Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp có quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Lực lượng quân Pháp có trên 6.000 tên gồm hai đại đội quân viễn chinh, những tù binh Pháp mới được Nhật thả ra và một số thường dân Pháp được quân Anh trang bị vũ khí. Thực dân Pháp đã dựa vào hơn một vạn quân Anh mưu toan đánh chiếm và bình định Nam bộ trong 4 tuần lễ, rồi dùng Nam bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp có quân Anh giúp sức đã trắng trợn gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Lực lượng quân Pháp có trên 6.000 tên gồm hai đại đội quân viễn chinh, những tù binh Pháp mới được Nhật thả ra và một số thường dân Pháp được quân Anh trang bị vũ khí. Thực dân Pháp đã dựa vào hơn một vạn quân Anh mưu toan đánh chiếm và bình định Nam bộ trong 4 tuần lễ, rồi dùng Nam bộ làm bàn đạp đánh chiếm cả Việt Nam và Đông Dương.
Thế là chỉ ba tuần lễ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đế quốc Pháp, kẻ đã đầu hàng nhục nhã phát xít Nhật ở Đông Dương trước đây, nay lại len lỏi dưới bóng cờ của quân đội Anh, quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam, hơn ai hết, tha thiết muốn có hòa bình để tập trung xây dựng đất nước, xây dựng cuộc sống mới theo con đường đã chọn. Nhưng nguyện vọng chân chính và khát khao cháy bỏng ấy đã không được thực hiện. Là một dân tộc sống hòa hiếu, song chúng ta đã buộc phải cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Phải có độc lập, tự do thật sự mới có hòa bình chân chính". Thực hiện lời thề Độc lập ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9, ngày 23-9, đồng bào và chiến sĩ Sài Gòn, đồng bào và chiến sĩ Nam bộ "Thành đồng Tổ quốc" với lòng yêu nước nồng nàn, với truyền thống kiên cường bất khuất đã đứng lên xả thân cứu nước, dũng cảm đương đầu với súng gươm tàn bạo của địch.
Chiều 23-9-1945, Sài Gòn triệt để đình công, không hợp tác với giặc Pháp. Công sở, hãng buôn, xí nghiệp đóng cửa. Chợ không họp, xe không chạy. Bàn ghế, giường được liệng ra đường, vật chướng ngại được dựng lên khắp nơi. Tự vệ lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu, đánh trả bọn xâm lược.
Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Một loạt nhà máy, kho tàng của địch bị đánh phá. Điện nước bị cắt. Quân và dân Sài Gòn đã tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá hủy một phần cơ sở vật chất của chúng.
Tiếng súng kháng chiến anh dũng, bất khuất của nhân dân Sài Gòn vang dội khắp cả nước. Cả nước sôi sục căm thù, quyết tâm kháng chiến. Cả nước hướng về Nam bộ anh hùng. Bằng phong trào "Nam tiến", cả nước dồn sức chi viện sức người, sức của cho Nam bộ kháng chiến với ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.
Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam bộ.
"Hỡi đồng bào Nam bộ!
Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng, hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật, hoặc công khai trở lại. Trong 4 năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ muốn thống trị nước ta một lần nữa. Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời oanh liệt của một nhà cách mạng Pháp: "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ".
Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.
Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng, tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.
Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng.
Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam bộ một lời: Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh ta phải canh phòng cho cẩn thận, nhưng phải đối đãi cho họ khoan hồng, phải làm cho thế giới, trước hết là dân Pháp biết rằng: Chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập, tự do, chứ chúng ta không tư thù; tư oán; làm cho thế giới biết rằng chúng ta là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người cướp của". (Hồ Chí Minh về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân - QĐND, H-1970, tr 163 -164).
Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ đã anh dũng kiên cường bất khuất đánh trả bọn thực dân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Đồng bào Nam bộ, đồng bào miền Nam vùng lên từ ngày ấy và sau này đã cùng với nhân dân cả nước tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng ròng rã hơn 30 năm, liên tiếp đánh thắng hai đế quốc to và các thế lực thù địch để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, thống nhất non sông gấm vóc, đi lên CNXH.
Cách đây 62 năm, nhân dân Việt Nam nói chung và đồng bào Nam bộ nói riêng đã thể hiện ý chí không khuất phục, không chịu làm nô lệ, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày nay, ý chí và quyết tâm ấy đã và đang trở thành sức mạnh toàn diện để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước ta, dân tộc ta cường thịnh, phồn vinh.
Tô Phương