Sinh thời, nhà văn Hoàng Văn Bổn có 2 lần sang thăm đất nước Liên Xô. Năm 1973 trong chuyến đi thăm Cuba và một số nước ở châu Mỹ Latinh trong đoàn Nhà văn Việt Nam, ông đã ghé lại Matxcơva 20 ngày. Năm 1988 ông cùng với đoàn văn hóa văn nghệ Việt Nam lại được sang thăm chính thức đất nước Liên Xô. Qua 2 chuyến đi này ông đã có loạt bài bút ký, tùy bút khá sống động, thú vị. Trong đó có Tản mạn bên lề Maskva- Lêningrat, Cung điện mùa hè, Êmitagiơ...
Sinh thời, nhà văn Hoàng Văn Bổn có 2 lần sang thăm đất nước Liên Xô. Năm 1973 trong chuyến đi thăm
Dân số thủ đô Matxcơva rất đông. Đông lắm. Biết được điều ấy là do con số thống kê, do sách báo. Chứ nhìn bằng mắt, thì lại quá ít. Vào bất cứ giờ nào trong ngày, đường phố Matxcơva vẫn vắng... Trên tàu điện ngầm họ đọc sách. Trên các loại xe, đọc sách hoặc thì thầm tâm sự, tranh luận về một việc gì đấy. Tất cả các người có mặt trên đường phố đều có mục đích, họ đi đến nơi về đến chốn sau khi làm xong mục đích bằng thì giờ sắp xếp... Có hai lần tôi thấy người say rượu. Nhưng trong nháy mắt, đã có xe kín của công an, cảnh sát cặp sát, lôi họ lên xe. Trong hai lần, sự "say" ấy xảy ra không quá 3 phút.
Tôi thường mua thuốc lá ở kiốt bên đường trước khách sạn. Người bán hàng ngồi bên trong. Vì không quen mặt tiền, tôi bỏ cả nắm tiền đồng trên lòng bàn tay, chìa qua cái cửa tò vò, chỉ loại thuốc lá mình cần mua. Người bán hàng thối chỗ tiền thừa vào lòng bàn tay tôi. Một lần, khi người bán hàng bỏ tiền thừa vào lòng bàn tay tôi, tôi ra đi. Bỗng ông khách đợi xe điện ngay quầy hàng chạy theo lôi tôi quay trở lại, nói gì đó vào người bán hàng. Người bán hàng mở ngăn kéo đựng tiền kiểm lại hơn nửa tiếng đồng hồ và đưa tôi thêm số tiền còn thiếu. Đến lúc ấy, ông khách đợi xe điện mới ra hiệu cho tôi. "Đi được rồi". Tôi ái ngại ra hiệu cảm ơn. Ông khách đợi xe không cười, nhún vai ra hiệu: Có gì đáng cám ơn ở đây?
Có to tát gì lắm đâu? Chỉ nhầm lẫn có 50 xu thôi!
Một buổi chiều sau giờ học, tôi và anh bạn trong đoàn đến cửa hàng bách hóa thiếu nhi mua hàng. Người đông nghịt. Vì ngôn ngữ bất đồng, anh bạn tôi bị nhầm 15 đồng. Người kế toán tính thiệt của anh. Anh quay trở lại quầy kế toán đông nghẹt, ú ớ ra hiệu, bập bẹ đôi tiếng. Tiếng ai người ấy nghe. Khách hàng xếp sau anh hàng trăm, chờ đợi. Tôi ái ngại quá, thầm bảo anh: Thôi bỏ qua, chịu mất 15 đồng thôi. Người xếp hàng đông quá... Anh cũng buồn bã bước ra khỏi hàng. Nhưng người cửa hàng trưởng xuất hiện. Tạm dừng buôn bán. Kiểm tra tủ tiền tại chỗ cô kế toán. Một tủ đầy tiền và hóa đơn đã bán từ sáng đến giờ. Thật là dở khóc dở cười. Anh bạn tôi ân hận quá, ra hiệu cho cô cửa hàng trưởng nên "cho qua đi" tay chỉ hàng người hàng trăm đang chờ đợi phía sau anh. Nhưng, những người xếp hàng phía sau ra hiệu cho cô cửa hàng trưởng cứ làm phận sự của cô, họ sẵn sàng chờ đợi.
Nửa tiếng đồng hồ nặng nề trôi qua. Cô cửa hàng trưởng trao tay anh bạn tôi chỗ tiền cửa hàng còn thiếu. Hàng trăm người xếp hàng phía sau lại tiếp tục nhích dần từng bước.
Ra đến đường, anh bạn tôi xúc động lắp bắp: "Thái độ của những người xếp hàng làm mình khiếp quá. Nếu rủi bị nhầm lẫn nữa, thú thật là mình sẽ im lặng, bỏ qua luôn. Khiếp quá".
Quả thật là lúc ấy, tôi cũng cùng tâm trạng như anh bạn tôi.
Trong cái guồng máy như thế này, có muốn "tụt hậu" cũng bị xốc nách lôi lên.
... Trên tàu điện, khách tự động bỏ tiền xe vào thùng tự động, ngắt cuống vé thòi ra. Người đứng xa thùng thu tiền tìm cách gửi tiền cho người đứng gần thùng nộp giùm. Người chưa nộp được xuống xe rồi còn gửi với lên cho người còn trên xe mua vé giùm, mới chịu ra đi.
Đi ngoài đường, muốn quăng tàn thuốc lá, phải tìm đúng thùng đựng rác bên đường, bỏ vào đấy. Chẳng ai dạy mình. Nhưng, mọi người đều làm thế. Mình làm khác đi, dù không ai thấy, vẫn xấu hổ, ray rứt. Rất nhiều lần, tôi chạy đuổi theo gió nhặt kỳ được mẩu tàn thuốc lá của chính mình trót vứt bừa bãi theo thói quen, trở lại bỏ vào đúng thùng rác, mới yên tâm đi tiếp. Lúc ấy, trên quãng đường ấy, chỉ một mình tôi thôi.
Xem vở ba lê "Hải âu" dựng theo truyện ngắn của Sêkhốp tại nhà hát lớn Bonsôi, xếp hàng vào dài dằng dặc. Nhưng lúc ra về, lại cũng xếp hàng dài dằng dặc để tìm trả lại chiếc ống dòm mượn lúc vào, không hề có biên nhận. Nghĩa là có muốn mang luôn ống dòm ấy về nhà cũng được. Nhưng, không một ai làm thế. Không thể nào làm thế được khi quanh ta mọi người vẫn xếp hàng trang nghiêm chờ đến lượt mình trả lại ống dòm cho nhà hát. Đấy là của nhân dân, trong cái "nhân dân" ấy, có phần của ta.
Khi đi thăm nhạc viện Saikốpky, đã đứng trước sân nhạc viện rồi mà tôi và anh Trần Huyên Kiều lại bị lạc, mặc dù buổi ấy, đoàn Việt Nam là một đoàn khách quan trọng. Chỉ vì không bỏ được cái thói quen, cái ham muốn hết sức nhỏ nhoi: rít một vài hơi thuốc lá trước khi bước vào thang máy. Thế là hai anh em nghiện lạc loài chúng tôi hớt hơ hớt hải, miệng ú ớ, tay ra hiệu hỏi khắp cầu thang, khắp phòng đồ sộ, sang trọng, chân bước nhanh, chạy uỳnh uỵch... đuổi theo cái âm thanh một hòa tấu nào đó của Saikốpky từ một phòng nào đó réo rắt vọng vang đến. Gần nửa tiếng đồng hồ chui luồn khắp hàng trăm phòng sang trọng, trang nghiêm của nhạc viện hai chúng tôi mới đến được cái phòng đáng lẽ chúng tôi phải đến đây từ phút đầu nếu không vì cái "vài hơi thuốc lá nhỏ nhoi ấy". Ngoài cửa phòng đồ sộ ấy, có treo tấm ảnh lớn của Đặng Thái Sơn, bên dưới có chú thích nhiều dòng chữ, nổi bật hai chữ Việt
Giáo sư Viện trưởng đang nói, tôi và anh Trần Huyền Kiều nhìn nhau. Thế đấy, bạn Đặng Thái Sơn ạ. Cái "lớn lao" của bạn và cái "nhỏ nhoi" của hai chúng tôi bất ngờ đối mặt nhau. Mà hai chúng tôi là những người cũng không phải "nhỏ nhoi" lắm ở quê nhà, từ Cách mạng tháng Tám 1945 và trong hai cuộc kháng chiến thần thánh vừa qua đâu nhé. Thế mà...
... Tôi không kể những cái lớn lao, to tát ở cái đất nước vĩ đại này. Tôi chỉ kể những chi tiết rất nhỏ, nhưng rất nhiều, rất nhiều - những cái rất nhỏ và nhiều trong cuộc sống hàng ngày trong bộ mặt văn hóa - văn minh đã góp phần làm nên một Liên Xô vĩ đại - một nền văn hóa văn minh Xô Viết...