Cộng đồng người khiếm thính với những hạn chế về ngôn ngữ và giao tiếp sẽ hội nhập xã hội như thế nào là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Tiếng nói của thế giới im lặng" do Chương trình khuyết tật và phát triển - Disability resource and development (DRD) phối hợp với Trường đại học mở TP.Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 7-10.
Cộng đồng người khiếm thính với những hạn chế về ngôn ngữ và giao tiếp sẽ hội nhập xã hội như thế nào là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Tiếng nói của thế giới im lặng" do Chương trình khuyết tật và phát triển - Disability resource and development (DRD) phối hợp với Trường đại học mở TP.Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 7-10.
"Hơn 1 triệu người khiếm thính đang ở xung quanh chúng ta cũng học tập, làm việc, tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng. Nhưng họ sống và làm việc ra sao trong điều kiện rất hạn chế về ngôn ngữ và năng lực giao tiếp?" - thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc chương trình DRD mở đầu hội thảo bằng câu hỏi này như khơi được sự chia sẻ của nhiều người. Chính thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến cũng là người khuyết tật (bị liệt chân sau một cơn sốt) nhưng chị cho rằng, cộng đồng người khuyết tật đã nhìn nhận người khiếm thính là nhóm chịu nhiều thiệt thòi nhất. Bởi tuy nhìn ngoài lành lặn nhưng người khiếm thính lại gặp nhiều khó khăn nhất do khả năng giao tiếp hạn chế: không nói được, không nghe được.
Những ý kiến tại hội thảo xoay quanh những khó khăn mà không chỉ người khiếm thính mà cả cộng đồng người khuyết tật thường gặp phải là bị phân biệt đối xử; tự ái mặc cảm mình là người khuyết tật. Cộng đồng này rất cần sự hỗ trợ nhưng lại không muốn bị lệ thuộc, thương hại. Họ thiếu thông tin về cộng đồng người khuyết tật và không khuyết tật, sức khỏe giới hạn dẫn đến thiếu tự tin và thiếu kỹ năng sống và giao tiếp xã hội.
"Không nghe thấy, không nói được nhưng chúng tôi không muốn sống phụ thuộc, bị đối xử như những đối tượng của sự từ thiện và lòng bác ái" - chị Lê Kiều Phượng bộc bạch bằng cử chỉ ngôn ngữ. Chị Phượng là một trong số rất ít người khiếm thính thạo sử dụng máy tính cho việc soạn thảo văn bản, nhập dữ liệu nhưng chị khá vất vả trong việc xin việc. "Người sử dụng lao động không đánh giá chúng tôi qua việc làm, năng lực và sản phẩm. Nhưng tôi có thể chứng minh khả năng của mình để thụ hưởng đồng lương tương xứng, cho dù công sức chúng tôi bỏ ra nhiều hơn một lao động bình thường nhưng thu nhập có thể ít hơn".
Khó khăn trên đường mưu sinh là vấn đề chung của xã hội, nhưng người khiếm thính sẽ phải vất vả hơn nhiều do không nhận biết những ưu điểm và hạn chế của mình, thiếu kiến thức và kỹ năng, không biết nắm bắt cơ may, linh hoạt và nỗ lực. Nhìn nhận của anh Hoàng Ngọc Linh có lạc quan và quyết tâm "đi bằng chính đôi chân mình" thật ra không hẳn không có cơ sở bởi đã có không ít người khiếm thính tìm được công việc, hạnh phúc. Anh Linh nhấn mạnh, người khiếm thính cần nhận thức việc học tập, hướng nghiệp, học nghề là cần thiết và phải thoát khỏi tâm lý là đối tượng khuyết tật, phải được xã hội đối xử khác. Do đó, chính người khiếm thính sẽ phải thay đổi hình ảnh người khiếm thính trong mắt xã hội. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc xã hội phải công bằng với họ trong nhiều vấn đề: chia sẻ khó khăn, đón nhận sự hòa nhập, tạo công ăn, việc làm.
Dù đã tổ chức nhiều buổi hội thảo dành cho người khuyết tật nhưng thạc sĩ Võ Hoàng Yến, giám đốc chương trình (DRD) cũng không ngờ rằng buổi hội thảo "Tiếng nói của thế giới im lặng" lại thu hút nhiều đối tượng quan tâm đến thế. Không chỉ người khiếm thính đến từ các tỉnh, thành mà còn có đại diện nhiều tổ chức xã hội, đặc biệt là các nhà tuyển dụng lao động... sẵn sàng lắng nghe đại diện của gần 1 triệu người thuộc "thế giới im lặng" lên tiếng. Là người khởi xướng và điều phối các chương trình DRD, chị Yến cho rằng nhóm các vấn đề cần được đẩy mạnh nhằm tác động và thay đổi hiện trạng người khuyết tật hiện nay là các vấn đề về việc làm với người khuyết tật, rèn luyện nhân cách, lối sống, bồi dưỡng tâm hồn, rèn luyện kỹ năng xã hội để có thể mở rộng mối quan hệ và biết tận dụng sự trợ giúp của Nhà nước, của cộng đồng, rèn luyện kỹ năng sống độc lập, tư vấn về sức khỏe, sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trẻ em...
Bùi Nguyễn