Báo Đồng Nai điện tử
En

Lạc mất tuổi thơ...

10:08, 24/08/2007

Vui chơi giải trí và hoạt động thể dục thể thao có vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất cho trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học. Không được vui chơi, trẻ sẽ bị mất đi tuổi thơ. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết trẻ đang bị "trói" chân, "trói" tay, không được tự do vui chơi bởi chính người lớn chúng ta...

Vui chơi giải trí và hoạt động thể dục thể thao có vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất cho trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi tiểu học. Không được vui chơi, trẻ sẽ bị mất đi tuổi thơ. Thế nhưng trên thực tế, hầu hết trẻ đang bị "trói" chân, "trói" tay, không được tự do vui chơi bởi chính người lớn chúng ta... 

 

* Khi trẻ bị" trói" tay" trói" chân

 

Tại hội thảo "Hãy để trẻ tự do vui chơi" do Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, vừa qua, ông Trần Đình Thuận, chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học khẳng định: "Trẻ đang chịu sức ép rất lớn từ người lớn". Lý do được chỉ ra là trong chương trình học tập, giờ học về thể chất còn rất ít; sân trường ngày càng bị teo tóp và bê tông hóa khiến học sinh không còn chỗ chơi và cũng không dám chạy nhảy... Giờ ra chơi, cổng trường đã cài chặt nhưng nhân viên bảo vệ và các thầy cô giáo vẫn phải có mặt trên sân để trông chừng cho các em vui chơi. Họ sợ các em va chạm nhau, đụng cột, té ngã... Nhiều sân trường không đủ rộng nên học sinh  không thể chơi bất cứ trò gì. Ông Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng vụ Tiểu học, thừa nhận: "Nhiều trường đã cấm học sinh chơi đùa, đổ mồ hôi sau giờ ra chơi để hạn chế các em chơi đùa!".

Ngoài cổng trường, sân chơi và đặc biệt là những sân chơi an toàn cho các cháu cũng đang rất thiếu. "Phụ huynh chúng tôi không thể yên tâm để con mình tự do vui chơi ngoài công viên, vì nó không an toàn, khi xảy ra hậu quả thì rất khủng khiếp" - nghệ sĩ Thanh Thủy phát biểu với tư cách người mẹ.

Còn tiến sĩ tâm lý học Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý TP.Hồ Chí Minh, chỉ ra một thực trạng là người lớn hiện đang sống rất ích kỷ với con, buộc con phải học hành theo ý chủ quan của mình chứ không vì lợi ích của con trẻ. Ông cho rằng, phụ huynh và giáo viên chưa quan tâm đến hoạt động thể chất của con em là vì hoạt động này đã không được coi trọng trong việc đánh giá kết quả học tập. Kết quả nghiên cứu "Hãy để trẻ em tự do vui chơi" đối với trẻ trong độ tuổi từ 6-12 tại 11 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cho thấy có đến 91% bà mẹ Việt Nam  cho biết hoạt động vui chơi chủ yếu của con họ là xem ti vi và chỉ có 4% bà mẹ cho biết con mình có tham gia vào các trò chơi vận động...

 

* Hãy cởi trói cho trẻ

 

TS. Đinh Phương Duy đưa ra 5 lợi ích khi trẻ được tự do vui chơi là: phát triển mạnh mẽ về thể chất, bộc lộ và phát huy những phẩm chất tiềm tàng, rèn luyện được những kỹ năng sống tích cực, được tự do là mình, là cách học tập trải nghiệm tốt nhất. Cụ thể hơn, Th.S Nguyễn Thị Bích Hồng phân tích: "Có vui chơi trải nghiệm thì trẻ mới nhận ra suy nghĩ của người khác và bộc lộ suy nghĩ của mình, biết bạn hơn mình cái gì để học tập... Nhờ vậy mà đời sống sẽ phong phú hơn. Học tập trải nghiệm sẽ kích thích sự phát triển trí tuệ, là cơ hội để trẻ có thêm vốn sống và đây là điều kiện thuận lợi để trẻ tiếp thu tốt những kiến thức được học trong nhà trường".

Nhà tâm lý học PGS Đỗ Trung Hiệu nói: "Trẻ thơ phải được vui chơi theo kiểu của trẻ thơ chứ không thể chơi theo ý của người lớn. Thế giới của trẻ là thế giới của trí tưởng tượng, của thần tiên, lòng quả cảm và anh hùng hiệp nghĩa... Vui chơi tự do là cách để con trẻ học tốt nhất". Vì vậy, ông khuyên các bậc phụ huynh "nên gác lại những lo toan về do bẩn, bệnh tật, để cho trẻ tự do vui chơi".

Làm gì để lôi trẻ ra khỏi màn hình ti vi và máy tính? Theo ông Trịnh Quốc Thái, đây là câu chuyện liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành, nhưng trước mắt thì cha mẹ hãy đừng quá lo cho mình mà hãy lo cho con. TS. Đinh Phương Duy nói: "Nếu sợ không an toàn thì bây giờ chỗ nào cũng không an toàn. Do vậy, người lớn phải chủ động nhiều hơn để tìm chỗ chơi và thời gian chơi cho trẻ!".

Tham dự hội thảo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên đổ lỗi cho những khó khăn này nọ mà cái chính là phải cải tiến chương trình giáo dục, cải tiến mục tiêu học tập. Theo ông, mục tiêu giáo dục chân chính không phải là dạy người ta thành ông nọ bà kia, thành cán bộ nhà nước, thành tiến sĩ... mà chính là thành người. Nếu được như thế thì việc học của học sinh tiểu học sẽ nhẹ nhàng hơn.

Nếu không được vui chơi thì trẻ sẽ bị mất đi tuổi thơ, mất đi nhân cách và ý chí tiến thủ. Các cấp lãnh đạo phải dành diện tích đất để làm sân chơi nhiều hơn cho thiếu nhi, Bộ GD-ĐT cần quan tâm nhiều hơn đến chương trình giáo dục để sao cho các em có nhiều giờ chơi hơn nữa. Và cuối cùng là phụ huynh cũng phải dành cho con mình nhiều điều kiện hơn.

T.Trang

Tin xem nhiều