Đã 79 tuổi và vừa trải qua cơn bạo bệnh, ông Lý Văn Dừa - một cán bộ lão thành từng phụ trách công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP. Biên Hòa từ sau ngày giải phóng và có khoảng thời gian khá dài ông trực tiếp làm giám đốc nhà máy đường Tân Thành, hiện đang nghỉ hưu trong ngôi nhà nằm trong hẻm 63 thuộc KP4, phường Quyết Thắng, vẫn rất hào hứng kể chuyện về đất nước, con người Liên Xô mà ông đã có đến 3 năm sống và thực tập. Ông Dừa cho rằng đây là khoảng thời gian đẹp, sống động và có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời ông.
Đã 79 tuổi và vừa trải qua cơn bạo bệnh, ông Lý Văn Dừa - một cán bộ lão thành từng phụ trách công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn TP. Biên Hòa từ sau ngày giải phóng và có khoảng thời gian khá dài ông trực tiếp làm giám đốc nhà máy đường Tân Thành, hiện đang nghỉ hưu trong ngôi nhà nằm trong hẻm 63 thuộc KP4, phường Quyết Thắng, vẫn rất hào hứng kể chuyện về đất nước, con người Liên Xô mà ông đã có đến 3 năm sống và thực tập. Ông Dừa cho rằng đây là khoảng thời gian đẹp, sống động và có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời ông.
|
Ông Dừa đứng giữa, mặc áo sọc ca rô (X). |
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là cách đây đúng 40 năm, vào ngày 6-11-1968, với tư cách là bí thư chi bộ, ông được giao nhiệm vụ thay mặt đoàn công nhân Việt Nam đang thực tập tại nhà máy sản xuất axit sulfuric của Liên Xô đặt tại thành phố Gômen, Bêlarutxi phát biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga (1918-1968) tại hội trường lớn của khách sạn CO)I(. Bài phát biểu ngắn nói lên tình cảm của nhân dân Việt Nam dù đang phải đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi ơn sâu nặng đối với Lênin vĩ đại, với Cách mạng tháng Mười Nga. Đặc biệt, được sự chỉ lối đưa đường của ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga, lãnh tụ Hồ Chí Minh - người cộng sản vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Bí thư chi bộ Hai Dừa còn khẳng định: "Lý tưởng của Cách mạng tháng Mười Nga mãi mãi là niềm tin yêu, hy vọng, là bước tiến hợp quy luật của nhân loại. Lênin đã sớm dự báo là: "Các dân tộc sớm muộn gì cũng sẽ đi tới chủ nghĩa xã hội!".
Bài phát biểu được tất cả cán bộ, công nhân, bộ đội và nhân dân thành phố Gômen tán thưởng nồng nhiệt. Cả ông Lý Văn Dừa và những công nhân Việt Nam đang dự lễ kỷ niệm đều xúc động, phấn khởi. Ông Hai Dừa nhớ lại: "Lúc đó tôi mừng đến hết lớn vì phát biểu bằng tiếng Nga với nội dung như vậy. Cả buổi tối hôm trước, tôi với đồng chí Hồ Tấn Hỉ - Trưởng đoàn công nhân Việt Nam phải vật lộn cả đêm với sách báo Liên Xô và mấy cuốn tự điển. Mới mờ sáng còn phải gõ cửa, nhờ cô giáo Sasa chỉnh lý lại giùm!".
Chuyện này cũng thật là diệu kỳ vì cả ông Trưởng đoàn Tư Hỉ lẫn Bí thư Hai Dừa đều mới học tiếng Nga được 9 tháng. Trong đó có 3 tháng học ở Việt Nam và khi sang đến Bêlarutxi này, được học tập trung thêm 6 tháng tiếng Nga nữa do cô giáo Nga Sasa tận tình chỉ dạy. Đoàn công nhân Việt Nam sang Liên Xô thực tập có tất cả 13 người, sang đến thành phố Gômen vào cuối năm 1967 được chia thành 2 lớp học tiếng Nga. Lớp 6 người của Hai Dừa gồm những cán bộ, công nhân từ 40 tuổi trở lên, được cô giáo Sasa cũng lớn tuổi hướng dẫn. Ngoài giờ học trong lớp, chiều chiều cô còn đưa học viên người Việt Nam đi công viên, dạo phố để thực hành đàm thoại. Hai Dừa đã tận dụng những cơ hội này để giao tiếp và luyện nói tiếng Nga. Những ngày nghỉ cuối tuần, Hai Dừa còn theo những công nhân trong nhà máy về chơi nhà họ ở vùng ngoại ô. Nhưng có một điều ít ai biết là trình độ văn hóa của ông Hai Dừa lúc ấy lại rất thấp. Sinh quán ở xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) trong một gia đình nghèo cư ngụ cạnh vành đai khu rừng Lòng Chảo, tuổi thiếu niên của Hai Dừa hết đi chăn bò lại đi chăn trâu để kiếm sống. Thỉnh thoảng, Dừa ghé qua thầy Huỳnh ở cạnh nhà để học ké, nhờ vậy mà biết đọc, biết viết. Khi Phú Hội bị giặc Pháp đánh chiếm, gia đình Hai Dừa tản cư xuống khu rừng Hang Nai, tối tối cậu thiếu niên hiếu học này mới được ôm vở, xách đèn vào cơ quan xã đội học bổ túc văn hóa. Thế mà với trình độ văn hóa tương đương lớp 3 đó, năm 1959 ông được nhà máy gạch ngói Việt Trì ở tỉnh Vĩnh Phú cho làm kế toán. Và năm sau phải cho về Hà Nội học bổ túc văn hóa công nông. Khi đạt trình độ lớp 8, Hai Dừa được chuyển sang học Trường trung cấp kỹ thuật II Hà Nội. Anh học sinh miền Nam quá... "cứng tuổi" này còn được tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trường. Từ giữa năm 1964, Lý Văn Dừa chính thức trở thành công nhân của nhà máy Supe Lâm Thao. Vào cuối năm 1967, anh công nhân Lý Văn Dừa - một thợ cơ khí sửa chữa giỏi của phân xưởng sản xuất axit sunfuric được nhà máy gọi lên báo cho biết là được chọn đi Liên Xô để đi học và thực tập công nghệ mới về sản xuất axit sunfuric. Hai Dừa là người duy nhất trong nhà máy có đến khoảng 2.000 công nhân đang phải làm 3 ca, 4 kíp này được chọn đi tiếp thu công nghệ mới. Khá bất ngờ, đoàn 13 công nhân Việt Nam được chọn đi Liên Xô thì Trưởng đoàn Hồ Tấn Hỉ (sau giải phóng làm công tác xây dựng, lập Công ty xây lắp 2 của tỉnh Đồng Nai thực hiện việc phá khám đường Biên Hòa xây chung cư cho Sở Xây dựng, xây chợ mới Long Thành...) là người cùng quê Phú Hội và là 2 người miền Nam trong đoàn.
Một ấn tượng không thể nào quên là vào ngày sinh nhật Bác Hồ (sáng ngày 19-5-1968), đoàn công nhân Việt Nam được nhà máy cho nghỉ việc và được đến doanh trại bộ đội Liên Xô ở thành phố Gômen để cùng mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và nghe tin báo quan trọng ở quê nhà: quân dân Việt Nam vừa mở đợt tổng công kích vào khắp các đô thị miền Nam. Tất cả 13 thành viên Việt Nam đều ngỡ ngàng trước diễn biến mau lẹ ở chiến trường quê nhà vì lần đầu tiên được sự chi viện của miền Bắc, quân dân ta đã mở ra cuộc đánh lớn làm rung chuyển dư luận nước Mỹ. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với đoàn công nhân Việt Nam đầu tiên sang thực tập ở Bêlarutxi lúc bấy giờ là nghe tin Bác mất. Ông Hai Dừa nhớ lại: "Vào khuya ngày 2-9-1969 lúc ấy, chúng tôi đều đang ngủ say thì bất ngờ bà cán bộ phụ trách đoàn Việt Nam gọi cửa và thông báo: "Bác Hồ của tụi mầy! Bác Hồ của chúng ta vừa mới mất!".
Cả đoàn Việt Nam chúng tôi vội bật dậy và xúm nhau ngồi khóc như mưa. Đang lúc ấy thì đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva gọi điện xuống hướng dẫn chúng tôi cách thức bày trí làm lễ truy điệu Bác Hồ. Thế là không ai ngủ nữa, mọi người bắt tay vào sắp xếp lại phòng sinh hoạt trong chung cư 5 tầng của nhà máy trở thành nơi tổ chức lễ truy điệu. Chúng tôi ai cũng tự kiếm cho mình một mảnh vải đen để gắn vào cánh tay để tang vị cha già dân tộc. Sáng sớm ngày 3-9, từng đoàn cán bộ, công nhân nhà máy với bó hoa trên tay, ăn mặc nghiêm trang lần lượt tiến vào kính viếng di ảnh Bác Hồ đặt trang trọng bên bàn thờ Tổ quốc! Sau đó ít lâu, phía Liên Xô có làm một tập san chuyên đề về lễ tang Bác Hồ với đầy đủ hình ảnh, di chúc viết bằng tiếng Nga. Mỗi công nhân Việt Nam ở Bêlarutxi đều được một tập san. Tôi đã đọc đi đọc lại tập san này rất nhiều lần và đến nay dù đã 38 năm trôi qua, tôi vẫn luôn mang tập san này theo bên mình và nâng niu, giữ gìn nguyên vẹn!.
Ông Hai Dừa cũng bồi hồi nhớ lại: "Tình cảm của nhân dân Liên Xô đối với người Việt Nam mình hồi đó tốt và quý trọng lắm. Trong nhà máy thì từ Ban giám đốc đến quản đốc cứ thường xuyên gặp gỡ hỏi han công nhân Việt Nam về công việc, cuộc sống. Hàng tuần, nhà ăn của nhà máy còn tổ chức nấu món súp gạo để công nhân Việt Nam đỡ ngán với những món ăn Nga quá béo. Cô giáo Sasa còn xuống tận phòng tụi này xem ăn uống ra sao vào buổi chiều tự túc. Tiền cấp dưỡng sinh hoạt hàng tháng, nhà máy phát cho tụi này cũng khá lắm. Tụi này mua gạo, thịt, rau... về nấu ăn thêm mà ai cũng dư. Hàng tháng tôi còn dư tiền mua thuốc tây gởi về Việt Nam cho vợ bán lấy tiền nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học. Một ấn tượng khó quên nữa, là chính phủ Liên Xô phát động: tháng 8-1968 là tháng ủng hộ Việt Nam. Không khí của nhà máy ở Gômen nơi chúng tôi thực tập cũng sôi sục hưởng ứng bằng những ngày "Chủ nhật đỏ", tham gia "lao động cộng sản". Dĩ nhiên là những công nhân Việt Nam chúng tôi đều hưởng ứng, tham gia hết mình!".
Bùi Thuận