Báo Đồng Nai điện tử
En

"Giấc mơ Chapi" của Nguyễn Ngọc Thuần

09:10, 26/10/2007

Một vóc dáng rắn rỏi đầy nam tính, một tính cách cởi mở, thân thiện và chân thành nhưng lại thêm một chút u uẩn gợn lên trong đôi mắt, đó là chân dung của Nguyễn Ngọc Thuần, người vừa giành giải nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Đồng Nai 2007 vừa qua.

Nguyễn Ngọc Thuần tại cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Đồng Nai 2007.

Một vóc dáng rắn rỏi đầy nam tính, một tính cách cởi mở, thân thiện và chân thành nhưng lại thêm một chút u uẩn gợn lên trong đôi mắt, đó là chân dung của Nguyễn Ngọc Thuần, người vừa giành giải nhất trong cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Đồng Nai 2007 vừa qua.

 

Tuổi thơ của Thuần quẩn quanh buồn tẻ ở vùng La Ngà (huyện Định Quán). Bởi nhà Thuần nghèo quá, nội chuyện lo cho đàn con 4 đứa ăn học cũng đã quá vất vả đối với những người chỉ sống bằng nương rẫy như ba mẹ Thuần, nói gì đến chuyện cho con học nhạc, học hát, chuyện "phát hiện", "bồi dưỡng" năng khiếu như trẻ con thành phố. Thuần cứ thế lớn lên, cái tính thích hát, hay hát chỉ để dành biểu diễn trong trường học với khán giả là thầy cô, bạn bè. Học hết phổ thông, Thuần ở nhà phụ việc buôn bán với người dì, không ước mơ, không hoài bão gì về giọng hát của mình. Thế rồi cơ hội đã gõ cửa rất khẽ với Thuần: gặp được thầy Duy Thái, giảng viên thanh nhạc Trường văn hóa nghệ thuật Đồng Nai trong cuộc thi hát cấp huyện năm 2004. Thấy cậu học trò cao đến 1,81m và đen nhẻm này có tố chất âm nhạc tốt, thầy đã khuyên Thuần nên học bài bản về thanh nhạc. Nghe lời thầy, Thuần thi và đỗ vào khoa thanh nhạc của trường. Đó là bước ngoặt nhỏ, nhưng mang tính quyết định rất lớn đối với Thuần.

Rời quê lên Biên Hòa học, mang theo ước mơ được đứng trên sân khấu ca nhạc, Thuần đã rất chật vật để có thể đeo đuổi nó. Để có tiền cho Thuần đi học, đêm nào ba mẹ em cũng thức đến tận khuya để làm thêm hàng đan lát, chị ba của em thì ngày ngày còng lưng bên chiếc máy may chắt bóp dành dụm từng đồng, đợi đến cuối tuần Thuần về lại nhét vào túi em trai. Nhận những đồng tiền ấy, nhiều lần Thuần đã ứa nước mắt vì đó là mồ hôi nước mắt, là yêu thương, là kỳ vọng mà gia đình đã gửi gắm vào em. Đó cũng chính là động lực nhắc nhở, thúc đẩy Thuần luôn phải nỗ lực vươn lên.

Mỗi tuần, Thuần có 3 buổi học luyện thanh với thầy Thái, chỉ khoảng 15-20 phút nhưng em thường luyện đến đau khản cả cổ để có được những âm vực cao, rộng hơn, đầy hơn. Luyện với thầy chưa đủ, mỗi ngày Thuần còn tranh thủ tập thêm lúc... đi tắm khiến bạn bè chung ký túc xá "rủa xả" ầm ầm và chọc ghẹo gọi nhà tắm là "phòng thu âm" của Thuần. Đến năm 2005, Thuần được giải nhất trong cuộc thi Tìm kiếm giọng hát trẻ tại câu lạc bộ Sông Phố và từ đó, em bắt đầu tự kiếm tiền bằng vào việc nhận hát tại đây vào dịp cuối tuần. Cũng từ cuộc thi này, Thuần may mắn được gặp nhạc sĩ Vũ Đan Huyền, lúc ấy đang là trưởng đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai. Thầy Hai - theo cách gọi của Thuần, khuyến khích em cộng tác đi diễn với đoàn, vừa có dịp để em rèn luyện giọng hát và phong cách biểu diễn, vừa "kiếm thêm" để chi tiêu cá nhân đỡ gánh nặng cho gia đình.

Năm 2006, Thuần dự thi Tiếng hát Truyền hình Đồng Nai nhưng chỉ vào được đến vòng chung kết. Thất bại không làm em nản chí mà là dịp để Thuần nhìn ra thế mạnh, điểm yếu của mình. Thế mạnh của Thuần, đó là dòng nhạc rock. Năm 2007, Thuần lại quyết định tham gia cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Đồng Nai. Ở vòng bán kết, ca khúc Giấc mơ Chapi cũng chỉ giúp Thuần xếp hạng thứ 7 so với 11 thí sinh khác. Nhưng trong đêm chung kết khi thể hiện ca khúc rock Người đàn bà hóa đá của Trần Lập, Thuần như quên hết, chỉ thấy đam mê, hứng khởi đến tột cùng. Chính tính cách đầy "máu lửa" ấy đã giúp Thuần đăng quang một cách xứng đáng.

Trở về sau cuộc thi, sau niềm vui ngây ngất đến mức tiêu sạch số tiền thưởng vào việc "rửa giải nhất" với người thân, bạn bè, Thuần lại trở về với lịch học hành, tập luyện của một sinh viên năm thứ ba.

Ước mơ lớn nhất của Thuần bây giờ là có thể được sống với nghề, được hát và kiếm đủ tiền để lo cho gia đình. "Giấc mơ Chapi" của Thuần không chỉ có 2 người, mà có tất cả 5 thành viên trong gia đình nhỏ bé của em. Ở nơi đó, mọi người đều yêu thương, nhường nhịn và hy sinh vì nhau.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều