Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày Tết độc lập đầu tiên ở Long Thành

10:08, 31/08/2007

Ngày 2-9-1945, không khí tưng bừng chào đón ngày Việt Nam tuyên bố độc lập diễn ra khắp nơi trong huyện Long Thành (bao gồm cả huyện Nhơn Trạch bây giờ). Tất cả 22 xã đều tổ chức mít tinh thật rầm rộ và cử đoàn đại biểu lên tham dự cuộc diễu hành lớn chưa từng có để mừng ngày "Tết độc lập" đầu tiên của dân tộc Việt Nam ở ngay huyện lỵ Long Thành.

Ngày 2-9-1945, không khí tưng bừng chào đón ngày Việt Nam tuyên bố độc lập diễn ra khắp nơi trong huyện Long Thành (bao gồm cả huyện Nhơn Trạch bây giờ). Tất cả 22 xã đều tổ chức mít tinh thật rầm rộ và cử đoàn đại biểu lên tham dự cuộc diễu hành lớn chưa từng có để mừng ngày "Tết độc lập" đầu tiên của dân tộc Việt Nam ở ngay huyện lỵ Long Thành.

 

Cũng ngay cuộc mít tinh lớn này, đồng chí Trịnh Văn Dục, Bí thư Huyện ủy  kiêm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Long Thành chính thức phát động cuộc vận động thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở huyện. Đồng chí Vũ Hồng (tự Phô, tức Sáu Khánh), Phó bí thư Huyện ủy được giao trực tiếp phụ trách tiến hành cuộc vận động trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Với khí thế cách mạng sôi nổi và bầu không khí mừng vui vừa chấm dứt  84 năm nô lệ tủi nhục của người dân mất nước nên mọi người dân Long Thành trẻ già, trai gái đều hăng hái tham gia đoàn thể. Đến cuối tháng 9, cả 22 xã trong huyện đều lập xong các đoàn thể cứu quốc. Thanh niên Tiền phong đổi thành Thanh niên cứu quốc. Phụ nữ thì tham gia "Phụ nữ cứu quốc". Các cụ ông, cụ bà vào "Phụ lão cứu quốc". Hầu hết trẻ em ở Long Thành đều sinh hoạt trong đội "Thiếu nhi cứu quốc". Các đoàn thể như: "Nông dân cứu quốc", "Công giáo cứu quốc", "Phật  giáo cứu quốc"... cũng đều sinh hoạt, hội họp rất sôi nổi. Qua đó, phong trào tăng gia sản xuất, đóng góp, giúp đỡ kháng chiến trong toàn huyện Long Thành được đẩy mạnh.

Long Thành là vùng nông thôn bị thực dân Pháp chọn làm địa bàn mở rộng diện tích trồng cây cao su nhằm khai thác "vàng trắng" nên bên cạnh tầng lớp nông dân nghèo khổ đã sớm hình thành một tầng lớp công nhân là dân công tra đi cạo mủ, làm phu đồn điền rất đông đảo. Và ngay từ năm  1937, Xứ ủy Nam kỳ đã cử nhiều đảng viên Cộng sản Đông Dương về đây hoạt động. Trong  đó có những đảng viên tên tuổi như: Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nghĩa, Hồ Văn Đại, Trương Văn Bang, Huỳnh Văn Lũy, Nguyễn Văn Ký, Hồ Văn Giàu...

Đầu năm 1943, Xứ ủy Nam kỳ còn thành lập Ban cán sự cao su miền Đông ở Long Thành và cử đồng chí Trịnh Văn Dục về Long Thành đi sâu vào trong công nhân xây dựng phong trào. Tháng 3-1944, chi bộ Đảng đầu tiên xuất hiện trên đất Long Thành, do "thầy Ba thuốc lào" (tức Trịnh Văn Dục)  làm bí thư với các đảng viên ban đầu là Vũ Hồng (tức Phô) và Lý Trần Hoan. Từ đốm lửa nhỏ này đã nhanh chóng bùng lên một phong trào đấu tranh cách mạng rộng lớn. Khởi đầu cuộc vận động, tổ chức Đảng thành lập "Hội tiết kiệm" trong sở cao su, rồi "Liên đoàn cao su", "Nghiệp đoàn xe bò", "Hội ái hữu công nhân cao su"... qua đấu tranh, thử thách, những phần tử ưu tú của các hội đoàn này lần lượt trở thành đảng viên và chi bộ Bình Sơn được thành lập. Và tiếp đó, "Ủy ban công nhân cách mạng Bình Sơn", "Ủy ban công nhân cách mạng Siph", "Ban chấp hành công nông liên đoàn" rồi "Ủy ban nhân dân lâm thời xã" lần lượt ra đời. Có một đội ngũ đảng viên vững vàng qua đấu tranh hoạt động phong trào làm nòng cốt cho các tổ chức quần chúng cách mạng, nên nhận được lệnh chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền và thiết lập trật tự ở địa phương, trong cuộc họp khẩn cấp ngày 23-8-1945 đồng chí Trịnh Văn Dục đã lập ra Ban khởi nghĩa huyện Long Thành gồm 19 đồng chí được phân công, phân nhiệm cụ thể. Nhờ đó, mới 6 giờ sáng 24-8-1945 toàn thể các đội xung phong nòng cốt của chi bộ Long Thành, Bình Sơn đã án ngữ khắp các địa bàn quan trọng trong huyện Long Thành và cũng ngay trong ngày này, toàn bộ chính quyền xã đều về tay nhân dân.

Điều làm cho các tầng lớp nhân dân Long Thành vô cùng mừng vui là qua việc lần đầu tiên tham dự lễ Quốc khánh mới biết được những tin quan trọng mang tính chất đổi đời cho từng số phận người dân. Đó là Chính phủ Việt Nam độc lập quyết định bãi bỏ thuế chợ từ ngày 29-8, bãi bỏ thuế thân  ngày 7-9, bãi bỏ thế môn bài ngày 14-9...

Và vì thế, khi Long Thành được tỉnh cho chủ trương thành lập lực lượng vũ trang để sẵn sàng kháng chiến với biểu ngữ được căng đầy các nơi công cộng: "Thanh niên ta không nên do dự, hãy lên đường chiến đấu giành độc lập" ngay trong những ngày tháng 9-1945, nam nữ thanh niên Long Thành nô nức gia nhập lực lượng  dân quân. Mỗi đội dân quân xã được thành lập đều có từ 30 đến 36 đội viên, mỗi tổ dân quân ấp cũng lên từ 10 đến 20 người. Các xã Tam Phước, Phú Hữu, Phước An, Phước Thọ... có đội dân quân "phồng ra" từ 40 đến 50 người. Và đội dân quân nào cũng tự trang bị được từ 1 đến 2 cây súng và vài ba trái tạc đạn do thu gom, đổi mua với bọn lính Nhật đang trong tâm trạng thất trận.

Bùi Thuận

(Nguồn: Long Thành - Những chặng đường lịch sử - NXB Đồng Nai)

Tin xem nhiều
Danh mục hộp quà tặng tết cao cấp nhập khẩu