Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện văn hóa: Văn hóa giao thông

10:10, 08/10/2007

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 quy định một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Theo đó, từ ngày 15-12-2007 tất cả mọi người khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy trên mọi tuyến đường đều phải đội nón bảo hiểm.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 quy định một số giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Theo đó, từ ngày 15-12-2007 tất cả mọi người khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy trên mọi tuyến đường đều phải đội nón bảo hiểm. Những ngày này,trong các cửa hàng bán nón bảo hiểm ở Biên Hòa nhiều khách hàng đứng trước một "rừng" nón, phân vân không biết nên chọn chiếc nào. Cố nhiên, ai cũng muốn chọn cho mình một chiếc nón tốt, đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng. Nhưng với nhiều người, đặc biệt với chị em phụ nữ, chiếc nón bảo hiểm phải có mẫu mã đẹp để dù có là "nồi cơm điện" thì khi đội vào, trông họ cũng không đến nỗi... quá tệ. Điều đó cho thấy hầu hết mọi người đều quan tâm đến "cái đẹp" - một yếu tố văn hóa khi chọn mua nón bảo hiểm, trong khi đó không mấy người để ý đến "văn hóa giao thông" của mình.

Nhìn ra thế giới, ta thấy ở các nước phát triển rất ít xe máy, người dân di chuyển chủ yếu bằng ô tô, xe công cộng, xe đạp và đi bộ. Còn ở Việt Nam, cấu trúc đô thị, đường sá, nhà cửa rất phù hợp cho việc di chuyển bằng xe hai bánh. Thêm vào đó, Việt Nam chưa có nhiều phương tiện giao thông công cộng, các vỉa hè lại bị chiếm dụng để buôn bán khiến khách bộ hành không có lối đi. Nhưng hiện trạng giao thông ở nước ta không phải do các nguyên nhân khách quan mà chủ yếu do thói quen giao thông của người Việt Nam quy định. Có thể nói, từ khi xe máy trở nên phổ biến, ai nấy đều... ngại đi xe đạp, càng ngại đi bộ. Nói không ngoa, một bước cũng phải lên xe máy. Nhiều người hễ lên xe là rồ ga "vù" bạt mạng, bất kể đèn xanh đèn đỏ. Hiện tượng lạng lách, leo lên lề, đi ngược chiều, chở ba chở tư, tiện đâu dựng xe đấy, bấm còi inh ỏi, bất ngờ rẽ ngoặt... có thể bắt gặp ở bất kỳ tuyến đường nào. Ngay cả khi buộc phải đội nón bảo hiểm thì nhiều người cũng để quai nón lòng thòng không cài, tức là chỉ thực hiện một cách chiếu lệ, đối phó. Không chịu kém cạnh, các "bác tài" phương tiện thô sơ như xe đạp, xe ba gác, xe đẩy, thậm chí cả người đi bộ, gánh gồng... cũng vội vã "giành đường, vượt ẩu" theo cách của mình. Tóm lại, mỗi ngày có 101 hành vi giao thông "phản văn hóa" diễn ra khiến cho người yếu bóng vía, nhất là khách nước ngoài nhìn mà... đổ mồ hôi hột. Chính thói quen đi lại chỉ cần "được việc mình" không màng đến hậu quả khiến giao thông ở nước ta rất lộn xộn - nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Thời gian gần đây, người dân đã có động thái chuẩn bị chấp hành nghị quyết của Chính phủ nhưng vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về việc đội nón bảo hiểm. Chẳng hạn, nón bảo hiểm sử dụng đại trà sẽ giảm mỹ quan đô thị, nhất là vào giờ tầm, các thành phố đông dân cùng lúc có hàng ngàn "nồi cơm điện" chen vai thích cánh. Ngoài ra, những nhà tạo mốt cũng khó thoải mái khi kết hợp trang phục veston, áo dài, đồ đầm, đồ kiểu... với chiếc nón bảo hiểm (!). Tuy nhiên, trong cuộc "cách mạng"  loại bỏ những thói quen chưa văn minh, để được cái lớn, ta phải chấp nhận "hy sinh" cái nhỏ.

Quy định đội nón bảo hiểm thật ra chỉ nhằm hạn chế chấn thương sọ não cho người đi xe máy chứ không có tác dụng giảm tai nạn giao thông. Muốn giảm tai nạn giao thông cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông là then chốt. Nói cách khác, muốn giảm tai nạn thì mỗi người phải thay đổi thói quen, hành vi giao thông, tức là phải nâng cao trình độ "văn hóa giao thông"của mình. 

 Sau Nghị quyết 32, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14-9-2007 gồm 5 chương, 57 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nghị định 146 nếu được thực thi nghiêm túc chắc chắn sẽ góp phần điều chỉnh, uốn nắn hành vi giao thông của cộng đồng. Nhưng để các văn bản pháp quy thật sự đi vào đời sống, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên nhiều "kênh" thông tin, dưới nhiều hình thức, đến từng người, từng nhà. Vừa qua Liên đoàn lao động tỉnh, Hội Nông dân, các trường học... đã tổ chức các lớp tập huấn, các hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ cho đối tượng công nhân viên chức, nông dân, học sinh... Những hoạt động này cần được mở rộng hơn, cho nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là dân lao động. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng nên có giải pháp tăng cường phương tiện giao thông công cộng, mở nhiều tuyến phố đi bộ, quy định các đường cấm xe máy, xe ô tô, giải tỏa "đường thông hè thoáng"... nhằm khuyến khích người dân giảm lưu thông bằng xe gắn máy, tăng đi bộ và đi xe đạp. Đương nhiên, tuyên truyền, giáo dục phải gắn với chế tài, xử phạt thích hợp nhằm tạo thói quen tốt cho cộng đồng. Chúng ta đã và đang hội nhập với thế giới trên mọi lĩnh vực, chẳng lẽ cung cách giao thông vẫn "không giống ai", dù nó gây ra rất nhiều hệ lụy...

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích