23 năm trong quân đội, từng chiến đấu với quân thù ở chiến trường Quảng Trị, ông Phạm Bích Ngọc đã 4 lần bị thương (với tỷ lệ 81%). Tuy năm nay đã 69 tuổi và những vết thương ở đầu, bụng, tay chân cứ hành hạ liên miên, nhưng "chất lửa" anh Bộ đội Cụ Hồ trong ông thì không hề nguội lạnh. Mặc dù hàng ngày phải làm công việc nội trợ, chăm sóc vợ bệnh tật, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho công tác chi bộ, mặt trận, cựu chiến binh và đặc biệt là công tác dân vận...
Ông Phạm Bích Ngọc chuẩn bị tài liệu cho buổi nói chuyện truyền thống nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ. |
23 năm trong quân đội, từng chiến đấu với quân thù ở chiến trường Quảng Trị, ông Phạm Bích Ngọc đã 4 lần bị thương (với tỷ lệ 81%). Tuy năm nay đã 69 tuổi và những vết thương ở đầu, bụng, tay chân cứ hành hạ liên miên, nhưng "chất lửa" anh Bộ đội Cụ Hồ trong ông thì không hề nguội lạnh. Mặc dù hàng ngày phải làm công việc nội trợ, chăm sóc vợ bệnh tật, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho công tác chi bộ, mặt trận, cựu chiến binh và đặc biệt là công tác dân vận...
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi thì hồi ức về chiến trường là làm ông sôi nổi nhất. Hồi ức ấy được ông lưu giữ lại trong những quyển sổ tay. Và những chiến công được ghi nhận bằng nhiều huân chương chiến sĩ quân giải phóng, chiến sĩ vẻ vang, chiến công quân giải phóng cũng được ông cất giữ cẩn thận. Trong "gia tài" hoạt động cách mạng của ông còn có một thời gian dài tham gia cấp ủy, trưởng phòng cấp huyện ở tỉnh Hưng Yên trước khi nghỉ hưu. Tuổi già của ông còn có niềm hạnh phúc lớn lao khi các con đều học hành đỗ đạt và ít nhiều có đóng góp cho xã hội. Hai người con đầu của ông là những sĩ quan không quân, một người là giáo viên và con gái út đang theo học năm cuối đại học. Ba trong số bốn người con ấy đã là đảng viên.
Mấy năm qua, người đồng đội đồng thời là bạn đời của ông - bà Linh Thị Thỏa (một bác sĩ quân y, cũng được tặng thưởng huy chương kháng chiến), ngã bệnh nặng. Vậy là một mình ông lo toan mọi việc trong gia đình. Ban đầu có phần vất vả, nhưng giờ đây chuyện chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, lau dọn nhà cửa với ông trở nên bình thường khi mà các con ở xa, lại bận bịu công tác, học hành. Làm xong việc nhà, chăm sóc, thuốc thang cho vợ tử tế thì ông lại lên xã (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom), ra ban ấp (ấp Quảng Phát), đến các nhà dân để công tác, để vận động. Nhiều hôm, một ngày ông phải lên xã, xuống ban ấp mấy bận. Khi thì công việc của Hội Cựu chiến binh xã (mà ông là ủy viên thường vụ), lúc là Mặt trận Tổ quốc gọi lên (ông là trưởng ban công tác mặt trận ấp) hoặc việc Đảng (ông là phó bí thư chi bộ ấp). Rỗi rảnh thì ông đi vào các dong, hẻm, ghé từng nhà bà con nói chuyện "thời sự" của xã, của ấp, vận động bà con ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh, chấp hành chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Nhiều gia đình trong ấp có người thân trước đây làm sĩ quan chế độ cũ nên không mấy thiện cảm với các cựu chiến binh. Biết được điều đó, khi về sinh sống tại địa phương, ông chủ động tìm đến các gia đình ấy chuyện vãn. Lâu dần, người ta thấy ông đảng viên, cựu chiến binh này cũng dễ gần, dễ mến nên trở nên thân thiết lúc nào không hay. Hoặc như có không ít gia đình trong ấp trước đây cố tình "làm lơ" chuyện treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết. Thấy lạ, ông lân la tìm hiểu thì nhiều người nói tại... không có cờ! Nghe vậy, ông đạp xe ra chợ, bỏ tiền túi mua liền mấy lá cờ về tặng ngay. Ban đầu, trong "thế bí" những gia đình vốn hay "làm lơ" đành miễn cưỡng treo cờ. Nhiều gia đình trong các hẻm thấy vậy cũng đi mua cờ, đem cờ ra treo. Bây giờ thì việc đó đi vào nề nếp. Mỗi khi có lễ, Tết cờ treo đỏ rực, xóm ấp rất đẹp, bà con đều vui, ông cũng rất vui. Một việc khác: Ông là một trong những đảng viên, cựu chiến binh chịu khó... đi nhà thờ. Không phải ông có đạo Công giáo mà do vinh dự thường được linh mục chánh xứ và ban hành giáo mời dự các lễ trọng. Cớ là những việc làm của ông có lợi cho bà con trong ấp - những người phần lớn là giáo dân Công giáo. Vì vậy, linh mục và các chức việc trong giáo xứ thấy rằng hợp tác với ông, với ấp, với xã để việc chăm lo cho dân được tốt đẹp hơn. Từ chỗ xã giao, dần dần hai bên đã có mối quan hệ bình đẳng, hiểu biết, thân thiện và tôn trọng lẫn nhau. Nhất là khi ông trưởng ban hành giáo của giáo xứ lại là phó ban mặt trận ấp thì mọi công việc của chính quyền, mặt trận với ban hành giáo về chăm lo cho nhân dân, cho giáo dân thêm phần thuận lợi và tiến triển.
Ông nói, "cái chất lính" không cho phép mình nghỉ ngơi dù thương tật nặng, sức khỏe yếu đi nhiều. Không còn điều kiện phục vụ những việc lớn, ông nguyện với lòng là sẽ đem hết công sức ra phục vụ nhân dân dù việc nhỏ nhất, trong làng, trong ấp hoặc giúp đỡ từng người, từng gia đình một cũng là niềm vui, là hạnh phúc. Mấy ngày nay, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, ông có dịp hồi tưởng lại một thời chiến đấu hào hùng. Vui hơn, khi ông được mời đi nói chuyện truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ...
Trường Quân