81 danh nhân tượng trưng cho tinh thần "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền độc lập tự do ấy" tính từ mốc lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám - 1945; cùng với 3 bản Tuyên ngôn Độc lập là "Nam quốc Sơn Hà" của danh tướng Lý Thường Kiệt viết vào năm 1077 trong trận chiến chống quân Tống xâm lược; "Bình Ngô Đại Cáo" của Nguyễn Trãi được công bố vào đầu năm 1428 sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi; và Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội vào ngày 2-9-1945, là những gì mà người dân TP. Hồ Chí Minh và khách thập phương có dịp đến TP. Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 62 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam này đều có cơ hội thấy và đọc trên các banner treo dọc trên các con đường.
Một thời kỳ lịch sử cách mạng của dân tộc được tái hiện lại với những nhân vật được giới thiệu tóm tắt tiểu sử trên các banner, giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn vì độc lập tự do của dân tộc mà các tầng lớp trong xã hội: từ những nhà cách mạng đến nhân sĩ trí thức, các nhà tu hành, các học giả, nhà báo, nhà văn hóa, giới văn nghệ sĩ, luật sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, sinh viên - học sinh, công nhân... đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Này là các nhà cách mạng Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... , các tướng lĩnh và anh hùng quân đội Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Văn Đang...; các chí sĩ - nhân sĩ - trí thức yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Thái Văn Lung...; các nhà văn hóa Á Nam Trần Tuấn Khải, Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh...; các bậc tu hành Thích Bửu Đăng, Thích Quảng Đức, Nguyễn Bá Luật, Nguyễn Văn Bình...; các nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Xiển, Lương Định Của, Tạ Quang Bửu. ..; các nhà văn - nhà báo - nhà thơ - nhạc sĩ Hoàng Việt, Văn Cao, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Lưu Quý Kỳ, Lý Chính Thắng, Trần Huy Liệu ... và các anh hùng trẻ tuổi như Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Thái Bình...
Nội dung 3 bản Tuyên ngôn và 81 danh nhân được thể hiện trên 800 banner (kích cỡ 2,85m x 0,85m) treo dọc các tuyến đường đẹp nhất thành phố như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Thành Thái - Bắc Hải, Trường Chinh (khu vực có dải phân cách)..., không những làm cho thành phố rực rỡ, sinh động hơn mà còn có tác dụng giáo dục mọi người về lịch sử, nhất là giới học sinh - sinh viên - trong tình hình đang báo động về sự hụt hẫng kiến thức lịch sử.
Đây là lần thứ 3 Công ty truyền thông Tiêu Điểm đã phối hợp với các cơ quan TP. Hồ Chí Minh và các nhà tài trợ thực hiện chương trình "Dân ta biết sử ta" bằng cách học sử trên đường phố vào những dịp lễ, tết hay ngày kỷ niệm quan trọng.
Kim Loan