Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa văn hóa - văn nghệ dân gian vào học đường:
Thể nghiệm hứng thú

09:11, 23/11/2007

Nằm trong mô hình thể nghiệm đưa văn hóa - văn nghệ dân gian vào giáo dục học đường, buổi sinh hoạt với chủ đề "Vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam" do Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai phối hợp tổ chức tại Trường THPT Trịnh Hoài Đức (huyện Trảng Bom) vào sáng 17-11 đã thu hút không chỉ học sinh của trường mà còn làm "mê mẩn" tất cả những người dự khán hôm đó.

Tiết mục múa Lý ngựa ô do chính các em học sinh Trường THPT Trịnh Hoài Đức thể hiện.

Nằm trong mô hình thể nghiệm đưa văn hóa - văn nghệ dân gian vào giáo dục học đường, buổi sinh hoạt với chủ đề "Vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam" do Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai phối hợp tổ chức tại Trường THPT Trịnh Hoài Đức (huyện Trảng Bom) vào sáng 17-11 đã thu hút không chỉ học sinh của trường mà còn làm "mê mẩn" tất cả những người dự khán hôm đó.

 

Gây ấn tượng nhất trong toàn bộ buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ dân gian tại trường là tài dẫn chuyện của "MC" tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Đồng Nai. Nếu như kiến thức uyên bác của ông đã cuốn hút và đưa khán giả "du hành" vào thế giới văn hóa dân gian một cách thú vị, thì bên cạnh đó cái "duyên" ăn nói của ông lại như chất xúc tác làm cho không khí của buổi sinh hoạt luôn sinh động, cuốn hút. Một đề tài không mấy dễ thu hút đã được ông thi vị hóa bằng những câu ca dao, hò vè, bằng những câu chuyện về bà Mạnh mẫu 3 lần dời nhà để dạy con là Mạnh Tử, về bà mẹ của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức... thật sống động. Không chỉ thế, người nghe còn được lướt qua những nét đặc trưng văn hóa vùng miền khi nghe ông hát bài chòi - một thể loại hát nói của miền Trung - với các câu như "ối chua choa cái nẫu buồn", "chuột chê lúa lép không ăn, vịt chê mành rách ra nằm bờ tre" bằng chất giọng địa phương rặt của người xứ Quảng, hay khi ông phân tích câu ca dao "Nhà em có bụi mía mưng. Có con chó dữ, anh đừng tới lui", rồi hát cả vọng cổ nữa. Khán giả không kềm được tiếng cười vì thích thú và những tràng vỗ tay tán thưởng cứ vang lên từng chập.

Góp phần làm sinh động cho buổi sinh hoạt và minh họa cho phần "lý thuyết" của tiến sĩ Huỳnh Văn Tới là những tiết mục văn nghệ vui nhộn do Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh phối hợp dàn dựng. Đó là bài dân ca Vợ ơi nói về nỗi khổ của người vợ có chồng là đệ tử lưu linh quanh năm say sỉn đã được NSƯT Trần Đức quần ống thấp ống cao, chân nam đá chân xiêu cất lên bằng cái giọng bét nhè thật hợp tình hợp cảnh. Còn tiết mục múa Lý ngựa ô - minh họa cho phần tình yêu đôi lứa - do chính 2 học sinh của trường biểu diễn thì trong trẻo và dễ thương đến bất ngờ. Đặc biệt, hoạt cảnh Bài học làm quan nói về cách dạy con của bà mẹ xưa đã được dàn dựng thật thâm thúy và đầy tính giáo dục lẫn tính thời sự.

NSƯT Trần Đức, người chịu trách nhiệm đạo diễn và dàn dựng chương trình cho biết, việc các em học sinh tham gia trực tiếp vào chương trình thông qua phần biểu diễn minh họa sẽ khiến các em thêm phần hứng thú khi tìm hiểu những giá trị văn học - nghệ thuật truyền thống, tình yêu cội nguồn dân tộc sẽ sâu sắc hơn khi được tự thể hiện chứ không chỉ là người quan sát ở vai trò khán giả. Em Thân Hoàng Ngọc Tiên, học sinh lớp 12G cho biết, em và các bạn đã nôn nao trông chờ buổi sinh hoạt này hàng tuần nay. Theo em, đây là một chương trình giàu tính nhân văn, rất mới mẻ, thật cuốn hút, lý thú và bổ ích vì sự công phu của những người thực hiện. Với em và các bạn, buổi sinh hoạt không chỉ giúp các em như một buổi học văn mở rộng mà còn giống như một màn biểu diễn sân khấu học đường phong phú.

Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, việc đưa văn hóa - văn nghệ dân gian vào nhà trường ở cấp trung học cơ sở đã được thí điểm nhiều nơi trong tỉnh và được đánh giá rất cao. Nhiều trường ở cấp THPT, cũng đã bắt đầu đưa chương trình này vào sinh hoạt thông qua các dịp lễ. Riêng với Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Chi hội - văn nghệ dân gian tỉnh cũng muốn dành nhiều ưu ái, hỗ trợ về mặt tinh thần cho một đơn vị rất có tâm huyết với việc giáo dục truyền thống cho học sinh. Bên cạnh đó, vì là mô hình trường tư thục nên cơ chế của trường cũng thông thoáng, chủ động hơn trong các hoạt động thực hiện mô hình giáo dục mới. "Cá nhân tôi nhận thấy rằng, cho đến giờ phút này chương trình có thành công hay không không chỉ thể hiện ngay hôm nay, mà là cái cảm xúc, cái hồn dân tộc có đậu lại trong nhân cách, tâm hồn các em sau này hay không. Và tôi tin là có vì không chỉ các em, các thầy cô giáo tích cực tham gia chương trình mà cả các em học sinh ngồi dự khán hôm nay lẫn các bậc phụ huynh cũng rất hào hứng" - tiến sĩ Huỳnh Văn Tới cho biết.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều