Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2007)
Bảo vệ bác Tôn an toàn đoạn Đồng Nai trên đường ra Bắc

09:08, 20/08/2007

Vào đầu tháng 11-1945, Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa do đồng chí Ngô Hà Thành, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa trực tiếp nhận mệnh lệnh của đồng chí Dương Bạch Mai, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc (QGTVC) Nam bộ. Theo đó, lực lượng QGTVC Biên Hòa phải bằng mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối chuyến di chuyển ra miền Bắc của một nhân vật đặc biệt. Địa điểm, thời gian, lịch trình sẽ theo quy định riêng.

Vào đầu tháng 11-1945, Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa do đồng chí Ngô Hà Thành, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa trực tiếp nhận mệnh lệnh của đồng chí Dương Bạch Mai, Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc (QGTVC) Nam bộ. Theo đó, lực lượng QGTVC Biên Hòa phải bằng mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối chuyến di chuyển ra miền Bắc của một nhân vật đặc biệt. Địa điểm, thời gian, lịch trình sẽ theo quy định riêng.

 

Trước đó, nhận định là quân Pháp sẽ đánh chiếm Biên Hòa, hầu hết người dân đã chấp hành lệnh "tiên thổ kháng chiến", các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cũng rời thị xã "di tản ra chiến khu để bảo toàn lực lượng". Trong đó, thực hiện mệnh lệnh của UBND tỉnh, QGTVC Biên Hòa đã bố trí lại lực lượng theo hướng phân tán. Một bộ phận do đồng chí Lê Nguyên Đạt, Phó giám đốc QGTVC Biên Hòa tổ chức việc di chuyển can phạm, trại giam về huyện Long Thành. Một bộ phận có điều kiện sống hợp pháp được cài lại trong thị xã để nắm tình hình địch. Bộ phận thứ ba do Ngô Hà Thành trực tiếp chỉ huy tạm rút ra Trảng Bom để giữ liên lạc với QGTVC Nam bộ.

Trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến này, tình hình rất phức tạp. Binh lính Bình Xuyên, Đệ Tam, Đệ tứ Cộng hòa... tan rã hòa vào dòng người di tản chạy theo hướng QL1 rất đông. Trong số này có những nhóm vũ trang trở thành thổ phỉ, hay tổ chức bắt cóc, tống tiền hoặc ám sát cán bộ Việt Minh. Đặc biệt là thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến" đường sắt từ ga Biên Hòa đến ga Gia Ray bị tháo gỡ nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông. Lúc bấy giờ tàu hỏa đi Bắc chỉ có thể đón khách tại ga Gia Ray. Đồng chí Ngô Hà Thành cùng 2 nhân viên QGTVC Biên Hòa vội vã hoạch định kế hoạch tiếp nhận và bảo vệ "nhân vật đặc biệt" của Trung ương bằng cách trưng dụng một chiếc xe ô tô chở mủ cao su của đồn điền Trảng Bom để đến điểm tiếp nhận người do giao liên miền Tây đưa tới. Đó là một người cao, to, mạnh khỏe, được giới thiệu là "anh Hai Thắng". Xe chở mủ của QGTVC Biên Hòa vội chở anh Hai Thắng ra ga Xuân Lộc. Đoạn đường rày nơi đây đã bị tháo dỡ. Thế là giám đốc Ngô Hà Thành quyết định cùng đồng chí cận vệ đưa "anh Hai Thắng" đi bộ theo đường sắt đến ga Gia Ray để đón tàu và bàn giao cho trạm kế tiếp. Qua vừa đi bộ vừa nói chuyện với vị cán bộ trung ương, Ngô Hà Thành mới biết "anh Hai Thắng" là đồng chí Tôn Đức Thắng - một người nổi tiếng của cả thế giới với sự kiện làm binh biến trên biển Hắc Hải và cũng là người tù khổ sai bất khuất ở Côn Đảo mà ông hằng mến mộ. Và Ngô Hà Thành cũng không ngờ rằng khi nghe ông trả lời là quê ông ở Vĩnh Kiêm - Tiền Giang, anh Hai Thắng hỏi ngay: "Anh có biết thầy D. không? Ổng là nhạc phụ của tôi!". Ngô Hà Thành xúc động nghẹn ngào vì ông giáo D. chính là thầy của Thành và là cha của chị Hai Oanh (Đoàn Thị Giàu). Đây là một gia đình danh tiếng nhất ở Vĩnh Kim thuộc ngoại thành Mỹ Tho hồi bấy giờ. Cũng qua câu chuyện đi đường, Ngô Hà Thành mới biết được nguyên do mà vị Chủ tịch nước sau này trở thành rể Vĩnh Kim. Theo đó, chị Hai Oanh có người em trai tên Ba Sứ cũng là lính thợ và cùng làm việc với Hai Thắng ở Tulong (Pháp). Sống nơi quê người, Ba Sứ bị bệnh, Hai Thắng hết lòng chăm sóc, nhưng vì bệnh quá nặng, chàng trai Vĩnh Kim qua đời. Trước khi mất, Ba Sứ viết thư cho gia đình bảo rằng: "Để tạ ơn người đã giúp mình thì người chị gái nên nhận lấy người ấy làm chồng". Bà Đoàn Thị Giàu đã giữ tấm ảnh Hai Thắng (chụp trong đám tang em trai) và chờ đợi anh theo lời người em di chúc trong suốt 4 năm.

Việc QGTVC Biên Hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho đồng chí Tôn Đức Thắng trên đoạn Đồng Nai ra miền Bắc đã được Công an Đồng Nai - Lịch sử biên niên (1945- 1954) ghi nhận như một sự kiện đáng tự hào.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều