Báo Đồng Nai điện tử
En

310 năm Biên Hòa - Đồng Nai (1698 - 2008)
Sông Phố của Biên Hòa

09:01, 21/01/2008

Đoạn sông chảy qua Biên Hòa trước đây có tên là Sông Phố - tên gọi ấy không biết bắt nguồn từ bao giờ, thật khó mà khảo chứng. Chỉ biết rằng, trong tác phẩm "Chuyện người thổi sáo ở bến Xuân", nhà văn Lý Văn Sâm cho rằng: "Khúc sông Đồng Nai dài bốn cây số chảy ngang qua thành phố Biên Hòa được người địa phương đặt tên là Sông Phố. Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mỏm Cù lao Phố". Tên gọi Sông Phố trở nên gần gũi với bao người dân của mảnh đất đôi bờ của đoạn sông này.

Bên bờ sông Đồng Nai xưa (đoạn gần nhà Mát).

Đoạn sông chảy qua Biên Hòa trước đây có tên là Sông Phố - tên gọi ấy không biết bắt nguồn từ bao giờ, thật khó mà khảo chứng. Chỉ biết rằng, trong tác phẩm "Chuyện người thổi sáo ở bến Xuân", nhà văn Lý Văn Sâm cho rằng: "Khúc sông Đồng Nai dài bốn cây số chảy ngang qua thành phố Biên Hòa được người địa phương đặt tên là Sông Phố. Khúc sông khởi đầu từ cái đuôi Cồn Gáo thoai thoải và chấm dứt ở cái mỏm Cù lao Phố". Tên gọi Sông Phố trở nên gần gũi với bao người dân của mảnh đất đôi bờ của đoạn sông này.

 

Trong những nguồn tư liệu, có nhiều người nói về Sông Phố thật thơ mộng và trữ tình. Cả những tấm ảnh chụp hai bên bờ sông vào những thập niên đầu thế kỷ XX cho thấy cảnh yên bình, thanh lặng, những chiếc xe ngựa đứng đợi khách, người qua kẻ lại... Trên đôi bờ sông, vẫn còn đó những dấu tích của một thời lịch sử. Bên này phố xá, chiếc cầu Mát còn đó vươn ra sông trước Tòa bố xưa nay là Trụ sở UBND tỉnh, còn đó mái đình Tân Lân thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên - người có công khai phá Biên Hòa, còn đó đình Phước Lư, chùa Phụng Sơn... Bên kia sông, ngôi chùa cổ Long Thiền in dấu thời gian cùng với bao làng nghề.

Thời gian trôi đi với bao đổi thay, dịch chuyển. Cồn Gáo - một cồn đất và bãi cát trắng rất đẹp giữa sông, trên có nhiều cây gáo đại thụ - đã bị ngập và chìm mất dạng vào đầu thập niên 40. Cái thanh bình, vắng lặng thuở nào được thay vào đó là phố thị sầm uất với sức sống, sự phát triển của xã hội. Có những đổi thay lớn hai bên bờ Sông Phố nhưng nổi bật nhất là phía đô thị Biên Hòa. Những dãy nhà lụp xụp, chen chúc xưa đã được thay bằng một công viên ven sông. Vào dịp lễ Tết, ngay từ xa xưa, trên đoạn sông này diễn ra nhiều lễ hội, trong đó có hội đua thuyền thu hút nhiều người thưởng ngoạn.

Có lẽ không ngoa để nói rằng, Biên Hòa đẹp và thơ mộng nhờ có Sông Phố. Và chắc chắn trong quy hoạch phát triển đô thị, đoạn sông này là một trong những yếu tố chính để địa phương căn cứ phát triển và bảo vệ môi trường sống. Nhiều nhà nghiên cứu đồng thuận về cách gọi: sông Đồng Nai - dòng sông văn hóa. Vâng, hai bên bờ sông Đồng Nai nói chung và Sông Phố nói riêng hiện tại không chỉ là sự tồn tại hiện hữu của các di tích mà trong lòng đất ấy còn ẩn chứa nhiều di chỉ của các luồng văn hóa của các thế hệ tiền nhân trong khi chúng ta chỉ mới phát lộ ít nhiều.

Tôi đã nhiều lần ngắm nhìn Sông Phố ở những góc nhìn khác nhau. Và mỗi lần như thế chợt nhận ra nhiều điều. Sông Phố phản ánh cả một chiều kích lịch sử phát triển của đô thị Biên Hòa. Hai cây cầu sắt bắc qua sông vào đầu thế kỷ XX mà đỉnh đầu cầu ở phần ngọn Cù lao Phố vang danh một thời như một nét chấm phá đặc biệt. Phía đoạn sông trên là cây cầu Mới nối hai bờ sông vào thập niên 60 của thế kỷ XX lại là điểm nhấn cho đoạn Sông Phố. Sông Phố với bên tả là phố thị náo nhiệt và bên hữu là những khu nhà, làng quê yên ả. Khu công viên hoành tráng ven sông được khánh thành những năm đầu thế kỷ XXI là một nỗ lực lớn của địa phương trong phát triển đô thị, làm tăng thêm mỹ quan cho Biên Hòa.

Khi nghĩ về dòng sông, nhiều người hay liên tưởng đến bên bồi, bên lở - Sông Phố của Biên Hòa cũng không ngoài quy luật đó nhưng có lẽ, bên lở ngày càng nhiều hơn bởi nhiều yếu tố tác động. Khi nghĩ về một dòng sông, dễ thường ai cũng nghĩ tất cả các dòng sông đều chảy về biển. Sông Phố của Biên Hòa cũng không ngoài quy luật đó khi bản thân nó cùng nhiều hợp lưu đều đổ ra biển Đông. Sông Đồng Nai trong dòng chảy bắt nguồn từ cao nguyên LangBian cho đến cửa biển đã ưu ái hai bờ nơi nó đi qua, mà Sông Phố là một  minh chứng sống động.

Chợt nghĩ đến những thông tin báo động được công bố về nước của sông Đồng Nai bị ô nhiễm. Đô thị hóa và công nghiệp hóa mà không chú trọng đến bảo vệ môi trường là một trong những nguyên nhân chính gây hậu quả nặng nề đến nguồn nước. Sông Phố của Biên Hòa cũng đang đứng trước những nguy cơ hiển hiện mỗi ngày. Khi nghĩ về Sông Phố, tôi chưa kịp nghĩ về biển. Tôi chỉ nghĩ đến những dòng suối mà dòng chảy của nó hòa vào Sông Phố. Không chỉ giật mình nữa mà là thảng thốt, sững sờ bởi lẽ: hầu như tất cả dòng suối chảy vào nó đã, đang và sẽ chết trước sự ô nhiễm hằng ngày.

Lẽ nào...

Phan Đình Dũng

 

Tin xem nhiều