Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn cùng MC đám cưới

09:12, 21/12/2007

Ngày trước, theo tập quán gia đình khi có hỉ sự thường mời một người có vai vế và khéo ăn nói trong họ tộc đứng ra dẫn dắt cho buổi lễ long trọng và suôn sẻ. Nhưng ngày nay cùng với sự phát triển của nền "công nghệ tiệc cưới", công việc ấy đã được chuyên nghiệp hóa và nâng lên thành nghề, đó là MC, người chuyên dẫn chương trình cho các tiệc cưới.

Ngày trước, theo tập quán gia đình khi có hỉ sự thường mời một người có vai vế và khéo ăn nói trong họ tộc đứng ra dẫn dắt cho buổi lễ long trọng và suôn sẻ. Nhưng ngày nay cùng với sự phát triển của nền "công nghệ tiệc cưới", công việc ấy đã được chuyên nghiệp hóa và nâng lên thành nghề, đó là MC, người chuyên dẫn chương trình cho các tiệc cưới.

 

Một MC đang "tác nghiệp" tại tiệc cưới ở nhà hàng Đồng Nai. (ảnh có tính chất minh họa)

* MC: nghề không dễ

 

Theo anh Kiên Cường, một MC có thâm niên trong nghề, điều kiện cần phải có ở người MC là năng khiếu bẩm sinh về tài "ăn nói". Người làm nghề này trước tiên phải có một chất giọng tốt, truyền cảm để gây được cảm tình nơi người nghe. Kế đến, phải đáp ứng một số yêu cầu về kỹ thuật như biết cách phát âm chuẩn, tròn vành rõ chữ, có đủ tinh tế để có sự nhấn nhá cho phù hợp với ngữ cảnh, tạo thêm cảm xúc. Bên cạnh đó, làm nghề MC còn phải biết một số kỹ năng để làm cho tiệc cưới sôi động, không có thời gian "chết" và khả năng ứng biến khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Một số MC lâu năm trong nghề tiết lộ, công việc MC ở đám cưới hầu hết đều có một qui trình chung. "Công nghệ cưới" ở Đồng Nai hiện nay hầu hết đều tuân theo "kịch bản" giống nhau, chưa xuất hiện những "event" (sự kiện) mang tính đột phá mới lạ nên MC cứ dựa theo đó mà "chế bài" theo phong cách của mình. Hầu như MC nào cũng có những "bài nói" riêng của mình. Thường thì không ai giống ai vì những "bài" này do tự MC soạn ra dựa trên trình độ hiểu biết, khả năng viết lách, văn chương câu cú cùng với "cái duyên" riêng của mình. Nhưng "bài" nào thì cũng xoay quanh 2 nhân vật chính với những lời chúc tụng cho cuộc hôn nhân bền vững  bằng những ngôn từ thật văn chương hoa mỹ...

Cũng như những nghề khác, chỉ có năng khiếu ăn nói thì vẫn chưa đủ để trở thành MC giỏi. Nghề MC đòi hỏi người theo nghề phải có lòng đam mê, để có sự chăm chút cho nghề. Trên thực tế, có những MC do lười đầu tư đã tự biến thành cái máy nói. Đám cưới nào cũng chỉ có một "bài" hát tới hát lui, chẳng mấy chốc sẽ bị phát hiện và "tẩy chay", tự mình đào thải khỏi nghề. MC Thanh Thủy ở khách sạn Hòa Bình tiết lộ, chị có khoảng 4 "bài tủ" để tùy theo mỗi đám cưới mà sử dụng cho phù hợp và đỡ gây nhàm chán cho quan khách. Và dù đã theo nghề trên 3 năm nhưng chị vẫn phải thường xuyên đọc sách để có thêm vốn từ mới, tìm thêm những ý tưởng và phong cách lạ, quan sát các MC trên truyền hình và đồng nghiệp để rút ra những cách ứng xử hay, có duyên.

Cho đến nay, ở Đồng Nai người đến với nghề MC vẫn do "hữu xạ tự nhiên hương" là chủ yếu, chưa có trường lớp hay cơ sở bài bản nào để đào tạo nghề này. Trừ một vài khách sạn, nhà hàng lớn như khách sạn Hòa Bình có đưa người đi học tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP. HCM), còn số MC hành nghề tự do muốn nâng cao trình độ, tay nghề chuyên môn chỉ có cách "tự thân vận động". Do vậy, trừ một số nơi chuyên về tổ chức tiệc cưới là có MC ổn định và có năng lực, khẳng định được đẳng cấp, còn lại tùy vào hên xui khi chọn MC qua lời giới thiệu, nhất là các tiệc cưới tại gia đình.

 

* MC: nghề của niềm vui

 

Nghề nào cũng có những "tai nạn nghề nghiệp" riêng. Với nghề MC, "tai nạn" xảy ra tuy không chết ai, nhưng MC thì "chết đứng". Một MC thú thật, có lần do lơ đãng, "tổ trác" sao đó mà anh nhớ nhầm... tên cô dâu, thế là cứ vô tư xướng lên trong tiếng cười ồ của thực khách. Gia chủ phải tất tả chạy lên sân khấu nói nhỏ vào tai, MC mới giật mình xin lỗi. Một MC nữ khác thì nhớ đời kỷ niệm "đau thương": do nói nhanh quá, bị líu lưỡi nên đã nói lái một từ thành từ khác với ý nghĩa "phô" nên quan khách cười ầm ĩ, còn chị thì thẹn chín cả mặt. Lại có MC bị "tẩu hỏa nhập ma" sao đó, đến lúc mời bố mẹ chú rể mà cũng quen miệng "tân lang, tân giai nhân" nốt khiến mọi người được trận bão cười, còn đôi "cựu tân lang tân giai nhân" thì sau buổi tiệc đã hầm hầm "xả" cho MC một trận. Một MC khác trong tiệc cưới tổ chức tại nhà dưới quê đã vô tư cổ vũ cô dâu chú rể "hôn đi, hôn đi" khiến họ hàng đôi bên lẫn 2 nhân vật chính đều khó chịu. Và còn rất nhiều chuyện cười ra nước mắt như thế về các MC tiệc cưới, nhất là các MC "vườn".

Thu nhập từ nghề này cũng khá, một show MC chỉ mất khoảng 1-2 giờ đồng hồ nhưng có thù lao từ 70 ngàn đồng cho đến 200 ngàn đồng (tuỳ theo nơi tổ chức). Nhưng bù lại, nghề này không ổn định, thuộc dạng "thời vụ" chỉ hoạt động chủ yếu vào mùa cưới nên hầu hết các MC đều có nghề tay phải. Như anh Tự là nhạc công, anh Kiên Cường là ca sĩ của Đoàn Ca múa Đồng Nai, chị Thanh Thủy là nhân viên của Trung tâm Văn hóa thông tin - thể thao TP. Biên Hòa, Khánh An và Hữu Đông thì có nghề chính là nhân viên tiếp tân.

Nghề MC chuyên chứng kiến ngày vui nhất đời của bao đôi lứa yêu nhau, nên người MC thường cũng được vui lây niềm vui của đôi vợ chồng mới. "Đó là một hạnh phúc mà không phải nghề nào cũng có được", MC Kiên Cường kết luận.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều