trong đạo pháp nhưng nhà sư vẫn lo tránh những sắc trần có thể làm day dứt tâm cang trước sợi dây luyến ái mà người phụ nữ đeo đuổi. Nhà sư từ biệt nơi kinh thành trở về Gia Định và sau đó là Biên Hòa, nhập thất tại chùa Đại Giác. Trong một lần vào Gia Định rồi đến Biên Hòa với chủ tâm gặp cho được nhà sư, Hoàng cô nhà Nguyễn đã quỳ gối, nài nỉ trước tịnh thất của chùa. Nhiều lần như thế với sự nài nỉ của Hoàng cô nhìn thấy bàn tay của nhà sư trước khi tạm biệt về kinh thành, nhà sư cảm động đã đưa bàn tay của mình qua ô cửa nhỏ cho Hoàng cô cầm lấy. Người phụ nữ ôm lấy bàn tay nhà sư một cách trìu mến. Đêm đó, giữa canh ba, trong khi mọi người đang an giấc, bỗng lửa cháy rực lên ở tịnh thất nơi nhà sư đang trú. Mọi người hoảng hốt cùng nhau dập lửa nhưng đã muộn. Tịnh thất cháy và xác thân của nhà sư cũng hóa theo. Sau này, người ta phát hiện một bài kệ của nhà sư trên vách chùa: "Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần. Thành không vẩn đục vẫn trong ngần. Liễu tri mộng huyễn chơn như huyễn. Đạo mình mình vui đạo mấy lần". Hay tin nhà sư viên tịch, Hoàng cô cũng đã tự quyết định số phận của mình bằng một liều thuốc đắng.

Câu chuyện nơi cửa Phật vẫn còn những đoạn kết khá kỳ thú xung quanh một số bài vị của nhà sư và Hoàng cô thờ tại chùa Sắc tứ Từ Ân. Sức mạnh của tình yêu con người, sức mạnh của niềm tin Phật pháp trong câu chuyện như vẫn còn nhắc nhở cho hậu thế những bài học đầy cảm động.

Dấu tích kiến trúc xưa của chùa Đại Giác không còn được bảo lưu qua các lần trùng tu trước đây. Kiến trúc hiện tồn được xem như nét chấm phá làm đa dạng cho kiến trúc của chùa chiền Biên Hòa - Đồng Nai, phản ánh những bước phát triển nhiều mặt của xã hội. Với lịch sử khai sơn khá sớm, chùa Đại Giác là một trong những di tích lịch sử cho sự phát triển của vùng Biên Hòa - Đồng Nai.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều