Nhìn chị Ma Ri Yah dịu dàng trong bộ trang phục truyền thống của người Chăm và nghe giọng nói nhỏ nhỏ nhẹ từ tốn của chị, ít ai hình dung đây là một "thủ lĩnh" cừ khôi đã vận động, hướng dẫn cho bà con người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu từ đồng vốn vay được sử dụng có hiệu quả.
Nhìn chị Ma Ri Yah dịu dàng trong bộ trang phục truyền thống của người Chăm và nghe giọng nói nhỏ nhỏ nhẹ từ tốn của chị, ít ai hình dung đây là một "thủ lĩnh" cừ khôi đã vận động, hướng dẫn cho bà con người Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) vượt qua đói nghèo và vươn lên làm giàu từ đồng vốn vay được sử dụng có hiệu quả.
Sinh ra và lớn lên trong cộng đồng người dân tộc Chăm, chị Ma Ri Yah may mắn sau khi tốt nghiệp phổ thông được gia đình tạo điều kiện cho tham gia công tác đoàn thể, vì theo phong tục tập quán, người dân tộc Chăm sống có phần khép kín, nhất là phụ nữ. Thường được đi đó đi đây, nên chị chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp 4 rất bức xúc trước cảnh làm nông lạc hậu xưa bày nay vẽ của bà con mình. Quanh năm bán lưng cho đất, bán mặt cho trời mà năng suất trồng lúa rẫy của bà con ở đây chỉ đạt chừng 1 tấn/hécta. Cái khó bó cái khôn, cộng đồng người Chăm ở ấp 4 của chị có 348 hộ thì đã hết 185 hộ nghèo, cái nghèo kéo theo lạc hậu yếu kém mãi như cái vòng lẩn quẩn không sao thoát ra được. Muốn thoát nghèo phải tìm cách chuyển đổi phương thức sản xuất trồng trọt kết hợp với chăn nuôi làm kinh tế phụ gia đình, cái khó là bà con còn thiếu vốn và thiếu kinh nghiệm. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, chị Ma Ri Yah đã thành lập tổ phụ nữ tương trợ, vận động bà con hộ nghèo tham gia, tình nguyện đứng ra quản lý vốn và hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn sao cho có hiệu quả. Đầu năm 2003, 2 tổ vay vốn gồm 34 hộ nghèo được vay từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với mức vay 3 triệu đồng/hộ (theo chương trình vốn ủy thác giữa ngân hàng và Hội Phụ nữ). Hội còn hỗ trợ mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con chăn nuôi gà, vịt đẻ. Bình quân mỗi gia đình nuôi khoảng 100 con, trừ chi phí mỗi hộ còn lãi khoảng 600.000-700.000 đồng/tháng. Đến năm 2004-2005, do ảnh hưởng của dịch cúm gà, việc chăn nuôi có phần chựng lại nên chị Ma Ri Yah cùng bà con đã kịp thời chuyển sang nuôi bò sinh sản. Bò nuôi một năm sinh được bê con là bà con đã có trong tay khoảng 9 triệu đồng. Nhận thấy việc chăn nuôi của tổ vay vốn phát triển tốt nên bà con tin tưởng tham gia ngày càng nhiều, hiện đã có 3 tổ với 100 hộ vay bình quân 8 - 9 triệu đồng/hộ. Chị cũng thường xuyên vận động bà con trao đổi cách làm ăn, kinh nghiệm chăn nuôi cũng như tham dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vì thế đàn bò của ấp 4 phát triển rất tốt, từ 52 bò mẹ ban đầu đã tăng lên đến 73 con. Có 23 hộ vay vốn đã vượt nghèo lên diện khá, các hộ còn lại cơ bản đời sống cũng bớt phần khó khăn. Chị Ma Ri Yah còn vận động 42 hội viên Hội Phụ nữ ấp lập tổ phụ nữ tiết kiệm tương trợ với số vốn 2 triệu đồng dành giúp chị em vay buôn bán nhỏ, làm kinh tế phụ gia đình.
Với tấm lòng vì bà con trong cộng đồng, chị Ma Ri Yah không những tạo thêm thu nhập cho gia đình mình mà còn tạo hướng cho bà con vượt nghèo. Nữ thủ lĩnh chi hội phụ nữ ấp 4 ấy còn được bà con tín nhiệm bầu vào Hội đồng nhân dân xã Xuân Hưng.
Thanh Thúy