Chiều ngày 13-9, 150 banner đồng loạt xuất hiện trên 4 tuyến đường lớn của TP. Biên Hòa là 30-4, Cách mạng tháng Tám, Hưng Đạo Vương và quốc lộ 1 đã gây nên sự tò mò thú vị cho người đi đường. Không ít người đã dừng xe lại để đọc nội dung in trên banner.
Chiều ngày 13-9, 150 banner đồng loạt xuất hiện trên 4 tuyến đường lớn của TP. Biên Hòa là 30-4, Cách mạng tháng Tám, Hưng Đạo Vương và quốc lộ 1 đã gây nên sự tò mò thú vị cho người đi đường. Không ít người đã dừng xe lại để đọc nội dung in trên banner.
Những thông tin trên banner giới thiệu về 70 danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu của Việt Nam có từ thời dựng nước đến nay, trong đó có những danh nhân ở Đồng Nai. Người đi đường thông qua nội dung trên banner có thể biết An Dương Vương là người xây thành Cổ Loa, lập nước Âu Lạc năm 257 trước Công nguyên; Võ Trường Toản là nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn của dân tộc và ở Nam bộ thế kỷ 18; Nguyễn Thị Tồn - người phụ nữ Biên Hòa không ngại hiểm nguy từ Biên Hòa ra tận triều đình Huế kêu oan cho chồng (Bùi Hữu Nghĩa) bị bọn xấu hãm hại, được nhà Nguyễn phong tặng mỹ hiệu "Liệt phụ khả gia"; Đoàn Văn Cự - lãnh tụ nghĩa quân chống Pháp dưới hình thức "hội kín" ở Biên Hòa, hy sinh năm 1905; Điểu Xiển - Đảng viên cộng sản người dân tộc Châu Ro, đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Biên Hòa năm 1946...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh, đơn vị thực hiện việc treo banner trên đường phố cho biết, xuất phát từ việc nhận thấy trình độ hiểu biết về lịch sử nước nhà của giới trẻ hiện nay rất hạn chế nên đơn vị Nhà Thiếu nhi đã tiến hành phổ biến những kiến thức sơ lược về sử Việt thông qua hình thức học rất nhẹ nhàng là đọc những banner trên đường phố. Song song đó, đơn vị còn phối hợp với Sở Giáo dục - đào tạo và Đài PT-TH Đồng Nai tổ chức cuộc thi "Dân ta phải biết sử ta" cho học sinh tiểu học và THCS trong toàn tỉnh. Kinh phí để thực hiện treo banner khá eo hẹp được tài trợ bởi 5 doanh nghiệp. Vì thế, hiện nay chỉ mới treo banner được trên 4 tuyến phố chính.
Với sự "tham mưu" của Sở Văn hóa-thông tin, nội dung giới thiệu được khá ngắn gọn nhưng súc tích để người đọc dễ nhớ, dễ hiểu. Anh Nguyễn Viết Liên, sinh viên Trường trung học dân lập công nghệ - viễn thông chăm chú đứng đọc tấm banner giới thiệu về liệt sĩ Dương Tử Giang trên đường Hưng Đạo Vương, cho biết, thỉnh thoảng anh có nghe nhắc đến tên liệt sĩ Dương Tử Giang nhưng không biết là ai, có công lao gì, nay thông qua banner này mới biết rõ hơn về nhà báo cách mạng đã hy sinh trong cuộc phá khám Tân Hiệp năm 1956. Anh Liên cho rằng, cách học sử trên phố như thế này rất thú vị, người đi đường trong lúc chờ đợi có thể nhẩn nha đọc mỗi ngày một ít, lâu dần cũng sẽ nhớ không nhiều thì ít về những danh nhân của đất nước. Một học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP. Biên Hòa) sau khi xin mẹ dừng xe bên quốc lộ 1 để đọc tiểu sử của danh nhân Trịnh Hoài Đức, đã reo lên: "A, vậy là con đã biết trường con mang tên của nhà văn hóa lớn ở Biên Hòa và cả nước, tác giả bộ sách Gia Định thành thông chí rồi!".
Cũng do hạn chế về kinh phí nên Nhà Thiếu nhi tỉnh chỉ mới giới thiệu được một phần trong 112 danh nhân, sự kiện lịch sử văn hóa được chọn. Mong muốn của bà Dung là có thể thực hiện việc treo banner ở tất cả các tuyến phố lớn của TP. Biên Hòa và các huyện nhằm bước đầu đưa việc hiểu biết sơ lược sử Việt đến người dân tỉnh nhà. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ cố gắng duy trì hội thi "Dân ta phải biết sử ta" mỗi năm thực hiện một lần nhằm tăng cường kiến thức lịch sử nước nhà đến thế hệ trẻ.
Thanh Thúy