Sinh ra và trưởng thành từ vùng đồi chè Thái Nguyên, thế nhưng cơ duyên đã đưa đẩy Mai Thy đến đất Đồng Nai. Để rồi cô gái nhỏ bé ấy cảm thấy quyến luyến tình đất, tình người. Mai Thy đã quyết định chọn vùng đất hiền hòa ven bờ sông Đồng Nai làm nơi "sinh cây mọc rễ".
Sinh ra và trưởng thành từ vùng đồi chè Thái Nguyên, thế nhưng cơ duyên đã đưa đẩy Mai Thy đến đất Đồng Nai. Để rồi cô gái nhỏ bé ấy cảm thấy quyến luyến tình đất, tình người. Mai Thy đã quyết định chọn vùng đất hiền hòa ven bờ sông Đồng Nai làm nơi "sinh cây mọc rễ".
Cách đây mấy năm, nếu có ai đó tiên đoán rằng Trần Thị Mai Thy sẽ trở thành ca sĩ gắn bó cuộc đời mình với ánh đèn sân khấu, hẳn cô bé đã phì cười và nhất định không tin. Bởi vì sinh ra trong một gia đình hoàn toàn chẳng "dính dáng" gì đến nghệ thuật, bản thân của Mai Thy sau khi học xong phổ thông đã chọn ngành sư phạm, chọn công việc "gõ đầu trẻ" làm nghiệp của mình. Có điều, không ai phủ nhận rằng cô bé ấy rất mê hát, và rất có năng khiếu âm nhạc. 13 tuổi, Mai Thy đã đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát học sinh - sinh viên tỉnh Thái Nguyên ở bảng dành cho học sinh THCS, rồi liên tiếp tỏa sáng trong nhiều cuộc thi văn nghệ sau đó. Nhưng bố của Thy - một sĩ quan quân đội thấy con gái đam mê hát hò đã "nhắc chừng": "Chỉ nên xem là cuộc chơi cho vui thôi, con nhé!". Không được gia đình ủng hộ, nên dù vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng nhưng Mai Thy chưa một lần nghĩ mình sẽ biến niềm say mê ấy thành nghiệp dĩ của cuộc đời.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Thái Nguyên, Mai Thy trở thành cô giáo dạy Văn. Cuộc đời tưởng đã êm đềm trôi với phấn trắng bảng đen, với lũ học trò dễ thương thì mấy tháng sau, cô giáo Mai Thy được tỉnh Thái Nguyên chọn đi thi và vào luôn đến vòng chung kết Tiếng hát truyền hình Sao Mai do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức. Tuy "hành trình Sao Mai" của Mai Thy chỉ dừng lại đến đấy, nhưng những đánh giá cao về giọng hát Mai Thy của các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Minh Quang đã khuấy động niềm đam mê ca hát được nén sâu trong lòng cô giáo trẻ ấy. Và cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Tống Duy Hòa, Trưởng phòng văn nghệ Đài PTTH Đồng Nai là một bước ngoặt lớn với Mai Thy. Thy đã dám mạnh dạn, dứt khoát chọn điều mà cô say mê nhất: ca hát.
Để có cơ hội sống cho niềm đam mê và sự lựa chọn của mình, Mai Thy quyết định chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, nơi có đời sống âm nhạc sôi động nhưng cũng đầy cạnh tranh quyết liệt. Chân ướt chân ráo bước vào nghề, Thy đã đoạt ngay giải nhất cuộc thi Tiếng hát mùa xuân và tình yêu 2007 do Cung Văn hóa lao động TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Từ bệ phóng đó, cô ca sĩ vóc dáng nhỏ nhắn, hay rụt rè bắt đầu có show diễn để trụ được với nghề. Với sự động viên của nhạc sĩ Tống Duy Hòa, Thy đăng ký tham dự cuộc thi Tiếng hát truyền hình Đồng Nai 2007. Từ vòng sơ kết cho đến vòng chung kết, Thy đều được ban giám khảo đánh giá cao với chất giọng alto khỏe khoắn, mượt mà cùng kỹ thuật biểu diễn vừa chân phương vừa đầy tình cảm. Thế nhưng ở vòng chung kết xếp hạng, Mai Thy chỉ đứng nhì do không vượt qua được cú đột phá bất ngờ của rocker Nguyễn Ngọc Thuần. Nhìn lại cuộc thi ấy, Mai Thy thẳng thắn thừa nhận đã xử lý không tốt và thể hiện chưa "tới" đối với một ca khúc khó như "Thành phố miền quan họ". Bên cạnh đó, việc "trung thành" mãi với dòng nhạc mang phong cách dân gian đã không tạo được sự phong phú, đa dạng cần thiết của người ca sĩ chuyên nghiệp. Đoạt giải nhì, nhưng Thy lại gây được ấn tượng mạnh với ban giám khảo, nhất là với nhạc sĩ Đức Huệ, Trưởng đoàn ca múa nhạc Đồng Nai. Thế là Mai Thy rời TP. Hồ Chí Minh "đầu quân" về đoàn ca múa, trở thành giọng nữ chính của đoàn.
Về đoàn ca múa, điều đầu tiên Mai Thy chấp nhận là sụt giảm thu nhập. Lương ca sĩ chính chỉ khoảng 1,4 triệu đồng, mỗi đêm diễn được bồi dưỡng từ 60 ngàn đến 80 ngàn đồng, tổng thu nhập của Thy giờ chỉ còn 1/4 so với thời còn đi diễn ở các phòng trà, nhà hàng hay sân khấu ca nhạc. Nhưng bù lại, Thy được sống trong một môi trường âm nhạc chuyên nghiệp. Không còn phải hát những bài chiều theo thị hiếu khán giả dù mình không thích, không còn cảnh mình cứ hát còn thực khách vẫn ồn ào ăn uống. Những đêm đi diễn ở vùng sâu vùng xa, đối với Thy thật sự là điều hạnh phúc vì sự nhiệt tình của khán giả. Các anh em trong đoàn cũng thường xuyên quan tâm giúp đỡ khiến Thy càng muốn gắn bó với miền quê mới. Đồng Nai không có nhiều sân khấu, tụ điểm ca nhạc để Thy có thể sống trọn vẹn với nghề, ước mong của cô gái nhỏ ấy bây giờ là thu nhập ổn định hơn một chút và nếu tìm được việc làm cho "nửa kia" của mình - một giáo viên tin học, sẽ cùng "chàng" chọn Đồng Nai làm quê hương thứ hai và gắn bó mãi với vùng đất hiền hòa hiếu khách này.
Thanh Thúy