Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuân Lộc những ngày hào hùng

09:09, 21/09/2007

Vào lúc 1 giờ sáng ngày 23-9-1945, quân Pháp bất ngờ đánh úp UBND Nam bộ và trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc ở Sài Gòn. Chỉ vài phút sau đó, Xứ ủy và UBND Cách mạng Nam bộ triệu tập hội nghị liên tịch bất thường và ra quyết định kêu gọi nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống kẻ thù gây lại chiến tranh xâm lược.

Vào lúc 1 giờ sáng ngày 23-9-1945, quân Pháp bất ngờ đánh úp UBND Nam bộ và trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc ở Sài Gòn. Chỉ vài phút sau đó, Xứ ủy và UBND Cách mạng Nam bộ triệu tập hội nghị liên tịch bất thường và ra quyết định kêu gọi nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống kẻ thù gây lại chiến tranh xâm lược.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi, cả vùng đất Xuân Lộc (tên gọi bao gồm vùng đất Xuân Lộc, Long Khánh, Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú ngày nay) bừng bừng khí thế tiến công. Từ thị trấn đến các sở cao su lẫn buôn làng, thanh niên công nhân, nông dân trang bị tầm vong, kiếm, súng săn... kéo nhau lên xe lửa tiến về Sài Gòn. Đặc biệt, một lực lượng thanh niên người dân tộc Châu Ro, STiêng khoảng 30 người với cung ná, xà gạc trên tay được thủ lĩnh Điểu Xiển cầm đầu cũng đeo theo xe lửa rồi dẫn bộ đến Hàng Xanh.

Đoàn quân Nam tiến do Trung ương cử vào cũng đã đến Xuân Lộc. Thế là từ huyện đến xã, ban tiếp tế được lập ra và người dân Xuân Lộc trẻ, già, trai, gái đều hăng hái mang lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội. Ở các sở cao su Suối Tre, Hàng Gòn, công nhân vét các kho gạo và bắt cả bò để đãi bộ đội Nam tiến. Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam bộ quyết định đặt Ủy ban tiếp tế Nam bộ tại Xuân Lộc.

Lúc này, Đảng bộ Xuân Lộc chỉ mới có 7 đảng viên, gồm: Lê Văn Vận, Lê Hữu Quang, Lê Ngọc Liệu, Nguyễn Thành Danh, Huỳnh Công Mật (người Chơ Ro), Nghệ, Xê. Còn Mặt trận Việt Minh thì có các ông: Đỗ Mục, Hồ Tấn Trai và cô Dung, cô Ngọc. Mặt trận Việt Minh tỉnh liền cử đồng chí  Ngô Tiến và đồng chí Tư tăng cường cho Xuân Lộc. Nhờ đó, tổ chức Mặt trận Việt Minh nhanh chóng phát triển ở huyện, xã. Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Công đoàn cũng được xây dựng và củng cố mạnh ở các đồn điền cao su. Mặt trận Việt Minh Xuân Lộc còn đi vào vùng đồng bào các dân tộc để phát triển lực lượng.

Ngày 25-10-1945, được quân Anh mở đường, giặc Pháp dồn lực lượng phá được vòng vây Sài Gòn, chiếm Biên Hòa rồi đánh ra Trảng Bom, Dầu Giây, chiếm ngã ba đường 1, đường 20 (nay là quốc lộ 1 và quốc lộ 20).

Ngày 30-10-1945, quân Anh hành quân cơ giới, yểm trợ quân Pháp đánh Xuân Lộc. Ở núi Thị, quân Pháp bị dân quân Xuân Lộc chận đánh nên không tiến được phải nhờ quân Nhật hộ tống và tìm đường vòng mà tiến. Tại thị trấn Xuân Lộc và Bình Lộc, quân dân Xuân Lộc chận đánh địch rất kiên cường tuy bị tiêu hao lực lượng, mất cả vũ khí, tài liệu, nhưng vẫn chận đứng được quân địch, buộc định phải rút lui.

Đầu năm 1946, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn, sử dụng xe thiết giáp, cơ giới với trên 1.000 quân tiến công Xuân Lộc. Trận chiến đấu hết sức quyết liệt, diễn ra trên các tuyến An Lộc, Suối Tre, Xuân Lộc, Bàu Trâm, Bàu Sao, ngã ba Tân Phong, Hàng Gòn kéo dài suốt ba ngày. Sau cùng, bộ đội Nam tiến cùng một lực lượng nhỏ bộ đội miền Đông Nam bộ đành rút ra Bình Thuận. Lực lượng vũ trang huyện Xuân Lộc cùng các ủy viên, UBND huyện rút về Thọ Vực, sông La Ngà.

Sau đó, quân Pháp lại tăng cường sức ép về quân sự làm cho lực lượng vũ trang huyện bị tổn thất. Khoảng 30 chiến sĩ được lệnh rút ra Bình Thuận để gia nhập vào bộ đội Bình Thuận. Cán bộ UBND và Mặt trận Việt Minh huyện cũng phân tán ra Bình Thuận. Xuân Lộc chỉ còn một số đảng viên như Lê Văn Huấn, Lê Ngọc Liệu, Ngô Tiến, Tôn Quang Hảo, Nguyễn Văn Tạo về trụ lại Rừng Lá. Tại các sở cao su, tình hình hết sức phức tạp. Các chủ sở theo chân quân Pháp trở lại đồn điền thì phần lớn công nhân đã bỏ việc. Lớp gia nhập bộ đội, lớp kéo vào rừng tham gia du kích. Bọn chủ Sở lại cầu cứu quân Pháp mở các cuộc bố ráp, khủng bố công nhân. Bị phản ứng, giặc điên cuồng tàn sát, cùng một lúc gần 100 công nhân ở An Lộc bị chúng bắn chết đem chôn chung vào hai hầm ở làng B. Quân Pháp lại tiếp tục lùng bắt các thanh niên công nhân lánh ra vùng Suối Tre, Bàu Cao. Tên chủ sở cao su An Lộc liền tập trung dân cạo mủ tại sân bóng đá để xem chúng hành hình 7 thanh niên vừa bị bắt. Trước họng súng kẻ thù, Lê Hữu Quang hô vang: "Đả đảo thực dân, Việt Nam độc lập".

Ngay ngày hôm sau, tên  Đờviê - chủ đồn điền cao su Dầu Giây đưa công nhân Phạm Văn Phú ra bắn để thị uy với công nhân. Phạm Văn Phú là... "công nhân áo trắng" vì anh là tín đồ Thiên chúa, học nhạc ở trường dòng, được bọn chủ Pháp tín cẩn. Thế nhưng tên chủ buộc anh từ bỏ kháng chiến để trở lại làm việc không được. Trước lúc bị bắn, anh nói với vị linh mục đến rửa tội: "Tôi thà chịu đóng đinh trên cây thánh giá, chứ không bao giờ đầu hàng quân xâm lược". Tại sở cao su Bình Lộc, bọn Pháp vây bắt được ông Hồ Nguyên là một trí thức Việt Nam được chúng cử làm Giám đốc Sở thí nghiệm nông lâm Trảng Bom. Đã không chịu trở lại làm việc, ông Hồ Nguyên còn khẳng khái vạch mặt bọn cướp nước.

Tại khu vực Rừng Lá, quân Pháp đã phục kích bắt được đảng viên Điểu Xiển - đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Biên Hòa. Chúng dụ dỗ hứa phong chức quận trưởng Xuân Lộc cho Điểu Xiển nếu người đảng viên Chơ Ro này đồng ý hợp tác. Nhưng khi nghe Điểu Xiển hiên ngang tuyên bố: "Tao không đầu Tây. Tao thà chết tại đây", chúng điên cuồng cột Điểu Xiển vào sau xe Jeep kéo chạy khắp vùng. Thương tiếc đồng chí Điểu Xiển, căm thù giặc Pháp, đồng bào dân tộc Chơ Ro ở Xuân Lộc cắt máu ăn thề, đồng lòng đổi họ Điểu lấy họ Hồ - họ Nguyễn Ái, quyết theo chí hướng Bác Hồ. Giặc Pháp lập lại các ban tề, tổ chức lính huyện, lính làng và ra sức đàn áp, khủng bố rất dã man. Nhưng cả gia đình bà Nguyễn Thị Vỹ ở thị trấn Xuân Lộc, bà Năm Xã, ông Giáo Dẹo ở Hàng Gòn, ông Hai Lục ở Ruộng Tre, bà Lộc ở Bảo Vinh, sư ông Huỳnh Tạ ở núi Chứa Chan, ông Phạm Lương Mưu ở Bảo Chánh... vẫn bí mật tiếp tế, cung cấp tin tức cho cán bộ và các nhóm thanh niên, công nhân vũ trang bám vùng kháng chiến.

Bùi Thuận

(Nguồn: Lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Xuân Lộc - NXb Đồng Nai, 1985).

Tin xem nhiều