Báo Đồng Nai điện tử
En

Phía đời thường bụi bặm
(Đọc tập truyện vừa "Phía sau một khách sạn" của nhà văn Khôi Vũ, Nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2007)

09:10, 26/10/2007

Cuộc sống quanh ta thật muôn màu muôn vẻ, nhiều mảnh đời, nhiều số phận, sang, hèn, hạnh phúc, đau khổ, viên mãn, bất hạnh, v.v... đan xen. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống, lý giải, tả thực hay nghiền ngẫm thì cũng phải đối diện với hiện thực cuộc sống.

Cuộc sống quanh ta thật muôn màu muôn vẻ, nhiều mảnh đời, nhiều số phận, sang, hèn, hạnh phúc, đau khổ, viên mãn, bất hạnh, v.v... đan xen. Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực đời sống, lý giải, tả thực hay nghiền ngẫm thì cũng phải đối diện với hiện thực cuộc sống. Nhà văn Khôi Vũ luôn xác định như vậy. Hơn hai mươi cuốn sách của ông là những mảng hiện thực đời sống được lưu lại bằng văn chương. Sẽ chẳng thể nào khẳng định viết về đối tượng nào, loại nhân vật nào thì sang trọng hơn, dễ " bất tử" hơn. Quyết định là ở cái tầm, cái tâm, cái tài của nhà văn. Viết về một anh nông dân mù chữ tứ cố vô thân ở trong một cái làng khỉ ho cò gáy, một lưu manh nông thôn, một gái giang hồ tứ chiếng, v.v... thế mà ở lại mãi với bạn đọc nhiều thế hệ, vượt ra ngoài tầm biên giới quốc gia, trở thành tài sản văn hóa của nhân lọai như AQ chính truyện của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao, Trà hoa nữ của A. Đuy-ma, v.v...

Chắc nhà văn Khôi Vũ cũng rất yên tâm với những nhân vật ông cho ra đời  lần này. Đó là mảnh đời của những cô gái bia ôm, gái điếm, những lưu manh, bảo kê, phụ nữ tha hóa... trong tập truyện gồm hai truyện vừa: "Phía sau một khách sạn" và "Hợp đồng chăn gối" vừa xuất bản.

Truyện vừa "Phía sau một khách sạn" dẫn người đọc vào thế giới của các cô gái bán hoa ở trong một khách sạn "quốc doanh". Mỗi cô đến với cái "nghề" mạt hạng này bằng nhiều đường. Với Oanh là bỏ nhà lên thành phố bán quán rồi sống chung như vợ chồng với một người đàn ông. Khi biết anh ta đã có vợ, cô lặng lẽ bỏ đi, và rồi quen dần với cái "nghề" này. Với Hằng là bị dượng ghẻ hiếp mang bầu phải phá và bỏ nhà ra đi. Với Hà là sau khi bị lừa gán cho chủ nợ của chồng để "trừ dần" vì anh chồng đánh bài thua cháy túi. Còn có cả tiếp viên trai. Minh ròm, bỏ học giữa chừng, bỏ nhà đi bụi, sa chân vào nghiện ngập rồi tự cai được và về phục vụ ở đây. Ở đây sự thật được phô bày với tất cả vẻ trần trụi của nó: những mánh lới, sắp xếp "làm ăn" đi khách, những trò "cống nộp" nội bộ, những màn đối phó với Đội kiểm tra liên ngành, cảnh những ông chồng trốn vợ đi vui vẻ, v.v...

 Hợp đồng chăn gối là chuyện tình cảm của một cô bé bị bỏ rơi và ân nhân của mình, là "bản hợp đồng" của một thanh niên nhiều sức vóc nguyên là đại ca xóm Lò Heo với một phụ nữ nhiều tiền nhưng khát tình, khát thú vui xác thịt, v.v... 

Nhưng tất cả các câu chuyện không phải chỉ có thế. Ở đây, nhà văn Khôi Vũ đi sâu vào khai thác, phát hiện cái chất người thánh thiện còn sót lại ở những con người mà chúng ta vẫn gọi là "tệ nạn" này. Nhiều người trong số  họ ý thức được rằng cái "nghề", cái công việc mình đang làm là nhơ nhớp, bẩn thỉu và âm thầm theo đuổi giấc mộng hoàn lương. Ngay cả khi hành nghề, có cô cũng muốn mình chỉ thuộc về một ai đó và nguyện "thờ phụng" riêng một người. Cũng có tình yêu nảy nở giữa chốn tưởng rằng chỉ có bán mua, đổi chác, giành giật này. "Đại ca" xóm Lò Heo sau khi giải tán đám lâu la đã được bà chủ "tốt bụng" giúp đỡ vào làm bảo vệ cho một xí nghiệp. Nuôi một cô bé bị bỏ rơi, khi cô gái đến tuổi lấy chồng, ông anh nuôi đã tìm một đám tử tế, tạo điều kiện cho thành vợ thành chồng và luôn theo dõi, trông mong cho em hạnh phúc. Cả người phụ nữ lắm tiền khát tình hay nói đúng hơn là khát xác thịt kia cũng một lúc nhận ra lầm lỗi của mình, tự nguyện chấm dứt bản hợp đồng chăn gối trở về bù đắp cho chồng, v.v... 

Nhưng cũng lắm nẻo đi về. Trong khi người này vừa trở về thì người khác lại bắt đầu lao vào bóng tối. Mặt trái của cơ chế thị trường là vậy. Ánh sáng luôn hiện hữu nhưng chưa thể hết những góc khuất tối tăm.

Cũng có chút băn khoăn: phía "bên kia" xã hội sao có vẻ lành quá, không đáng sợ như ta vẫn hằng nghĩ, như những sự kiện "cộm cán" vẫn thấy hàng ngày trên báo công an? Và con đường trở về của một vài người sao  nhẹ nhàng, đơn giản vậy. Nguyên "đại ca xóm Lò Heo" chỉ thấy nhiều suy tư, dằn vặt, không thấy dấu vết của những năm tháng đã nhuốm bùn?

Vẫn lối viết quen thuộc, cách kể chuyện truyền thống, tập sách không kén độc giả, có thể đến được với số đông bạn đọc. Đây cũng là một chủ trương của nhà văn Khôi Vũ: văn chương phải cần cho mọi người, cần cho nhiều người.

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích