Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai: Nhiều khuôn mặt được khẳng định

10:07, 16/07/2007

Ngày mai 18-7, Đại hội Hội Văn học -nghệ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ IV (nhiệm kỳ 2007-2012) chính thức khai mạc.

Ngày mai 18-7, Đại hội Hội Văn học -nghệ thuật tỉnh Đồng Nai lần thứ IV (nhiệm kỳ 2007-2012) chính thức khai mạc.

 

Nhìn lại thời gian qua của nhiệm kỳ III, không ít người cho rằng đời sống, sáng tác văn học - nghệ thuật ở Đồng Nai khá bình lặng. Nhưng công bằng mà nói, trong những năm qua, Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực giành được nhiều thành tựu đáng kể trong sự nghiệp sáng tạo văn  học - nghệ thuật. So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này có sự bứt phá về số lượng các tác phẩm văn học - nghệ thuật và có sự chuyển biến đáng kể về chất lượng. Tính chuyên nghiệp của giới văn nghệ sĩ được nâng lên, thể hiện qua nhiều gương mặt đã đoạt giải tại các cuộc thi văn học - nghệ thuật và các tổ chức chuyên ngành văn học - nghệ thuật Trung ương.

Trong hoạt động sáng tác văn học, các tác giả văn học Đồng Nai luôn tìm tòi và nỗ lực sáng tác, phục vụ tốt cho nhu cầu thưởng thức văn học của nhân dân trong tỉnh và góp phần không nhỏ đối với sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cả nước. Tính ra trong 5 năm qua, đội ngũ sáng tác văn thơ của Đồng Nai đã cho ra đời trên 100 đầu sách, bao gồm: 9 tiểu thuyết, 19 tập truyện ngắn, truyện vừa - ký, 15 tập truyện thiếu nhi, 44 tập thơ, 3 tập biên khảo - phê bình - nghiên cứu... Đặc biệt đã thực hiện được 4 tuyển tập văn học, bên cạnh đó là hàng trăm tác phẩm được đăng trên các báo, tạp chí văn học có uy tín trong nước. Một số tác giả đã đạt thành quả từ các cuộc thi vận động tác sáng trên phạm vi cả nước của Ủy ban toàn quốc liên hợp các Hội VHNT Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam, các báo, tạp chí, các cuộc thi của ngành, khu vực cũng như cuộc thi tỉnh. Đặc biệt, với những cống hiến xuất sắc của mình, hai cố nhà văn Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn đã được truy tặng giải thưởng Nhà nước về văn học.

Có lẽ nổi đình nổi đám nhất trong các hoạt động nghệ thuật ở Đồng Nai là Ban nhiếp ảnh nghệ thuật. Trong 6 lần liên hoan ảnh nghệ thuật miền Đông và cực Nam Trung bộ, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Đồng Nai đều đoạt giải đồng đội và giành được các thứ hạng cao. Với gần 200 ảnh nghệ thuật được trưng bày ở triển lãm khu vực, 19 ảnh triển lãm quốc tế tại Việt Nam đã đoạt 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng toàn quốc, 1 huy chương vàng quốc tế đồng đội, 2 giải thưởng Cup VAPA cùng nhiều huy chương vàng, huy chương bạc quốc tế... Những tạp chí nhiếp ảnh trong nước như: Thế giới ảnh, Nhiếp ảnh Việt Nam, Ánh sáng đẹp... hầu như số báo nào cũng có ảnh đẹp của tác giả Đồng Nai. Đó là những: Nguyễn Huỳnh Thái, Lưu Thuận Thời, Trần Hữu Cường, Nguyễn Đức Tường, Lâm Cón, Phạm Lê Dũng, Trần Văn Kỹ, Nguyễn Long, Chương Cầu, Nguyễn Đình Hải, Phạm Long Thanh...; đặc biệt Dương Quốc Định gây ấn tượng với những tác phẩm nhiếp ảnh mang phong cách hội họa.

Một bộ môn được xem là hoạt động mạnh là mỹ thuật. Do Đồng Nai có Trường cao đẳng trang trí mỹ thuật với đội ngũ giảng viên, họa sĩ, sinh viên đông đảo nên hội viên phát triển nhanh. Năm 2006, Đồng Nai đăng cai tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực miền Đông lần thứ XI, càng làm cho những tên tuổi đã đạt giải trong những triển lãm trước đó như: Trần Chí Lý, Trương Đình Quế, Nguyễn Văn Anh, Vũ Thiên Vũ lại có thêm những Lâm Văn Cảng, Phạm Công Hoàng, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Quang Hoàng, Nguyễn Phúc Thịnh, Võ Tùng Niên được tặng thưởng.

Mảng văn nghệ dân gian cả nhiệm kỳ qua không phát triển thêm được hội viên vào mới, nhưng cả 5 thành viên đều có những công trình nghiên cứu, biên soạn có giá trị. Huỳnh Văn Tới và Phan Đình Dũng với sơ thảo Văn hóa Đồng Nai và cùng Trần Viết Bính, Tống Duy Hòa biên soạn công trình nghiên cứu Nghệ thuật âm nhạc và dân ca dân tộc Chơro, Mạ ở Đồng Nai; Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Tuyết Hồng, Phan Đình Dũng còn thực hiện công trình nghiên cứu Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai... Nhà nghiên cứu nghiệp dư Nguyễn Yên Tri bên cạnh Làng đá Bửu Long, Truyện kể về Đồng Nai đất nước - con người còn cùng Phan Đình Dũng biên soạn Gốm Biên Hòa. Nhạc sĩ Trần Viết Bính có công trình nghiên cứu Dân ca Châu Mạ, công trình sưu tầm Dân ca Chơro, 51 bài dân ca Mạ, Chơro, STiêng ở Đồng Nai.

Trên lĩnh vực biểu diễn sân khấu với 3 hội viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã nâng tổng số nghệ sĩ ưu tú trong tỉnh lên 5 người, đã góp phần giúp nhiều nghệ sĩ Đồng Nai đoạt huy chương, bằng khen tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, không chuyên toàn quốc và khu vực. Nổi bật có biên đạo múa Lê Sơn Viện, đạo diễn sân khấu Giang Mạnh Hà, diễn viên Vũ Đại Phong, ca sĩ Đức Huệ, biên dịch Phan Thị Hoàng Anh, Thái Quốc Thế Nguyên, Lâm Bảo Thịnh... Trên lĩnh vực âm nhạc, ngoài những tên tuổi cũ như Trần Viết Bính, Nguyễn Văn Vy, Vũ Đan Huyền, Tống Duy Hòa, Bùi Công Thuấn, Cao Hồng Sơn, Thy Đường... lại có thêm những Nguyễn Khánh Hòa, Đoàn Văn Sửu, Nguyễn Thọ, Điểu Được, Đồng Châu, Nguyễn Kỳ Xuân... được công chúng yêu âm nhạc biết đến.

Trả lời một cuộc phỏng vấn trước thềm Đại hội VHNT tỉnh Đồng Nai lần thứ IV, họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho biết: Nhiệm vụ chính của Hội trong nhiệm kỳ tới được xác định là: "Phát huy tối đa nội lực của tổ chức Hội. Xây dựng Hội trở thành mái ấm gia đình của các hội viên, tạo mọi thuận lợi giúp hội viên nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn dân chủ nhằm xây dựng con người, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân".

Bùi Thuận

Tin xem nhiều