Xiếc - ảo thuật Trần Định: Thử thách và hy vọng

10:08, 03/08/2007

Tối 31-7 vừa qua, tại Nhà văn hóa (Trung tâm VHTT tỉnh), Hội đồng nghệ thuật của Sở VHTT và khá đông khán giả Biên Hòa đã được xem chương trình xiếc - ảo thuật Trần Định, với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn.

Kiếm xuyên người tàng hình, do ảo thuật gia Trần Định và Kim Loan biểu diễn - tiết mục đoạt huy chương bạc toàn quốc  2006.

Tối 31-7 vừa qua, tại Nhà văn hóa (Trung tâm VHTT tỉnh), Hội đồng nghệ thuật của Sở VHTT và khá đông khán giả Biên Hòa đã được xem chương trình xiếc - ảo thuật Trần Định, với nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn.


Ấn tượng mà chương trình để lại sau buổi diễn báo cáo là thái độ nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và tinh thần đam mê nghề nghiệp của các nghệ sĩ.  Có khá nhiều màn trình diễn đòi hỏi diễn viên phải có kỹ thuật tốt và cái "duyên" trong nghệ thuật biểu diễn. Những tiết mục tung hứng bi sắt (Minh Ngọc), Leo thang (Trần Dũng), tung hứng que lửa trên con lăn (Trần Thắng- Trần Bình), tung hứng bằng chân (Lê Sang)...  không chỉ lôi cuốn người xem ở sự nhuần nhuyễn trong kỹ thuật hình thể mà còn ở cách nghệ sĩ biểu hiện cảm xúc, giao lưu với người xem. Đây chính là điểm mạnh của xiếc Trần Định khiến cho các tiết mục không bị khô cứng, nghệ sĩ không biến thành "thợ diễn". Các tiết mục thổi hơi, uống sữa bằng mắt (Xuân Diệu), lột vỏ dừa bằng răng, lột trái sầu riêng bằng tay không (Kim Tuấn)...  từng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của "Chuyện lạ Việt Nam", nhưng người xem vẫn xúc động khi chứng kiến những giọt mồ hôi cùng sự nỗ lực đáng khâm phục của các nghệ sĩ. Hai diễn viên Trần Dũng và Kim Uyên (con của ông Trần Định) tuy mới qua tuổi quàng khăn đỏ nhưng đã thể hiện tố chất của những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp. Tiết mục "lắc vòng lửa" của Kim Uyên, tung hứng của Trần Dũng cho thấy họ là những diễn viên đầy triển vọng, cần được đào tạo bài bản. Ảo thuật gia Trần Định góp vào chương trình nhiều màn ảo thuật tinh tế, trong đó tiết mục "Kiếm xuyên người tàng hình" đã giúp ông giành được huy chương bạc trong Liên hoan xiếc Việt Nam  năm 2006. Chương trình phong phú hơn khi có sự tham gia của nhóm xiếc "Kung Fu" phô diễn những màn mạo hiểm khiến người xem... thót tim.
Xiếc là môn nghệ thuật đòi hỏi diễn viên phải có những tố chất đặc biệt như năng khiếu, sức khỏe, độ dẻo dai, vẻ đẹp ngoại hình và quan trọng nhất là khả năng khổ luyện. Tỉnh Đồng Nai trước đây từng có một vài nhóm xiếc tư nhân hoạt động một thời gian ngắn rồi... giải thể do không theo kịp nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Sự "hồi hương" của đoàn xiếc Trần Định là niềm vui cho những ai say mê bộ môn nghệ thuật không giành cho những kẻ yếu tim. Tuy nhiên, là đơn vị nghệ thuật xã hội hóa, muốn tồn tại được trong bối cảnh cơ chế thị trường, đoàn xiếc Trần Định cần dành thời gian tìm hiểu kỹ sở thích, thị hiếu của người xem Đồng Nai để có thể đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả nhà. Cái khó của ngành xiếc là "học" lâu mà "hành" lại ngắn do khán giả luôn đòi hỏi các tiết mục mới, lạ. Các tiết mục riêng lẻ trong chương trình báo cáo vừa qua cần được  kết nối thành một chương trình tổng thể mang tính nghệ thuật cao hơn. Đạo cụ, âm nhạc ngay cả trang phục của diễn viên cũng cần "bắt mắt" hơn  để tăng thêm hiệu quả nghệ thuật. Thử thách không nhỏ nhưng không gian sáng tạo nghệ thuật là vô giới hạn, hy vọng xiếc - ảo thuật Trần Định sẽ có nhiều tiết mục thăng hoa, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh.


Hồng Ngọc

Tin xem nhiều