Báo Đồng Nai điện tử
En

Rừng thiêng vẫy gọi - một cuốn sách tốt về đề tài dân tộc thiểu số
(Đọc Rừng thiêng vẫy gọi, tiểu thuyết của Trần Thu Hằng, Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2007)

09:11, 23/11/2007

Rừng thiêng vẫy gọi là cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Trần Thu Hằng. Tác phẩm lấy bối cảnh là cuộc chiến đấu bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên và cuộc sống của đồng bào dân tộc Mạ ở đây.

Rừng thiêng vẫy gọi là cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Trần Thu Hằng. Tác phẩm lấy bối cảnh là cuộc chiến đấu bảo vệ Vườn quốc gia Cát Tiên và cuộc sống của đồng bào dân tộc Mạ ở đây.

 

Hai nhân vật chính: anh cảnh sát khu vực Dũng và chiến sĩ kiểm lâm người dân tộc Mạ KMuôn được tác giả quan tâm khắc họa. KMuôn là một thanh niên Mạ yêu rừng như chính máu thịt mình. Rừng chính là cuộc sống, là hơi thở của anh. KMuôn chính là đại diện tiêu biểu cho thanh niên dân tộc Châu Mạ hiện tại. Hay nói đúng hơn, anh là nét đẹp, là tinh hoa của núi rừng. Trần Thu Hằng rất chăm chút cho nhân vật này và có thể nói chị đã thành công. Còn Dũng - anh sĩ quan công an trẻ - sau khi ra trường đã tình nguyện lên cùng đồng đội và bà con dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng. Dũng đã hòa vào cuộc sống gian khó, kham khổ nhưng nồng ấm tình người ở đây và được bà con dân tộc tin yêu như chính người trong cộng đồng. Ở Dũng còn là cuộc đấu tranh giằng xé giữa tình yêu chân chính, lòng tự trọng với những mưu mô thấp hèn của thằng bạn đồng ngũ đã thoái hóa (Phước), với những nông nổi, dại dột của cô người yêu Ngọc Tiên. Dũng sống nhiều về nội tâm, nhiều dằn vặt, đau đớn trong đời tư, nhưng khi hành động trong cương vị của người chiến sĩ công an trước bọn tội phạm, anh rất cương quyết, khôn khéo. Mối tình cay đắng, nhiều dằn vặt, lỗi lầm, giằng xé của Dũng và Ngọc Tiên như một thứ gia vị không muốn có nhưng vô hình lại như cần thiết, như một nét nhạc trầm làm cho anh sống từng trải, bao dung, cứng cáp hơn.

Trần Thu Hằng đưa người đọc vào một gia đình người dân tộc Mạ cố cựu. Những biến cố, đổi thay của mỗi con người trong gia đình phản ánh sự đổi thay, phức tạp trong cuộc sống ở đây. Già KMia là lớp người theo kháng chiến, tuyệt đối chung thủy với cách mạng, với rừng. KHải - hiền dịu, xinh đẹp nhưng tình duyên lỡ dở, sau này thầm yêu Dũng nhưng không thể đến được với anh. KĐẹp xinh đẹp, trong veo như giọt nước mưa trên lá cây giữa rừng nhưng nông nổi, dại dột, trái tim trao nhầm cho kẻ tha hóa mất gốc và phải chuốc lấy số phận bầm dập ngay trong đoạn bình minh của cuộc đời. Bụi bặm từ phồn hoa phố thị đã tìm được lối tiếp cận, xâm nhập qua hai bông hoa tươi đẹp của xứ rừng này, nhất là qua K Đẹp.

Cuộc chiến đấu giữ rừng, giữ gìn tài sản quốc gia quí giá trong rừng cấm không hề đơn giản. Bọn lâm tặc móc nối với bọn người tha hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số  và cả trong đội ngũ công an, kiểm lâm tấn công lại những người giữ rừng. Chúng còn gieo rắc những tin đồn thất thiệt hạ uy tín những người trung kiên như Dũng.

Trần Thu Hằng khắc họa KJuu - một đứa con lạc loài của dân tộc Mạ. Cuộc sống lăn lóc nơi thị thành từ khi còn tấm bé đã làm hắn phai bợt hết những gì tốt đẹp của dân tộc mình, tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu của chốn bụi đời và quay về phá hoại quê hương mình. Một chút cỏn con còn lại là năng khiếu âm nhạc dân tộc thì lại bị hắn sử dụng để đi lừa đảo các cô gái trẻ cho thỏa mãn ham muốn nhục dục của mình.

Lũ người xấu ở đây bên cạnh KJuu còn là Hồng Thắm cùng băng lâm tặc, là Phước, là Bình, là sự hèn yếu của Tiến. Phước là mẫu nhân vật đáng căm ghét, phỉ nhổ. Với Bình, chỉ vài nét chấm phá, Trần Thu Hằng đã vẽ nên chân dung một cậu công tử bột đầy ích kỷ, lười biếng, vô lương tâm, vô trách nhiệm.

Những xung đột giữa các nhân vật, giữa các tính cách tôn trọng theo qui luật của hiện thực. Nhưng diễn biến câu chuyện được Trần Thu Hằng dẫn dắt đi theo chiều tốt đẹp như chính cuộc sống hay mới đi theo mong mỏi của chị? 

Người đọc cảm thấy tiếc khi Trần Thu Hằng cố ý lướt nhanh trong sự chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp của các nhân vật như KJuu, Hồng Thắm nên ít sức thuyết phục. Sự đổi đời của nhân vật K Đẹp cũng cần sự lý giải nhiều hơn.

Trần Thu Hằng tỏ ra là một cây bút đã có nghề trong nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết từ bố cục, kết cấu, lớp lang, tình huống. Lối kể chuyện có duyên, lôi cuốn được bạn đọc. Vốn hiểu biết về dân tộc Mạ của chị khá phong phú. Đã có không khí, màu sắc của dân tộc trong các trang viết. Tuy nhiên, đâu đó hình như vẫn cần sự thâm nhập sâu hơn, trực tiếp hơn.

Văn chương viết về đồng bào dân tộc thiểu số ở  Đồng Nai, trước đây có các tác phẩm của nhà văn lão thành Lý Văn Sâm như: Nàng Tchophai, Kòn Trô, Cà Ngá v.v...    Rừng thiêng vẫy gọi là trong số không nhiều những tác phẩm của các tác giả đương đại Đồng Nai viết về đề tài này và đã có những thành công nhất định.

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều