Rất ngẫu nhiên, cả 3 tác phẩm được đánh giá xuất sắc nhất trong khóa học bồi dưỡng sáng tác và dàn dựng kịch ngắn do Cục văn hóa Thông tin cơ sở tổ chức tại Đồng Nai vừa qua là của 3 tác giả từ các vùng khác nhau của đất nước. Sáng tác của mỗi người, vì thế cũng mang một sắc thái khác nhau, nhưng cả 3 vở kịch ngắn đều có chung một điểm: hấp dẫn!
Rất ngẫu nhiên, cả 3 tác phẩm được đánh giá xuất sắc nhất trong khóa học bồi dưỡng sáng tác và dàn dựng kịch ngắn do Cục văn hóa Thông tin cơ sở tổ chức tại Đồng Nai vừa qua là của 3 tác giả từ các vùng khác nhau của đất nước. Sáng tác của mỗi người, vì thế cũng mang một sắc thái khác nhau, nhưng cả 3 vở kịch ngắn đều có chung một điểm: hấp dẫn!
Mái ấm, vở kịch ngắn của tác giả Trần Kim Trọng (Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ xoay quanh 3 nhân vật trong 1 gia đình gồm cha - mẹ - con gái nhưng sao mà bức bối, ngột ngạt đến khó thở. Trong căn nhà ấy chỉ có tiếng quát nạt con, tiếng chì chiết chồng của người mẹ, tiếng thở dài bất lực của người chồng và tình thương len lén của cô con gái dành cho bố. Không một đốm lửa hạnh phúc, không một tia nắng yêu thương. Thế lực đồng tiền đã bao trùm và chi phối toàn bộ ngôi nhà ấy, biến nó thành một "tổ lạnh", đối nghịch hẳn với tên gọi của vở kịch một cách phũ phàng, chua xót. Khán giả chỉ thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng người mẹ đã nhận ra sai lầm của mình.
Ngược lại, tác giả Minh Phần của Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) đem đến cho khán giả một không khí vui nhộn, những tràng cười thoải mái mà không kém phần châm biếm qua vở Hương ổi. Nội dung vở kịch rất nhẹ nhàng: anh chàng con nhà giàu theo đuổi một cô gái nên tặng chai sữa tắm trắng để lấy lòng, ba của cô gái lại cũng đang theo đuổi... bà hàng xóm, nên chai sữa tắm một lần nữa đổi chủ, ngờ đâu chai sữa tắm mác ngoại ấy là sữa dỏm khiến bà hàng xóm rụng tóc tróc da. Tất nhiên, sau khi làm sáng tỏ xuất xứ của chai sữa tắm tai hại kia thì mối tình hàng xóm còn hàn gắn được chứ mối tình... sữa tắm của anh chàng nhà giàu cũng trôi theo món quà tặng mất tăm. Cái khéo của Minh Phần là đưa những hình ảnh đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ như cây cầu khỉ, chiếc cổng rào, vườn cây ăn trái vào câu chuyện rất tự nhiên, ngay cả ngôn từ, tính cách, lời ăn tiếng nói của người nông dân Nam bộ cũng được đưa vào sử dụng như một thế mạnh làm sinh động tác phẩm. Khán giả xem kịch cứ cười mãi hình ảnh ông già Tư giả đò quét sân để nhìn qua nhà bà Mười hàng xóm đến độ quét mãi bằng cái cán chổi, hay câu nói của anh chàng Phú "Bữa nay là sinh nhựt của Trang nên con đến thăm... bác Tư". Tiếng cười châm biếm thói rởm đời nhẹ nhàng mà thấm thía.
Câu chuyện của Chiếc ba lô (tác giả Trương Vĩ Thành, Trung tâm Văn hóa Thông tin Đồng Nai) bắt đầu trên một chuyến xe. Hành khách lần lượt lên xe, đó là người phụ nữ buôn thuốc lá lậu giấu thuốc quanh người như con rô bô, là bà buôn chuyến với những vĩ thuốc tây cũng... lậu. Trong số đó, có người đàn ông ăn mặc giống bộ đội, cứ ôm khư khư chiếc ba lô trong lòng như sợ mất vật gì quý giá lắm. Quản lý thị trường, công an xuất hiện kiểm tra hàng hóa, thuốc lá, thuốc tây lậu đều bị phanh phui, nhưng khi yêu cầu kiểm tra chiếc ba lô, người đàn ông cứ chần chừ không muốn đưa ra khiến mọi người đều nghi ngờ. Với sự kiên quyết của người thi hành công vụ, chiếc ba lô cuối cùng cũng phải mở ra, mọi người nhìn vào, kịch tính được đẩy cao lên đến đỉnh điểm và bí mật được phơi bày: trong ba lô là chiếc bình chứa hài cốt của người đồng đội đã hy sinh, nay được bạn bè đưa anh về với mẹ. Âm nhạc lúc ấy bỗng trầm hẳn xuống và ngân dài như nỗi nhớ. Vở kịch kết thúc trong khi khán giả vẫn còn bàng hoàng xúc động- một khoảng lặng rất đắt của vở kịch ngắn.
Được viết gấp gáp trong vòng chỉ có 2 ngày, nhưng 3 tác phẩm trên đã bật ra được sức mạnh của thể loại kịch ngắn, đó là thông qua tình huống để chuyển tải chủ đề, hay nôm na theo kiểu dân gian là "nói ít, hiểu nhiều". Đó là một thành công của khóa bồi dưỡng sáng tác, dàn dựng kịch ngắn ở cơ sở. Chị Trần Thị Linh Nhâm, học viên đến từ Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Định Quán cho biết, trước đây chị cùng nhiểu học viên khác thường viết tiểu phẩm tuyên truyền theo cách cho diễn viên nói ra hết những điều mà tác giả muốn truyền đạt, nay thì những kiến thức thu nhận được trong khóa học đã giúp chị vỡ ra rằng có thể vận dụng tình huống trong kịch ngắn để truyền đạt ý tưởng một cách thuyết phục hơn. Anh Minh Phần kể, do thể loại kịch ngắn là phải... ngắn, nên kịch bản không thể đi sâu vào mô tả diễn biến tâm lý, mà kịch thì cũng không thể dùng lời để thuyết minh, vì vậy lúc viết Hương ổi anh đã minh họa tính cách bằng hành động, như nhân vật Phú có tính cách không ngay thẳng nên thường vào nhà cô Trang bằng cách trèo rào, núp lén. Trừ một vài chi tiết còn thiếu thuyết phục, như tình huống người mẹ trong Mái ấm hối hận quá đột ngột, lời thoại của anh bộ đội trong Chiếc ba lô còn có thể chuốt để nâng cảm xúc lên cao hơn nữa..., còn nhìn chung, cả 3 vở kịch ngắn được chọn diễn báo cáo kết thúc khóa học đều hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của khán giả.
Tất nhiên, không phải 52 học viên sau khóa học đều có thể trở thành các tác giả kịch bản hoặc đạo diễn dàn dựng, nhưng qua 3 vở diễn trên có thể hy vọng rằng với những kiến thức mới mẻ học từ thầy, từ bạn, các hoạt động văn hóa ở cơ sở như thông tin cổ động, tuyên truyền, liên hoan văn nghệ sẽ khởi sắc hơn, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa cơ sở từng địa phương. Đây cũng là tín hiệu tốt cho phong trào văn nghệ quần chúng, một mảng quan trọng nhưng trước nay vẫn còn bỏ ngõ.
Thanh Thúy