Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 61 năm ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2007)
Ngời sáng tinh thần cách mạng tiến công

09:12, 17/12/2007

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc ta được độc lập, nhân dân ta giành được quyền làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dân tộc ta được độc lập, nhân dân ta giành được quyền làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm từ cuối năm 1945 đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng. Nghiêm trọng nhất là trên đất nước ta cùng lúc có gần 30 vạn quân đế quốc dưới danh nghĩa Đồng minh, chiếm đóng các vị trí  chiến lược quan trọng đặc biệt là thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một nhân chứng lịch sử đã viết: "... Khó khăn lớn nhất lúc này là các quân đội nước ngoài từ bốn phương càng dồn dập kéo tới. Bọn ở gần, bọn ở xa, chúng khác nhau về màu da, về tiếng nói, nhưng rất giống nhau ở dã tâm muốn thôn tính đất nước chúng ta, muốn đẩy chúng ta trở về cuộc sống nô lệ...".

Trong số các kẻ thù, Đảng  ta xác định kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược. Được sự đồng lõa của Mỹ và sự hỗ trợ của quân Anh ở miền Nam, ngày 23-9-1945 thực dân Pháp đã gây hấn ở Nam bộ, cuộc kháng chiến Nam bộ bắt đầu. Xuất phát từ truyền thống hòa hiếu của dân tộc, từ yêu cầu hòa bình để xây dựng đất nước, xây dựng chế độ mới, cùng với tương quan lực lượng hiện thời bất lợi cho ta, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương hòa hoãn với Pháp. Trong quá trình đấu tranh ngoại giao, ta phải nhân nhượng một số quyền lợi kinh tế, văn hóa, nhưng không bao giờ xa rời nguyên tắc căn bản là độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Nhưng trước thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp ngày càng lấn tới. Ngày 1-6-1946, chúng cho ra đời ở Nam bộ cái gọi là "Chính phủ Nam Kỳ tự trị". Kẻ đứng đầu "chính phủ" này cũng được mời sang thăm nước Pháp. Tiếp đó  là những cuộc hành quân lấn chiếm ở Tây Nguyên...

Do thái độ ngoan cố của thực dân Pháp, cuộc đàm phán Việt - Pháp tại Hội nghị Fontainebleau tan vỡ. Để gắng sức cứu vãn tình thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký với đại diện chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14-9-1946. Vì hòa bình, chúng ta lại nhân nhượng với Pháp thêm một bước.

Nhưng cũng như sau khi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Tạm ước ngày 14-9-1946 cũng không được phía Pháp tôn trọng. Số binh lính Âu Phi trong quân đội viễn chinh Pháp lên tới 63.000 người, ngoài ra còn hàng vạn lính ngụy. Những người cầm đầu quân Pháp ở Đông Dương đã quyết tâm dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ đất nước ta.

Ngày 20-11-1946, quân Pháp tấn công đánh chiếm Hải Phòng, ngay sau đó là Lạng Sơn. Ngày 17-12, chúng gây ra nhiều vụ khiêu khích trắng trợn, thảm sát dã man đồng bào ta ở Hà Nội. Ngày 18-12, quân Pháp chiếm nhiều công sở của ta tại Hà Nội. Cùng ngày chỉ huy quân Pháp gửi cho Chính phủ ta hai bức thư đặt ra yêu cầu như  tối hậu thư. Trong thời điểm hết sức căng thẳng này, Đảng ta khẳng định: "Sự thật đã chứng minh rằng: Thực dân Pháp ngang nhiên khiêu hấn. Chúng định dùng vũ lực bắt ta phải nhượng bộ. Nhưng không khi nào ta chịu. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của đất nước, là hại đến quyền lợi cao trọng của dân tộc".

Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (nay thuộc thị xã Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định khả năng hòa hoãn đã hết và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19-12-1946, cuộc toàn quốc kháng chiến bắt đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào toàn quốc:

"Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phải, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!"

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần trên đã giành được thắng lợi sau chín năm gian lao và anh dũng.

Tô Phương

Tin xem nhiều