"Đám cưới ngày nay không thể thiếu phần biểu diễn của ca sĩ. Đó là khoản "gia vị" làm đậm đà cho buổi tiệc" - một chủ nhà hàng tiệc cưới đã nhận xét như thế. Và vì vậy, mùa cưới cũng chính là mùa làm ăn của ca sĩ chuyên hát đám tiệc.
"Đám cưới ngày nay không thể thiếu phần biểu diễn của ca sĩ. Đó là khoản "gia vị" làm đậm đà cho buổi tiệc" - một chủ nhà hàng tiệc cưới đã nhận xét như thế. Và vì vậy, mùa cưới cũng chính là mùa làm ăn của ca sĩ chuyên hát đám tiệc.
* Buồn vui đời ca sĩ
Ông Nguyễn Phước Long, Phó giám đốc Khách sạn Hòa Bình cho biết, vào cao điểm của mùa cưới như hiện nay, mỗi tháng nhà hàng tổ chức khoảng 40 đến 50 tiệc cưới, và hầu như tiệc nào cũng được yêu cầu phải có ca sĩ biểu diễn. Khi cần tổ chức biểu diễn ca nhạc, đơn vị thường thông qua một đầu mối đại diện - tạm gọi là "bầu sô". Riêng Biên Hòa, hiện có vài "bầu" khá mạnh có thể huy động một lúc hàng chục ca sĩ, như chị Anh Phương ở cư xá Phúc Hải, anh Hùng ở Long Bình Tân... và nếu cần, có thể huy động thêm cả ca sĩ từ TP. Hồ Chí Minh. Chị Phương cho biết, "nguồn" ca sĩ này được tuyển chọn từ các cuộc thi ca nhạc, từ các "lò" âm nhạc hay từ các đoàn nghệ thuật...
Để có thể trở thành ca sĩ biểu diễn tại các nhà hàng tiệc cưới cũng không dễ dàng. Quốc Hưng, một ca sĩ có thâm niên biểu diễn 3 năm trong nhóm của chị Phương cho biết, mỗi tuần em phải luyện thanh ít nhất là 3 buổi, vì nếu cứ ỷ vào chất giọng mà thiếu sự tập luyện, chỉ cần lên hát chừng 2 bài sẽ khản giọng, hết hơi hoặc ít nhất cũng "thở ra khói" ngay. Ấy là chưa kể phải tập vũ đạo, rồi tập những ca khúc mới để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Ca sĩ của nhóm chị Phương nếu là mới phải qua đào tạo khoảng 1 năm mới được đi hát. Cực là vậy, nhưng đời sống và thu nhập của ca sĩ cũng khá bấp bênh. Mỗi một sô diễn tùy theo đẳng cấp và tùy theo sô lớn nhỏ, ca sĩ bình thường chưa có tiếng tăm được nhận thù lao khoảng 60 đến 100 ngàn đồng, còn ca sĩ chuyên nghiệp thì từ 200 đến 300 ngàn đồng. Chừng ấy tiền, nhưng phải lo chi phí đi lại, trang phục biểu diễn, son phấn trang điểm... nên nhiều ca sĩ đã không thể sống được với nghề. Trong số 20 ca sĩ thuộc nhóm của anh Hùng đã có đến 15 ca sĩ phải sống bằng nghề tay trái, như C.H là nhân viên một cơ quan nhà nước, B.H có thêm nghề trang điểm. Ca sĩ Ái Hằng cho biết, hầu hết các ca sĩ hát tiệc cưới vì yêu thích ca hát, xem việc được đứng trên sân khấu biểu diễn - dù là sân khấu nhà hàng - là niềm vui chứ ít ai có thể sống được hoàn toàn bằng nghề này. Cũng có khi ca sĩ tự móc sô lẻ tại các tiệc cưới gia đình, tất nhiên thù lao có cao hơn một chút, nhưng không ổn định so với đi hát cho các bầu sô.
Ca sĩ hát tại các tiệc cưới cũng lắm vui buồn. Có những tiệc thực khách là những người biết thưởng thức âm nhạc và lịch sự vỗ tay động viên sau khi biểu diễn, tàn tiệc có khi còn được "boa" thêm, nhưng cũng có những tiệc ca sĩ hát xong chẳng những không được tán thưởng mà còn phải nghe tiếng huýt sáo đuổi xuống từ những thực khách thiếu văn hóa, hoặc tệ hơn có người còn say xỉn lên kiếm chuyện với ca sĩ. "Nghề này đôi khi vậy đó, nhưng may mắn là tại các nhà hàng lớn thường ít xảy ra tình trạng này" - Ái Hằng cho biết.
* Ca sĩ: ai quản lý?
"Không ai quản lý cả. Chúng tôi tự quản lý với nhau thôi"- ông Hùng cho biết như thế. Cách quản lý của các bầu sô là ca sĩ đăng ký những ca khúc sẽ hát, là những bài nằm trong danh mục được phép biểu diễn của Bộ Văn hóa - thông tin. "Chúng tôi còn làm ăn lâu dài nên phải giữ uy tín chứ, ca sĩ của chúng tôi chưa bao giờ để xảy ra vi phạm" - bà Phương nói. Ông Hùng cho biết thêm, đã có thống nhất từ trước với bên bộ phận âm thanh, nếu có "sự cố" xảy ra thì bộ phận này ngay lập tức sẽ tắt micro để "không gây hậu quả nghiêm trọng". Một số ca sĩ cho rằng: thỉnh thoảng cũng có những vụ vi phạm hát nhạc cấm tại các đám cưới, nhưng thường là do các "ca sĩ vườn" đi hát tự do nên mới dám quậy bạo như vậy, chứ ca sĩ đã nằm trong sự quản lý dù chỉ là của bầu sô thôi cũng không dám "bốc" như thế, vì sẽ bị loại ra khỏi nhóm và vào "sổ bìa đen" hết đường làm ăn ngay. "Trong hợp đồng của Khách sạn Hòa Bình cũng có quy định sẽ cắt hợp đồng nếu phía tổ chức vi phạm như hát những ca khúc không được phép biểu diễn" - ông Long khẳng định.
Theo bà Trần Thị Xinh, Trưởng phòng nghiệp vụ Sở Văn hóa - thông tin, Điều 14 Nghị định 11/CP của Chính phủ có qui định các tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nhằm mục đích phục vụ nội bộ, không có tính chất kinh doanh thì không phải xin phép biểu diễn. Như vậy, các nhóm ca sĩ biểu diễn tại các nhà hàng có thể không phải chịu sự quản lý trực tiếp của các cơ quan chức năng, vì vậy việc có tuân thủ hay không các quy định về biểu diễn chỉ còn tùy thuộc vào tinh thần trách nhiệm của các ông, bà bầu.
Thanh Thúy