Báo Đồng Nai điện tử
En

Tấm lòng của mẹ

09:09, 07/09/2007

Nhìn trong danh sách những nhà từ thiện đóng góp cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh, những người trong Hội không khỏi bất ngờ và đầy xúc động khi thấy tên Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tình, Nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) bởi hàng năm Nhà nước và các tổ chức vẫn đóng góp chăm sóc, phụng dưỡng mẹ.

Nhìn trong danh sách những nhà từ thiện đóng góp cho Quỹ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh, những người trong Hội không khỏi bất ngờ và đầy xúc động khi thấy tên Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tình, Nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ (xã Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa) bởi hàng năm Nhà nước và các tổ chức vẫn đóng góp chăm sóc, phụng dưỡng mẹ.

 

Tìm đến với mẹ vào một buổi chiều, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một cụ già đang ngồi chắp những mảnh vải vụn. Với cây kim nhỏ trong tay, mẹ đang ngồi may áo gối để tặng cho những người con đến thăm. Tuổi 91 đã không làm cho đôi mắt mẹ kém đi mà ngược lại đôi mắt mẹ rất tinh anh. Các chị trong Nhà nuôi dưỡng kể, vào buổi tối, mẹ vẫn ngồi xâu kim may áo gối, bao nhiêu năm nay chưa một lần mẹ  kêu đau nhức mắt và chưa phải dùng kính. Hàng ngày mẹ đi bộ ra hiệu may ở đầu hẻm hoặc có khi nhờ các chị điều dưỡng ra đó xin cho mẹ ít vải vụn để về may áo gối. Khi hỏi mẹ may áo gối làm gì? Mẹ cười rất hiền từ, nói: "Tao may để tặng chứ không bán đâu. Giờ ai hỏi mua tiền trăm tao cũng không bán. Để cho mấy đứa vào chơi. Mốt tao có chết tụi nó có thứ làm kỷ niệm". Trước đây khi còn khỏe, thỉnh thoảng mẹ gói và nấu bánh tét cho khách đến ăn hoặc là cho mọi người trong khu nhà. Hàng ngày mẹ vẫn thường tự nấu ăn, quét dọn nhà cửa, chứ ít khi mẹ nhờ mấy cô phục vụ.

Chiến tranh đã cướp đi người chồng và người con duy nhất của mẹ. Giờ đây, một mình sống trong căn nhà tình nghĩa cùng với những người đồng cảnh ngộ, mẹ vẫn luôn cố gắng tự chăm sóc lấy bản thân. Mẹ rất thương người và thích làm từ thiện. Trong những năm trước đây, mỗi lần nghe tin ở vùng quê nào đó đồng bào đang khó khăn vì bị thiên tai, bão lụt là mẹ lại một mình lặn lội tìm đến các cơ quan để đóng góp chút tiền nhỏ nhoi của mình giúp đỡ bà con. Gần đây không còn khỏe thì mỗi lần coi tivi, nghe các cô điều dưỡng trong trung tâm đọc báo kể lại thì mẹ lại trích một phần tiền trợ cấp ít ỏi mà hàng tháng mẹ vẫn dành dụm ra để nhờ các cô đem đi gửi hộ mẹ. Suy  nghĩ của mẹ thật giản đơn,  giờ mẹ đã có Nhà nước nuôi, hàng tháng có tiền ăn, tiền sinh hoạt, thỉnh thoảng các con của mẹ từ khắp mọi nơi  vẫn đến thăm hỏi, như thế là mẹ vui sướng, đầy đủ lắm rồi, còn người ta khó khăn khổ sở như vậy, mình giúp được chút nào hay chút đó. Đó là cả tấm lòng của mẹ dành cho những người khó khăn nghèo khó.

Mẹ kể, ngày xưa mẹ nghèo lắm. Chồng mẹ đi kháng chiến, một mình ở nhà nuôi con nhỏ, tham gia cách mạng nhưng mẹ vẫn thường giúp đỡ bà con chòm xóm xung quanh. Mẹ cười móm mém nói với chúng tôi, ngày xưa sống tình nghĩa lắm. Con mẹ có khi nằm đói cả ngày nhưng có miếng cháo là cũng đem cho con hàng xóm một nửa.

Hòa bình lặp lại, mẹ sống trong sự đùm bọc, yêu thương của bà con chòm xóm. Đến năm 2004, mẹ được các chị trong khu nhà nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ  đón về ở. Cuộc sống bây giờ của mẹ thảnh thơi, an nhàn nhưng mẹ vẫn không ngừng làm công tác từ thiện. Nhận 100 ngàn đồng của mẹ mà những người trong Hội Nạn nhân chất độc da cam xúc động vô cùng vì đó là một món quà vô cùng quý giá, giá trị của nó không chỉ là 100 ngàn đồng mà còn lớn hơn con số đó rất nhiều lần. Đó là cả tấm lòng của một người mẹ trọn đời vì nước, vì những người nghèo khổ, khó khăn...

 Vũ Hương

Tin xem nhiều