Theo các số liệu được Hội Văn học - nghệ thuật công bố thì đội ngũ sáng tạo văn học của tỉnh Đồng Nai là một lực lượng đông đảo với nhiều thành tích đã được khẳng định qua các giải thưởng cấp trung ương, khu vực và địa phương...
Theo các số liệu được Hội Văn học - nghệ thuật công bố thì đội ngũ sáng tạo văn học của tỉnh Đồng Nai là một lực lượng đông đảo với nhiều thành tích đã được khẳng định qua các giải thưởng cấp trung ương, khu vực và địa phương...
Nhưng còn một điều đáng để mọi người quan tâm là nội dung của các sáng tác văn học, đặc biệt là văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký). Suốt một thời gian 6 năm qua (nhiệm kỳ III của Hội VHNT ĐN), thật khó tìm ra những bài ký văn học bám sát được cuộc sống và đi vào lòng người Đồng Nai như của cố nhà văn Nguyễn Đức Thọ, nhà văn Lê Đăng Kháng, Phạm Minh Hà... (thời những năm 1980-1990). Tiểu thuyết, truyện ngắn lấy Đồng Nai làm bối cảnh, lấy con người Đồng Nai là nhân vật, xem ra cũng còn quá hiếm hoi so với những tiểu thuyết, truyện ngắn đậm chất Đồng Nai của Hoàng Văn Bổn, Lý Văn Sâm, Nguyễn Thanh Văn... ngày trước. Thơ về đất nước, con người Đồng Nai tuy có khá hơn về số lượng, nhưng số bài có chất lượng đi vào được lòng người như những bài thơ giàu cảm xúc và đầy ấn tượng của Vũ Xuân Hương, Thanh Dạ, La Hồng Sơn... trước đây, thì còn phải xem xét lại.
Những cây bút có tay nghề khá hiện nay của Ban Văn học thuộc Hội VHNT ĐN vẫn viết đều, thậm chí có người viết nhiều, có người có tác phẩm đoạt giải thưởng hoặc vào sâu đến chung khảo các cuộc thi sáng tác văn học trong nước, trong khu vực. Nhưng, ở những tác phẩm vừa nói, họ hầu như viết về đất nước, con người của quê hương tuổi thơ mình - những vùng đất và con người không phải Đồng Nai! Ở những cuộc thi có đề tài về "Đất nước - Con người Đồng Nai", trong những tác phẩm được trao giải không ít có nội dung chỉ là "đối phó" với đề tài chứ chưa phải xuất phát từ tình cảm, từ cảm xúc thật của người dự thi. Sau các chuyến đi thực tế cũng thế, sắc thái riêng của Đồng Nai hầu như chỉ thể hiện qua các địa danh, sự việc có liên quan đến Đồng Nai được đưa vào nội dung sáng tác hoặc chỉ một câu ghi "Nhân chuyến đi..." ở cuối bài!
Vẫn biết rằng quê hương sáng tác thân thuộc nhất của mỗi người cầm bút chính là mảnh đất và kỷ niệm mà tuổi thơ họ gắn bó; cũng đành rằng sáng tác văn học không câu nệ địa phương, vả chăng, viết về Hà Nội, Huế hay Cần Thơ thì cũng là viết về đất nước Việt
Tôi không khỏi băn khoăn: phải chăng người viết Đồng Nai hiện nay vốn từ tứ xứ tụ hội lại, tuy có những người có tay nghề khá, nhưng vẫn chưa đủ thời gian, chưa đủ am tường, chưa đủ cả tấm lòng để thật sự yêu đất nước, yêu con người Đồng Nai như mình là một thành viên máu thịt trong cộng đồng đó chứ không chỉ là một người ngụ cư? Hay chính bởi bản thân mỗi người cầm bút tuy đang ăn cơm gạo Đồng Nai, hít thở khí trời Đồng Nai, hòa chung nhịp sống hàng ngày với bao con người Đồng Nai, nhưng vẫn chưa xem việc viết về Đồng Nai như một nghĩa vụ cần quan tâm thực hiện bên cạnh việc tung tẩy ngòi bút của mình trong các đề tài chung khác?
Những gì mà Ban chấp hành, Ban Văn học của Hội VHNT Đồng Nai thời gian qua đã làm như tổ chức đi thực tế, trại sáng tác, cuộc thi sáng tác... quả thật là chưa đủ "liều lượng" thúc đẩy những cây bút văn, thơ của Đồng Nai hướng một phần quan trọng ý tưởng, bút lực, tấm lòng của anh chị em để thể hiện sắc thái riêng của Đồng Nai trong tác phẩm của mình.
Tôi cho rằng Điều 3 - Điều lệ Hội VHNT ĐN cần phải được Ban chấp hành, Ban Văn học nhiệm kỳ IV và các hội viên văn học của Hội VHNT Đồng Nai hết sức quan tâm trong thời gian tới - trừ khi chúng ta bằng lòng với những gì hiện có!
Nhà văn Khôi Vũ