Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tấm gương hy sinh oanh liệt của phụ nữ Đồng Nai

09:07, 18/07/2007

Xin được lần giở lại từng trang sử oanh liệt của phụ nữ Đồng Nai mặc dầu biết rằng sử sách cũng không thể nào ghi hết được những chiến công oanh liệt, những đóng góp lớn lao, những hy sinh to lớn của hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị. Bài báo nhỏ này xin được điểm lại về sự hy sinh của một số tấm gương phụ nữ vô danh và hữu danh trên đất Biên Hòa - Đồng Nai trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

Xin được lần giở lại từng trang sử oanh liệt của phụ nữ Đồng Nai mặc dầu biết rằng sử sách cũng không thể nào ghi hết được những chiến công oanh liệt, những đóng góp lớn lao, những hy sinh to lớn của hàng ngàn, hàng vạn các mẹ, các chị. Bài báo nhỏ này xin được điểm lại về sự hy sinh của một số tấm gương phụ nữ vô danh và hữu danh trên đất Biên Hòa - Đồng Nai trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của nhân dân ta.

 

Đó là chị Sen ở Bình Ý, Vĩnh Cửu. Chị họ gì không ai nhớ nữa, nhưng mọi người còn nhớ chị là mật báo viên của Quốc gia tự vệ cuộc. Cuối năm 1946, trong một trận càn, chị bị địch bắt. Chúng tra khảo đánh đập chị một cách dã man nhưng vẫn không moi được ở chị nửa lời. Chúng treo chị lên rồi xẻo từng miếng thịt cho đến chết mà vẫn không khuất phục nổi chị. Cùng thời gian đó, chị Nguyễn Thị Mười ở Bình Hòa, Vĩnh Cửu bị địch bắt và giết hại một cách dã man. Chúng bêu đầu chị ở nhà hội xã để khủng bố tinh thần đồng bào.

Năm 1951, chị Nguyễn Thị Giả là trưởng trạm giao liên, gác đường dây của Quận đội Châu Thành. Chị bị địch theo dõi, phát hiện và bị bắt. Chúng đã tra tấn chị một cách tàn nhẫn để moi tin tức. Chị Giả kiên quyết không khai và chúng đã giết chị ngay trước sân nhà. Ở xã Phước Thiền, huyện Long Thành, các chị Lê Thị Mành và Lê Thị Em là cán bộ phụ nữ ấp bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau mấy ngày không moi được tin tức gì, chúng đã bắn hai chị và vứt xác xuống sông. Chị Tuyết, Hội phó phụ nữ huyện Long Thành khi bị địch bắt đã chấp nhận hy sinh, không đầu hàng khai báo. Chị Hiệu, công nhân Sở cao su An Lộc, là chiến sĩ giao liên của Ban tình báo huyện Xuân Lộc. Trong một chuyến công tác, chị bị địch phục kích bắt. Chúng phát hiện ra mật thư chị giấu trong chiếc bánh ú nên dùng mọi cực hình khảo tra. Chị kiên cường chịu đựng không khai báo nửa lời. Địch bắt ba con nhỏ của chị ra dọa giết để gây áp lực, chị vẫn không khuất phục. Chị đã chấp nhận hy sinh để bảo vệ cơ sở, bảo vệ cách mạng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, năm 1969, chị bé là nữ du kích sở cao su Bình Lộc, đã tình nguyện dẫn đầu đoàn tải thương vượt vòng vây của giặc. Trên đường đi, chị bị thương nặng, đã dũng cảm chịu đựng, không một tiếng rên la. Chị đã hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp cách mạng. Chị Nguyễn Thị Vân, giao liên huyện Vĩnh Cửu, trong một chuyến chuyển thư từ huyện về Chiến khu Đ chẳng may lọt vào vòng vây của địch. Không để địch bắt, chị đã nhảy xuống sông, mang theo toàn bộ giấy tờ tài liệu và đã hy sinh anh dũng.

Ngày 25-4-1969, do có phản bội đầu hàng, chỉ điểm, địch bao vây và đánh sập các hầm bí mật của ta ở cù lao Hiệp Hòa, Biên Hòa, kêu gọi cán bộ ta đầu hàng. Hai lính bảo vệ hoảng sợ đội nắp hầm chui lên. Chị Năm Hiền, Tỉnh ủy viên đã hủy tài liệu và đốt tiền, giả vờ chấp nhận đầu hàng, cầm súng ngắn, lựu đạn chui lên. Chị bắn chết một tên địch và quăng trái lựu đạn nổ. Chị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh.

Tháng 4-1969, lực lượng ta về Thiện Tân vận động quần chúng tòng quân và cung cấp lương thực. Không may, địch kéo đến bao vây. Lực lượng ta một phần mở đường máu rút ra, một phần phải xuống hầm bí mật. Chị Tư Tài là vợ chồng chí Tám Bảo, bộ đội huyện giở nắp hầm cho cán bộ xuống, xong đậy nắp, ngụy trang thì đã 3, 4 giờ sáng. Bọn địch ập đến tra hỏi và bắn chị chết ngay tại chỗ, bên cạnh còn cháu nhỏ 2 tuổi. Chị đã hy sinh để bảo toàn cán bộ. Đêm 1-11-1974, tổ nữ trinh sát vũ trang TX. Long Khánh gồm: Hồ Thị Hương, Phùng Thị Thận và Lê Thị Thọ đã bí mật đánh mìn quán Ngọc Hương giết 15 tên sĩ quan ngụy. Ngày 18-1-1975, Hồ Thị Hương và Phùng Thị Thận nhận nhiệm vụ đánh bọn sĩ quan ngụy tại quán Song Nga, song khi đến nơi thì bọn chúng đã đi hết. Không để người dân vô tội bị thương vong, Hương và Thận mang mìn ra ngoài để vứt nhưng vừa đến đường rày thì mìn nổ. Hồ Thị Hương đã anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn.

Và còn bao nhiêu nữa những tấm gương phụ nữ Đồng Nai hy sinh oanh liệt vì độc lập tự do của Tổ quốc. Nhân ngày 27-7 xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các chị, những người phụ nữ Đồng Nai đã ngã xuống vì hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Phước Long Giang

Tin xem nhiều