Báo Đồng Nai điện tử
En

Về các cây bút nữ Đồng Nai

10:07, 17/07/2007

Trong khối tài sản tinh thần của Hội VHNT Đồng Nai, sáng tác văn học của các tác giả nữ chiếm một vị trí khiêm nhường nhưng cũng đáng được nói đến. Nổi trội lâu nay là hai gương mặt Thu Trân và Trần Thu Hằng.

Nhà văn Thu Trân

Trong khối tài sản tinh thần của Hội VHNT Đồng Nai, sáng tác văn học của các tác giả nữ chiếm một vị trí khiêm nhường nhưng cũng đáng được nói đến. Nổi trội lâu nay là hai gương mặt Thu Trân và Trần Thu Hằng.

 

Bạn đọc hẳn thấy từ truyện ngắn đầu tay "Lá me" được viết năm 19 tuổi, đến cuốn truyện mới nhất có tựa đề  "Yêu và nổi loạn", Thu Trân đã tiến một bước rất xa và càng viết càng chín, càng lôi cuốn. Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế giúp Thu Trân rất thành công trong mảng văn học thiếu nhi ("Đường bong bóng bay"- NXB 1993 - Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam; "Con  mèo lửa" giải thưởng Trịnh Hoài Đức 2000, "Ông thầy cũ kỹ" giải thưởng văn học thiếu nhi "Vì tương lai đất nước" 2002 v.v...). Đời văn của Thu Trân thật phong phú, đa dạng bởi chị thao tác nhuần nhuyễn trên nhiều lĩnh vực văn chương như: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, trong đó có những truyện mới đoạt giải như "Bốn người nhẹ như chiếc lá".  Đủ mọi tình huống, tâm trạng, cảnh ngộ... nhưng Thu Trân chủ yếu vẫn "tri âm" với những số phận kém may mắn, những mảnh đời phụ nữ nhiều truân chuyên, luôn khát khao được sống, được yêu và được dâng hiến.

Trần Thu Hằng chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng là một cây bút trẻ sung sức, nhiều triển vọng. Chập chững vào nghề văn, Thu Hằng đã làm người đọc ngạc nhiên vì chị chọn đề tài dã sử, thậm chí không ngần ngại đưa vào tác phẩm nhiều danh nhân Việt Nam. Có thể nói, Thu Hằng mượn dã sử để thỏa sức hư cấu, bày tỏ suy nghĩ, thái độ của chị về nhân thế, về cái xấu cái đẹp, về những ước vọng thầm kín, bản năng của con người... Cuốn "Đàn đáy" của Thu Hằng đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2006, cho thấy chị có khả năng gặt hái thành công ở thể loại dã sử. Mấy năm gần đây Thu Hằng làm thơ, viết phê bình, viết tiểu thuyết, truyện dài về đề tài lịch sử và hiện đại...  Ở lĩnh vực nào chị cũng tỏ ra góc cạnh, bản lĩnh và đầy cá tính. Các tập truyện "Chuyến tàu ước mơ"," Cơn lũ, ốc sên và hoa hồng" (NXB Kim Đồng 2006) cho thấy, khi viết về thế hệ trẻ đương đại, văn chương của Thu Hằng không hề "già" như người ta lo ngại mà trái lại rất lãng mạn, nhiều cảm xúc. Chị từng đoạt giải khuyến khích truyện ngắn hay của báo Văn nghệ trẻ năm 1997 và mới đây nhất là giải khuyến khích cuộc thi sáng tác văn học tỉnh Đồng  Nai năm 2006.

Ngoài hai gương mặt sáng giá trên, có thể kể thêm một số cây bút nữ khác như Hoàng Anh, Hà Thu Thủy, Ngọc Khánh, Hoàng Ngọc Điệp, Thanh Thúy, Trần Hương Lan v.v... Hoàng Anh dường như không biết mệt trên con đường sáng tạo ở thể loại vốn rất hóc búa là viết kịch.  Năm 2007, vở kịch " Niềm đau hoang dã" thể hiện nỗi đau đời, nỗi xót xa về thân phận con người của Hoàng Anh đã giành được giải nhì của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN. Tác giả Hoàng Ngọc Điệp từng đoạt giải ba trại sáng tác văn học miền Đông năm 1988, nay thi thoảng mới xuất hiện trên báo Văn nghệ Đồng Nai ở một trang chủ yếu đọc để... cười hơn là để suy ngẫm.  Tuy nhiên, những câu chuyện nửa đùa nửa thật của chị cũng làm cho mảng văn chương trào lộng của tạp chí Văn nghệ Đồng Nai thêm phong phú, đa dạng hơn. Năm 2005, chị cho ra mắt cuốn truyện thiếu nhi có cái tên khá ngộ nghĩnh "Bươm đi học" góp thêm vào mảng sách dành cho lứa tuổi nhỏ một giọng điệu riêng. Tác giả Hà Thu Thủy là giáo viên tiểu học, vốn làm thơ về thế giới trẻ em rất có duyên, trong sáng và nồng ấm tình cảm. Nhưng có vẻ như chị thích "ẩn dật", chỉ đem thơ đăng báo "Dưới mái trường" và... kéo lụa tặng bạn bè chứ không in thành những tập thơ "ra tấm ra món". Vài cây bút trẻ mới nổi sau khi đoạt giải ở cuộc thi sáng tác VHNT tỉnh Đồng Nai như Tạ Thanh Lan, Mạc Vy, Khương Hà... thì  viết khá thất thường, lúc nhặt lúc thưa. Thậm chí, tác giả Thanh Thúy sau khi đạt giải nhì truyện ngắn "Chuyện làng xóm" dường như đã... giải nghệ, giống như cây bút thơ Nhật Tú trước đây. Rõ ràng là dấn thân vào con đường văn chương chuyên nghiệp không phải là con đường mà nhiều phụ nữ  chọn lựa...

Tác giả Trần Thu Hằng và con gái.

Trong bối cảnh văn hóa đọc ngày càng co cụm, việc duy trì thường xuyên hoạt động sáng tác văn học quả là một thách thức. Nhất là với phụ nữ, những người luôn nặng gánh hai vai việc nước việc nhà và thường phải hy sinh sở thích, đam mê riêng của mình cho thiên chức làm vợ, làm mẹ. Điều này khiến chúng ta trân trọng và thông cảm hơn với những tác giả nữ chưa dành trọn tâm huyết của mình cho văn học nghệ thuật.

Hồng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều